HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau cuộc gặp phái đoàn EU tại đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội hôm 16 Tháng Mười Một, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” bị công an CSVN “câu lưu.”
Bà Trang cùng một số nhà hoạt động khác, trong đó có cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, được mới đến đại sứ quán Thụy Điển để trao đổi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Đây là cuộc họp nhằm chuẩn bị cho phiên Đối Thoại Nhân Quyền hằng năm giữa Việt Nam và EU, dự trù diễn ra đầu Tháng Mười Hai tới đây.
Bà Hằng cũng bị câu lưu nhưng được trả tự do vào chiều cùng ngày.
Theo Facebook Trịnh Kim Tiến, “Nhà báo Phạm Đoan Trang bất chấp những nguy hiểm có thể xảy đến để có mặt tại Hà Nội. Chị xác định rằng mình có thể bị bắt ngay sau cuộc họp, dù đôi chân đang rất đau nhưng chị vẫn cố gắng đến trao đổi với các đại sứ quán với mong muốn thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam. Những nội dung mà nhà báo Phạm Đoan Trang truyền đạt trong cuộc họp gồm có ba phần chính: Báo cáo tình hình môi trường và vi phạm nhân quyền, liên quan đến thảm họa Formosa; báo cáo về tình hình tự do tôn giáo; tuyên bố và kiến nghị của một số tổ chức xã hội dân sự độc lập.”
Đến 11 giờ đêm cùng ngày, ông Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam, cho hay bà Trang vẫn đang “làm việc” tại Phòng An Ninh Điều Tra của Công An Hà Nội.
Bà Trang được ghi nhận từng tham dự khóa học 10 tháng về chính sách công ở Hoa Kỳ nhưng “từ chối lời đề nghị ở lại Mỹ.” Bà về nước vào Tháng Giêng, 2015 và dấn thân làm nhà hoạt động. Được biết trước khi bị câu lưu hôm 16 Tháng Mười Một, bà đang chuẩn bị xuất bản tiếp cuốn “Chính Trị Phi Bạo Lực.”
Đến nửa đêm 16 Tháng Mười Một, một số nhà hoạt động bày tỏ sự lo lắng trên mạng xã hội vì bà Trang bị suyễn kinh niên và một chân gần như bị liệt mà bà từng cáo buộc là vì những trận đòn của an ninh.
Website Luật Khoa Tạp Chí hồi Tháng Mười nhận định cuốn “Chính Trị Bình Dân” do Nhà Xuất Bản Giấy Vụn ở Hoa Kỳ ấn hành, “đáng được xếp vào hàng những tài liệu hiếm hoi bàn về chính trị Việt Nam một cách nghiêm chỉnh kể từ năm 1975 trở lại đây, dù không thể phát hành tại Việt Nam.”
Trang này dẫn lại một đoạn trong cuốn sách: “Luật pháp ở nước CHXHCN Việt Nam chỉ là công cụ để nhà nước quản lý, hay là chỉ dùng cho dân. Công an – với vai trò lực lượng bảo vệ chế độ – thường được ưu ái, được luật pháp ưu tiên bảo vệ. Việt Nam dưới thời Cộng Sản là một chế độ ‘rule by law,’ nơi không tồn tại ‘rule of law.’” (T.K.)
No comments:
Post a Comment