HÀ NỘI (NV) – Trong bài phát biểu bế mạc Hội Nghị Trung Ương 6 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng do báo Việt Nam đăng toàn văn, không thấy nhắc đến khái niệm “nhất thể hóa.” Tuy vậy, người ta thấy ông nói đến việc “thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện.”
Tức là, nếu áp dụng “nhất thể hóa” thì ở mỗi xã, mỗi huyện sẽ chỉ có một chức danh lãnh đạo duy nhất, thay vì có từ 2 đến 3 lãnh đạo như hiện nay.
Trước đó, một số báo trong nước đã rục rịch đăng chuyện áp dụng mô hình “nhất thể hóa” tại các địa phương. Báo Lao Động hôm 6 Tháng Mười đăng bài “Nhất thể hóa các chức danh tại Quảng Ninh: Giảm chi, gọn nhẹ, tăng hiệu quả, hiệu lực bộ máy.”
Bài báo có đoạn: “Quảng Ninh là tỉnh đi tiên phong trong việc ‘nhất thể hóa’ một loạt các chức danh từ cấp xã tới huyện, đồng thời sáp nhập một số phòng ban, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, trong đó nổi bật lên mô hình ‘nhất thể hóa’ bí thư kiêm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện ở Cô Tô, Tiên Yên.”
“Theo ông Vũ Ngọc Giao, trưởng ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Quảng Ninh, đến nay chưa có đánh giá chính thức về vấn đề trên, nhưng qua thực hiện cho thấy, ngoài việc tiết kiệm chi tiêu, còn tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, bởi có khá nhiều cơ quan ở bên chính quyền và bên đảng có những chức năng, nhiệm vụ giống nhau,” theo báo Lao Động.
Việc truyền thông trong nước đưa tin “nhất thể hóa” tại các địa phương cũng dấy lên suy đoán rằng Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chỉ dấu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Hôm 12 Tháng Mười, Luật Gia Nguyễn Đình Hà, người từng tự ứng cử đại biểu Quốc Hội năm 2016, viết: “Muốn ‘nhất thể hóa’ hai chức bí thư và chủ tịch huyện/xã thì phải sửa luật, chứ không phải đảng bảo thế mà làm được ngay. Chủ tịch huyện/xã do Hội Đồng Nhân Dân cùng cấp bầu ra, chứ bí thư là bí thư của đảng, do đảng tự bầu ra, dân không bầu ra bí thư. Do vậy, về cơ bản, muốn ‘nhất thể hóa’ thì phải sửa đổi chí ít hai luật – bầu cử và tổ chức chính quyền địa phương. Nhưng, xét đi xét lại, nếu bí thư ngồi vào ghế chủ tịch huyện/xã rồi, thì cần gì bầu bán chủ tịch trong phiên họp đầu, kỳ họp đầu mỗi khóa Hội Đồng Nhân Dân? Làm gì còn cạnh tranh? Và liệu có còn dân chủ ở cơ sở, dù chỉ hình thức? Hay chỉ còn dân chủ trong đảng?”
Ông Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Bangkok chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội: “Nhất thể hóa các chức danh giữa đảng và nhà nước trong bối cảnh này thì sẽ chỉ giúp tăng thêm mức độ toàn trị. Từ trước tới nay chúng ta đã phải nỗ lực giải thích cho người dân rằng đảng là đảng mà nhà nước là nhà nước. Không thể đánh đồng lẫn lộn được. Nếu ông làm cho đảng thì ông chỉ được lo việc đảng, còn đã làm cho nhà nước thì phải phụng sự ý nguyện của người dân. Tổng bí thư của đảng mà lên giọng đe nạt dân chúng thì là mất dạy, còn chủ tịch nước mà phục tùng đảng hơn là phục tùng nhân dân thì đó là ăn cháo đá bát.”
Ông Sơn viết thêm: “Ngân sách dành cho hoạt động của đảng phải đến từ sự đóng góp của các đảng viên, cấm được động vào tiền thuế của dân. Nếu muốn hợp nhất đảng và nhà nước, thì chỉ còn một cách, đó là phải đa đảng và tổ chức tổng tuyển cử tự do!”
Nhà Hoạt Động Nguyễn Thị Bích Ngà bình luận trên Facebook: “Cái gì tới thì nó phải tới. Trước đây, đảng còn giấu giấu giếm diếm quyền lực thống trị lãnh đạo bao trùm bằng cách lập ra hai cơ quan: đảng và chính quyền, mị dân bằng cách lập ra Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân các cấp. Từng bước, đảng đưa Điều 4 vô Hiến Pháp, thấy dân không phản ứng gì cho lắm, đảng tiếp tục thâu tóm quân đội bằng chỉ thị, “trung với đảng,” thấy dân cũng chưa phản đối nhiều, đảng túm luôn công an, “thanh gươm lá chắn của đảng, còn đảng còn mình,” thấy dân vẫn nhậu tưng bừng, đảng quất luôn phát chót, “nhất thể hóa” công khai quyền lực tối thượng, tập trung một cách “chính đáng” dưới chiêu bài, “tinh giản bộ máy biên chế và dễ quy trách nhiệm!”
“…Để không bị cho là độc tài toàn trị, đảng đã lập ra chính phủ, Quốc Hội là cái bánh vẽ cho dân ăn. Nay, thực hiện ‘nhất thể hóa’ là đảng công khai xóa bỏ cái bánh vẽ vì thấy đã thành công trong việc triệt tiêu sự phản kháng của người dân. Đảng có làm gì thì dân vẫn cứ im và chịu.”
Bà Ngà phân tích: “Quyền lực sinh ra lạm dụng, lạm quyền, và nay nó được công khai hỗ trợ thêm quyền lực tập trung, vai trò giám sát giả vờ cũng đã bị vứt toẹt vào thùng rác. Điều đó thể hiện gì? Sự khinh nhờn dân đã đến mức tuyệt đối. Đâu là đảng đâu là nhà nước? Gộp một. Trước nay, nhìn thấy bản chất che đậy qua cái bánh vẽ nên tôi không phân biệt chính quyền với đảng, tôi luôn gộp một. Có không ít người phản biện, cho rằng đảng và chính quyền là hai cơ quan khác nhau, không thể gộp một. Vâng, ở nước khác nó thế, ở đây đảng và chính quyền là một.” (T.K)
No comments:
Post a Comment