Theo RFA-2017-11-17
Youtube là một trong những kênh chuyển tải thông tin thông dụng. Ảnh chụp một người dùng Youtube trên smart phone tại Paris hôm 27/1/2010.AFP photo
Việt Nam đã tác động đến các nhà mạng nước ngoài yêu cầu gỡ bỏ 5000 clip trên mạng Youtube có nội dung xấu, phản cảm, sai sự thật
Thông tin trên được Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tại phiên chất vấn trước Quốc hội và ngày 17/11.
Ông Tuấn cho biết hiện Việt Nam có 53 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook và 2 triệu trong số này là những phần tử xấu. Bên cạnh đó tình trạng nói xấu, ném đá nhau trên mạng xã hội cũng xảy ra tràn lan, và thu hút sự quan tâm của dư luận hơn cả những lời nói tốt đẹp. Ông cho biết từ năm 2014 đến nay Việt Nam ghi nhận ít nhất năm, sáu trường hợp tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.
Người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng thừa nhận mạng xã hội đã mang lại nhiều tai hại cho Việt Nam trong đó có các thông tin bôi nhọ, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo,…Ông cho biết bên thông tin truyền thông đã phối hợp với bên tuyên giáo để đẩy mạnh thông tin tích cực trên báo chí thay vì những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Xin được nhắc lại đầu năm nay chính phủ Hà Nội đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ hơn 2000 clip có nội dung được nói là xấu, phản động. Sau đó, Youtube đã đồng ý gỡ hơn 1000 clip trong số này. Hà Nội tiếp tục đàm phán với Facebook yêu cầu chặn những tài khoản bôi nhọ, giả mạo người khác và phía Facebook cũng đã đồng tình hợp tác.
Cũng tại phiên họp Quốc hội sáng 17/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội quá nhiều so với những nước khác trên thế giới, và cho rằng người dùng trong nước đã quá dễ dãi với thông tin mạng.
Ông Phó Thủ tướng nói người Việt chủ yếu sử dụng dịch vụ như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm,…của nước ngoài. Ông so sánh với Trung Quốc và khen ngợi quốc gia này rất quyết liệt trong việc sử dụng mạng trong nước. Ông cũng nói với đại ý là Việt Nam nên học tập những nước như Thái Lan hay Đức vì Đức chỉ có 37% sử dụng mạng xã hội, trong khi Việt Nam có đến 60%.
Theo ông Vũ Đức Đam, các chuyên gia nước ngoài nói rằng người sử dụng Internet ở Việt Nam quá dễ dãi và không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn trong hành động của mình trên mạng Internet. Ông cho rằng điều này đáng bạo động nhất cho an ninh thông tin ở Việt Nam.
Về vấn đề an ninh mạng, ông Đam cảnh báo Việt Nam đứng thứ 100 trên thế giới, tức là thuộc loại trung bình yếu. Và các chỉ số liên quan cá nhân ở mức yếu nhất toàn cầu. Ông cũng nói rằng Việt Nam đầu tư quá ít vào an ninh thông tin, chỉ bằng 1/3 hoặc ¼ so với các nước khác.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tại Hội nghị cấp cao APEC vừa qua, Việt Nam đã phát hiện 27 cuộc tấn công mạng nhắm vào máy chủ và trung tâm báo chí.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện 17 lỗ hổng và hàng ngàn cuộc có nguy cơ tấn ông.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói rằng từ đầu năm đến nay Việt Nam đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Ông cũng chỉ ra rằng hiện 41% các tổ chức không đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn; 51% chưa có thao tác chuẩn để phản hồi khi xảy ra sự cố; và đến 73% chưa thực hiện các biện pháp an toàn thông tin.
Ông thúc giục các cá nhân, tổ chức phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh mạng.
No comments:
Post a Comment