HẬU GIANG (NV) – Trong tháng này, chính quyền tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai nuôi vài bè cá gần ống xả thải của Nhà máy Giấy Lee & Man, Trung Quốc để “giám sát môi trường và cho… cán bộ ăn thử nghiệm”.
Ngày 6 tháng Tư, ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở Nông nghiệp Hậu Giang đã loan báo như trên. Theo ông Đồng “đây là cách đánh giá khả thi nhất để xem nước thải từ nhà máy có gây ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp hay không”.
Theo báo Người Lao động,trong phúc trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mới của nhà máy giấy đã được Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) phê duyệt, ngày 21 Tháng Hai, Bộ này đã quyết định cho phép Nhà máy Giấy Lee & Man được xả nước thải từ hệ thống xử lý ra sông Hậu. Vị trí xả thải tại ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm.
Trong danh mục 23 chỉ tiêu ở bảng thông số và giới hạn nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải có nhiều chất độc hại như: dioxin, xyanua, đồng, chì, sắt, crôm và vi khuẩn coliform, với hàm lượng khi thải ra sông Hậu rất thấp. Tuy nhiên, ngay sau khi Nhà máy Giấy Lee & Man vận hành thử nghiệm từ ngày 7 Tháng Ba, người dân đã phản đối quyết liệt vì mùi hôi rất khó chịu và bụi than phát ra từ phía nhà máy.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, phân tích: “Về nguyên tắc, nếu nước thải sau khi xử lý có nồng độ thấp hơn mức cho phép thì được thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc tích lũy các độc chất về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe. Điều cần đặt ra là nếu nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn loại A thì tại sao nhà máy không tái sử dụng mà lại thải ra sông, rồi hút nước sông vào cho nhà máy”. Ông Tuấn cho rằng, trước nay chưa có ai nuôi cá tại ống xả thải.
Còn ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng Bằng sông Cửu Long, nói rằng: “Nếu nuôi cá trong môi trường nước thải đã qua xử lý thì cá không chết liền vì chất độc chưa đạt ngưỡng, nhưng có thể tích lũy lâu ngày. Vì vậy, nếu người ăn cá này, lâu dần sẽ tích lũy độc chất, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe”.
Theo ông Thiện, sông Hậu có ảnh hưởng đến hàng triệu người dân và đây là con sông rất nhạy cảm, nếu có sự gì xảy ra sẽ dẫn đến thảm họa nên người dân lo ngại là có lý do. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment