Friday, November 17, 2017

Chuột chưa chết, Bình đã vỡ

Mai Hữu Tín (Danlambao) - Chia rẽ trầm trọng trong hàng ngũ lãnh đạo của ĐCSVN không phải là điều mà ai cũng nhận thấy. Qua hội nghị APEC lần này, bề ngoài, ai cũng cho rằng, nước chủ nhà Việt Nam đã thành công trong việc giới thiệu và trình ra với thế giới hình ảnh của một nước Việt Nam đang lên, văn minh, tiến bộ, sẵn sàng hội nhập và ĐCSVN là một đảng lãnh đạo toàn diện, đoàn kết và hợp lòng dân. Thế nhưng, nhìn cho rõ, sự rạn nứt trong thượng tầng lãnh đạo dù được ông TBT dùng kỹ xảo để che đậy, như bằng cách ra lệnh kết đoàn ngũ rầm rộ đi thăm và kỷ niệm cuộc CMT10 Nga, ngay trước khi hội nghị diễn ra nhằm mục đích trưng bày với thế giới sự lãnh đạo thống nhất và đoàn kết trong DCS, cũng không thể che đậy sự cách biệt và rạn nứt to lớn ngay trong cách thể hiện của 3 vị lãnh đạo cao nhất: Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước.

Sự niềm nở có giới hạn của ông TBT Nguyễn Phú Trọng đối với lãnh đạo của các nước và cường quốc không nằm trong quỹ đạo và ảnh hưởng của chủ nghĩa CS, như Mỹ, Canada, Úc, Nhật, đã hoàn toàn ngược lại với cách tiếp đón niềm nở, nắm tay thân mật một cách quá mức của ông TT Nguyễn Xuân Phúc, một người tiếp cận nhiều và công du nhiều ở các nước Tư bản theo Hoa Kỳ. 

Và hành động dẫn bè đoàn đi kỷ niệm CMT10 Nga và 21 phát đại bác dành cho Tập của ông Nguyễn Phú Trọng một lần nữa lại trái hẳn với sự lạnh nhạt của ông TT Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo của hai nước Nga và Trung Quốc, Cả hai việc này, vô tình lại làm rõ sự cách biệt về quan điểm của hai khuynh hướng thân Nga, Trung quốc, và thân Mỹ, Phương Tây ngay trong ĐCSVN.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả không tìm cách biện giải cho luận điểm này, liên quan đến mục đích mà mọi phe trong ĐCSVN mưu tìm qua việc lợi dụng sự kiện APEC được tổ chức tại VN, mà chỉ muốn làm nổi rõ mâu thuẫn nội bộ trầm trọng ngay trong ĐCSVN và câu hỏi: Vì sao ông Trần Đại Quang lại trở nên quan trong dù: Chủ tịch nước chỉ là một "hữu danh, vô thực"?

Bài viết "Nguyễn Phú Trọng nhìn từ Tập Cận Bình" của nhà báo Nguyễn Chí Dũng trên BBC đã phân tích mục đích và ý đồ của ông TBT Trọng, mục tiêu mà ông ta nhắm tới qua chủ trương diệt trừ tham nhũng. Chiến dịch "đập chuột" của ông TBT mà mục đích chính là diệt trừ vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng, đã phần nào đó thành công khi đưa được con chuột to nhất trở về "làm người tử tế". Nhưng chuột CS thì dễ gì mà diệt cho hết khi bản thân của chính hệ thống này, của chính cái "bình "này, lại là nơi sinh sản và nuôi dưỡng những con chuột kinh khủng đó. Con này về "làm người tử tế "thì lại có ngay con khác, trưởng thành, to lớn và đầy mưu mô xảo quyệt. Kẻ đi diệt chuột dễ dàng bị chuột giết chết như lời của ông thanh tra chính phủ - Phạm Trọng Đạt - "Chống lại có khi chúng tôi chết trước". Ngay chính bản thân của ông TBT cũng hiểu rõ điều này là không thể.
Bí lối, ý thức được xu hướng thân TQ và say mê ý thức hệ Cộng sản của nhiều người trong ĐCSVN cộng thêm mỗi quan hệ gần gũi với TQ về ý thức hệ, ông TBT bèn lợi dụng sức mạnh của láng giềng khổng lồ nhằm đạt được mục đích tối thượng của mình.

Còn người khác lại cho rằng, sự tận tụy và thái độ hết sức thân mật của ông TT NXP với lãnh đạo của các nước Tư bản như HK, Canada, Úc, v.v... lại là dấu hiệu của nhu cầu hết sức cấp thiết về... "tiền".

Nhiều tháng trước hội nghị APEC, ông Thủ tướng đã đăng đàn báo động về việc thiếu hụt ngân sách trầm trọng. Tiền đã hết, đầu tư nước ngoài sụt giảm, Việt Kiều lại ít gởi tiền về cho thân nhân, các nguồn viện trợ không hoàn lại bị cắt, bị chuyển đổi thành nợ cho vay có thời hạn. Đã vậy, TTP, hy vọng kiếm tiền, công cụ để tiếp cận các nguồn cho vay lại có nguy cơ bị "vỡ trận". Hết tiền, ông TT kêu la thắm thiết, năn nỉ WB tìm giúp nguồn tài trợ. Còn Nhà nước ra chiêu khuyến dụ Việt Kiều, xóa bỏ hận thù, đem tiền về xây dựng quê hương. Các nhà thơ, trí thức được bật đèn xanh rát họng kêu gọi hòa giải, hòa hợp Dân tộc. Làm đủ cách nhưng vẫn thiếu hụt nghiêm trọng. May mắn là có APEC, ông TT được dịp tung hết chiêu trò ve vãn, tỏ tình thân mật, niềm nở hết mức. Ông cũng nhân đây tô vẽ bản thân trở thành một nhân vật đại diện cho khuynh hướng "kỹ trị", hoặc chỉ chú trọng đến "làm ăn", kinh tế, lo kiếm tiền, hết sức thân thiện, để... "mượn tiền". Và khi thể hiện mình như một nhân vật thân thiện với giới kinh doanh, đặc biệt là HK và các nước phương Tây, ông TT đã tự đặt mình vào vị trí đối nghịch với phe của ông TBT, chọn cho mình sự hậu thuẫn của các nước này dù có thể bản thân của ông cũng chưa chắc đã muốn như vậy, nhất là khi vây cánh của ông ta trong đảng cộng sản còn chưa đủ mạnh. Ông TT cho đến giờ này không còn là một ẩn số khi nhiều người vẫn nghi ngờ rằng, chính người "tử tế" đã chọn ông làm kẻ "kế thừa".

Ông Chủ tịch nước lại là một ẩn số khác, dù rằng dư luận đang nghi ngờ ông cũng là một kẻ kế thừa khác của người "đang tử tế". Xuất thân từ ngành công an, một lực lượng mà theo đánh giá là ngang ngửa với đảng CSVN, thậm chí còn mạnh hơn phe có nhiều súng ống, đạn dược là Quân đội. Sở dĩ được đánh giá như vậy vì thời buổi này, việc sử dùng súng ống, hiện thân của bạo lực đã trở nên không còn cần thiết trong việc "Tề gia, Trị Quốc, Bình thiên hạ". Giờ công an muốn giết người thì có đủ mọi cách, không cần phải bóp cò, gây tiếng nổ lớn. Và cũng vì mọi việc diễn ra trong âm thầm, bí mật nên ông CTN xuất thân từ nơi này, trở thành một lực lượng đáng gờm trong thế chân kiềng tay ba này. Tuy nhiên, qua APEC, dù danh thì rất thuận, nhưng vai trò của ông có vẻ hết sức mờ nhạt trước những thế lực khác ngoài đảng, ngoài nước. Thậm chí, việc thủ tướng Úc cắt bỏ sự xuất hiện của ông CTN trong ảnh selfie khi đăng lại trên Facebook đã gần như tỏ thái độ xem thường ông CTN. Tin tức tình báo từ phương Tây khá chính xác. Có vẻ như số phận của ông CTN gần như đã được định đoạt từ bây giờ. Vấn đề kế tiếp sẽ là ai là người thay thế ông ta trong nhiệm kỳ tới.

Tấm hình mà truyền thông loan tải khi phái đoàn của nhà cầm quyền CSVN xếp hàng, vái lạy trước tượng đài Lenin đã bị rách toạc. Ai cũng đánh giá rằng, Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ APEC, từ kinh tế, ngoại giao, đến hình ảnh. Lợi ích thì chưa thấy, hoặc nếu có cũng chỉ một thiểu số những thương gia, những kẻ có quyền, có tiền mới có đủ khả năng tiếp cận và nhìn thấy được cơ hội kiếm tiền. Riêng với những người trong đảng CS, hơn ai hết, họ hiểu rõ, việc tiếp tục đoàn kết cùng nhau để cùng cai trị, cùng tiếp tục nắm vững quyền lực, ngồi trên đầu 90 triệu dân Việt mới là điều quan trọng sống còn. Và với sự chia rẽ và mâu thuẫn ngay từ trong thượng tầng lãnh đạo, dù có APEC hay không, vấn đề đoàn kết mà ĐCSVN coi là vấn đề sống còn sẽ tiếp tục là nỗi lo lắng thường xuyên của những nhà lãnh đạo CSVN

16.11.2017


No comments:

Post a Comment