Wednesday, December 13, 2017

'Xử 2 nông dân 15 năm tù về tội nhận hối lộ là sai'

hai nông dân nhận hối lộ
Ông Nam (trái) và ông Tuấn, hai nông dân tội nghiệp bị kết án tội nhận hối lộ.

(PLO)- Ngày 13-12, một nguồn tin cho biết liên quan đến việc hai nông dân bị truy tố tội nhận hối lộ, ông Lại Văn Loan, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận, vừa có văn bản trả lời thắc mắc của một số đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận trong vụ án này.

Cụ thể, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận cho rằng sau khi khởi tố, bắt giam, truy tố và tuyên xử hai nông dân Nguyễn Thanh Tuấn tám năm tù và ông Nguyễn Thành Nam bảy năm tù về tội nhận hối lộ (do hai nông dân này đã nhận hối lộ của người dân hơn 17 triệu đồng trong hai năm 2013-2014 khi giúp người dân làm thủ tục vay vốn sản xuất). Sau đó, do TAND tỉnh Bình Thuận hủy toàn bộ án sơ thẩm nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với hai nông dân này. Tuy nhiên, các quyết định này lại căn cứ khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự “Hành vi phạm tội của các bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”, thực chất đây là việc lách luật để khỏi bồi thường oan sai.
Trả lời, viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận cho biết việc CQĐT ra quyết định nêu trên là không đúng quy định của pháp luật nên VKSND tỉnh đã chỉ đạo VKSND huyện Hàm Thuận Nam hủy bỏ các quyết định trên và yêu cầu CQĐT phục hồi điều tra lại vụ án. Theo VKSND tỉnh Bình Thuận, việc đình chỉ trên của CQĐT không phải vì lách bồi thường oan sai.
Đối với hai bản án hình sự của TAND huyện Hàm Thuận Nam xử hai nông dân nhận hối lộ đều cùng áp dụng điểm c, d, e khoản 2 Điều 279 Bộ luật Hình sự nhưng bản án sơ thẩm lần một (ngày 6-8-2015) xử phạt hai nông dân tổng cộng 15 năm tù, trong khi bản án sơ thẩm lần hai (13-7-2017) vẫn tuyên hai nông dân có tội nhưng lại miễn hình phạt tù có đúng quy định pháp luật không và bản án nào đúng, bản án nào sai?
Trả lời, viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận khẳng định bản án sơ thẩm lần một đã bị TAND tỉnh Bình Thuận hủy toàn bộ nên bản án này là sai, có thiếu sót.
“Đối với bản án sơ thẩm lần hai, hiện các bị cáo đang kháng cáo. Hiện nay VKSND và TAND tỉnh đang thụ lý chờ xét xử phúc thẩm nên kết quả tại phiên tòa phúc thẩm sẽ xác định việc đúng, sai” - ông Lại Văn Loan, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận, cho biết.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa, ông Nam là trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần. Tháng 4-2011, được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm tổ trưởng và ông Tuấn làm tổ phó tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý.
Nhiệm vụ của hai người là nhận giấy đề nghị vay vốn của người nghèo; tổ chức họp để bình xét cho vay; lập danh sách các gia đình cần vay rồi lập hồ sơ gửi cho Ban giảm nghèo cấp xã. Sau đó họ trình hồ sơ cho UBND xã xác nhận rồi chuyển lên Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay. Đặc biệt là đường từ thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện gần 30 km, đi lại vất vả.
Ngoài ra, hai người này còn có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn và xác minh đề nghị gia hạn nợ cho những gia đình khó khăn. Đa số hộ nghèo vay vốn đều không rành viết đơn nên họ giao hết cho ông Tuấn viết giúp, họ chỉ ký tên.
Ông Nam thấy ông Tuấn thường xuyên bỏ bê việc đồng áng gia đình để lo làm thủ tục cho các hộ dân. Vì vậy trong một cuộc họp hướng dẫn cho các hộ nghèo vay vốn, ông Nam đề nghị bà con nên phụ tiền xăng xe, tiền card điện thoại cho ông Tuấn đi lại, liên hệ để vay giúp tiền cho bà con và mọi người đều đồng ý.
Thế nhưng ngày 20-3-2015, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã bất ngờ khởi tố và bắt giam hai nông dân này về tội nhận hối lộ. Cả hai bị tạm giam gần hai tháng thì được cho tại ngoại.
Cáo trạng quy kết trong hai năm 2013-2014, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Tuấn đã ép buộc những hộ dân cần vay phải bồi dưỡng từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Tuấn đã nhận hối lộ của 12 hộ dân tổng cộng 13,6 triệu đồng...
Đây là vụ án có nhiều ý kiến trái chiều và có nhiều luật sư tham gia bảo vệ miễn phí cho hai nông dân. Theo các luật sư, những hộ dân có nhu cầu vay vốn, có ý nhờ ông Tuấn làm giúp và hoàn tất các thủ tục vay nên được trả công và tiền xăng xe. Đây là quan hệ dân sự và việc bị cáo bỏ công, chi phí đi lại là có thực. Hơn nữa bị cáo là người không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc cho vay hay không cho vay tiền nên không thể kết án các bị cáo tội nhận hối lộ được. Đặc biệt, theo hầu hết những người dân tố cáo thì do điều tra viên mời họ lên yêu cầu viết đơn chứ họ chỉ nghĩ đơn giản là đưa tiền bồi dưỡng cho hai nông dân giúp họ vay vốn, chứ không phải tiền hối lộ. Những lá đơn này đều có cùng nội dung, một nét chữ viết và nhiều hộ dân cho biết đơn do một người viết giúp...
PHƯƠNG NAM

No comments:

Post a Comment