VIỆT-NAM (NV) – Bất chấp phản đối của dân chúng và khuyến cáo của các chuyên gia, chính phủ Việt Nam vẫn chuyển dự luật sửa luật thuế tiêu thụ đặc biệt sang Quốc hội và đề nghị xem xét, thông qua sớm.
Lý do chính khiến dự luật vừa kể bị dân chúng và các chuyên gia chỉ trích kịch liệt vì dự tính thu thêm tới 8.000 đồng/lít xăng. Bộ Tài chính Việt Nam giải thích, khoản thu thêm (8.000 đồng/lít xăng) đó là “thuế bảo vệ môi trường” để “giải quyết vấn đề môi trường”.
Có một điểm đáng lưu ý là các khoản thuế đang được thu qua xăng (thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu từ 5% đến 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít) vốn đã chiếm đến 41,5% giá bán mỗi lít xăng. Nếu không phải cõng thuế, giá xăng ở Việt Nam chỉ chừng 7.150 đồng/lít chứ không phải 17.230 đồng/lít như hiện nay.
Tuy nhiên chính phủ Việt Nam vẫn chưa muốn ngừng tại đó. Qua dự luật sửa luật thuế tiêu thụ đặc biệt, chính phủ Việt Nam muốn tăng thuế bảo vệ môi trường tới 8.000 đồng/lít.
Các chuyên gia tại Việt Nam nhận định, tuy nhân danh “bảo vệ môi trường” nhưng khoản tiền mà chính phủ Việt Nam dự trù thu thêm trên mỗi lít xăng không phải để chi cho bảo vệ môi trường mà chỉ nhằm để kiếm thêm tiền bởi công quỹ đang thiếu hụt trầm trọng.
Ông Ngô Trí Long, cựu Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, chứng minh, từ khi thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường, chính quyền Việt Nam chỉ chi chừng ¼ số tiền thu được cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Chẳng hạn năm 2016, tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường là 42.393 tỉ đồng nhưng thực chi cho bảo vệ môi trường chỉ có 12.290 tỉ.
Trong một cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Long nhận định, mục đích chính của thuế bảo vệ môi trường là thu thêm tiền cho công quỹ do nguồn thu từ thuế nhập cảng xăng dầu giảm mạnh.
Đến đây thì phải mở ngoặc nói thêm về lý do nguồn thu từ thuế nhập cảng xăng dầu giảm mạnh.
Năm 2006, Việt Nam hăm hở tham gia một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với Nam Hàn. FTA này có hiệu lực từ giữa năm 2007.
Đầu năm ngoái, Bộ Tài chính Việt Nam “phát hiện”, chính phủ Việt Nam “hớ” khi tham gia FTA giữa ASEAN với Nam Hàn: Hạ mức thuế nhập cảng xăng dầu xuống 10%. Mức thuế này vừa khiến ngân sách Việt Nam mất một khoản thu lớn, vừa đẩy các doanh nghiệp xăng dầu của Việt Nam vào tử địa. Chẳng hạn Việt Nam đã bỏ ra ba tỉ Mỹ kim để xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và liên tục dùng ngân sách bù lỗ cho nhà máy này suốt bảy năm qua. Bởi phải giảm thuế nhập cảng xăng dầu xuống 10%, như đã cam kết trong FTA giữa ASEAN với Nam Hàn, chính phủ Việt Nam mặc nhiên “bóp mũi” những đứa con như Nhà máy lọc dầu Dung Quất (phải nộp thuế doanh thu là 20%). Nếu không muốn bức tử những doanh nghiệp như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chính phủ Việt Nam phải hạ thuế doanh thu đối với những doanh nghiệp này từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên nếu làm như thế thì ngân sách Việt Nam thất thu thêm một khoản khổng lồ khác, sau khi đã mất một khoản khổng lồ vì đã gật đầu chấp nhận hạ mức thuế nhập cảng xăng dầu xuống 10%!
Tháng 3 năm 2016, Bộ Tài chính Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam “làm việc lại” với Nam Hàn để “điều chỉnh cam kết hạ mức thuế nhập cảng xăng dầu xuống 10%” vì với Việt Nam “xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm cao” và Việt Nam phải duy trì sự bảo hộ đối với xăng dầu tối thiểu đến năm 2020. Tất nhiên là Nam Hàn từ chối.
Sau đó dự luật sửa luật thuế tiêu thụ đặc biệt với dự tính thu thêm tới 8.000 đồng/lít xăng dưới cái vỏ “bảo vệ môi trường” ra đời…
Liệu kinh tế Việt Nam có thể sống sót khi chính quyền Việt Nam ra sức tận thu?
Một giảng viên Đại học Kinh tế ở Sài Gòn tên là Trần Ngọc Thơ nói với tờ Tuổi Trẻ rằng, dự tính thu tới 8.000 đồng/lít xăng để “bảo vệ môi trường” là “bất cẩn và thiếu nghiêm túc”. Ông Thơ nhấn mạnh, kinh tế đang khó khăn, lạm phát của quý 1 (4,96%) đã vượt dự trù (4%), tăng trưởng GDP chỉ có 5,1%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu (6,7%). Theo ông Thơ, đề nghị đó “đánh vào niềm tin” của dân chúng, doanh giới, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài Việt Nam.
Ai cũng biết giá xăng dầu tăng, vật giá sẽ gia tăng, không chỉ người tiêu dùng khốn đốn mà doanh giới cũng điêu đứng vì giá thành của sản phẩm, dịch vụ tăng, không thể cạnh tranh với hàng hóa ngoại quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam nhờ hàng loạt FTA mà chính phủ Việt Nam đã ký với nhiều quốc gia, nhiều khối để khoe “bản lĩnh”.
Chính phủ Việt Nam chắc là cũng biết chuyện đó nhưng họ đã hết cách. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment