Tuesday, November 7, 2017

Trầm cảm, tự tử, nghiện rượu gia tăng tại Việt Nam

Một người đàn ông ngồi uống rượu một mình tại Hà Nội. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trầm cảm, tự tử, nghiện rượu là các vấn nạn đang gia tăng của xã hội Việt Nam khi xứ sở tiếp tục đô thị hóa, người ta phải cạnh tranh việc làm, không đạt được điều ước muốn.
Theo một bài viết trên tờ Asia Times, tại một căn phòng được cho thuê để giải tỏa phẫn nộ có tên tiếng Mỹ là “Fury Room – Phòng Xả Stress,” người ta có thể bỏ ra khoảng 180,000 đồng (hay $8) để thuê một cái gậy đánh bóng chày như ở Mỹ rồi một mình bước vào trong một căn phòng đầy những chai lọ sành sứ, lò vi ba phế thải.
Khoác lên người một thứ trang phục như quần áo giáp bảo vệ thân thể, anh ta, hầu như chỉ là những người có nghề nghiệp chuyên môn đàng hoàng, tha hồ đập phá đến chán thì thôi. Đây là một trò “xả stress” giải tỏa ấm ức mới được nhập cảng từ nước ngoài về Việt Nam một hai năm gần đây.
“Đây sẽ là địa điểm trút mọi bực dọc bất mãn trong cuộc sống của các bạn theo cái cách chưa từng có. Một mô hình xả stress đầu tiên tại Việt Nam có diện tích gần 300 mét vuông giữa trung tâm Hà Nội!” Người sáng lập ra “Fury Room” tự quảng cáo trên trang Facebook.
Có vẻ đây là một dịch vụ rất có giá trị tại một đất nước đang có những dấu hiệu gia tăng về nạn trầm cảm và bệnh tâm thần.
Một cuộc nghiên cứu trong năm nay của Viện Sức Khỏe Tâm Thần tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho thấy gần hết 100 người tự tử mỗi ngày tại Việt Nam đều bị phiền muộn vì một chuyện nào đó. Nếu nhân lên trên cả nước, con số này ước lượng lên đến 35,600 trường hợp mỗi năm.
Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đưa ra bản phúc trình cuối năm ngoái nói khoảng 13.5 triệu người Việt Nam hiện đang có vấn đề tâm thần cần điều trị. Nếu con số này gần với thực tế, cũng là gần với 15% dân số cả nước.
Trong khi đó, Bộ Y Tế năm nay nói cả nước có chừng 3.6 triệu người bị trầm cảm, một thống kê bị nhiều chuyên viên kêu là quá thấp với thực tế.
Lệ phí cao phải trả để bước vào “Fury Room – Phòng Xả Stress” nên gần như chỉ có những người có nghề nghiệp chuyên môn, thường được xếp vào thế hệ 9X, tức được sinh ra ở thập niên 1990, đến đây. Theo truyền thống và cũng hợp với phần lớn đám đông, người ta chọn “xả stress” bằng rượu.
Những con số loan báo về sản xuất rượu bia mấy năm qua đều xác định người Việt Nam uống bia rượu nhiều nhất Đông Nam Á. Năm ngoái, người Việt Nam đã tiêu thụ 3.4 tỉ lít bia và 342 triệu lít rượu mạnh, gia tăng đến 40% so với năm 2010. Một cuộc nghiên cứu khác thấy bệnh ung thư gan đã giết khoảng 10% các người tuổi từ 50 đến 69 mỗi năm, một tỉ lệ cao hàng thứ ba trên thế giới. Uống rượu quá độ có thể dẫn đến chai gan rồi ung thư.
Trang Facebook của “Phòng Xả Stress” ở Hà Nội. (Hình: Facebook)
Người ta cho rằng có một số yếu tố nằm đằng sau sự gia tăng phiền muộn, trầm cảm là tình trạng đô thị hóa, gồm cả sự gia tăng các loại công việc trong các hãng xưởng nhưng đồng lương rất thấp trong khi ngày càng khó khăn để xin được làm công bộc nhà nước.
Tuổi trung bình của người bị bệnh tâm thần ngày càng trẻ hơn. Hơn 1,000 học sinh trung học được phỏng vấn trong cuộc nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng của Viện Sức Khỏe Tâm Thần. Một phần tư số người được phỏng vấn nói họ từng nghĩ đến tự tử và có 13% nói họ đã từng sắp đặt tự tử. Có 4% nói họ đã chuẩn bị tự tử.
Có nhiều yếu tố đóng góp vào khuynh hướng tự tử của học sinh. Trước năm 2015, học sinh trung học phải thi sáu môn khác nhau để tốt nghiệp rồi sau đó phải thi chừng đó môn để xin vào các trường đại học. Nhưng từ năm 2015 đến nay, thu gọn chỉ còn một kỳ thi duy nhất nên tương lai của các cô cậu học trò chỉ còn đỗ hay rớt một lần.
Thi vào đại học đã giới hạn vậy, năm nay, tin tức nói khoảng 200,000 người tốt nghiệp đại học tại Việt Nam không tìm được việc làm đúng với khả năng, ngành mà họ đã học.
Người bị bệnh tâm thần bị cha mẹ hay người thân nhốt vào cũi nuôi như thú vật từng thấy báo chí đăng tải.
Nhà cầm quyền cũng thiết lập chương trình quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần từ năm 2001 đến nay gần như có khắp các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên tài nguyên để giúp cho các người bị bệnh chẳng được bao nhiêu.
Một bản phúc trình năm 2011 cho thấy mỗi 100,000 dân mới có một chuyên viên về sức khỏa tâm thần. Nhiều chuyên viên cho rằng tình hình này cũng chưa được cải thiện bao nhiêu dù ai cũng biết vấn đề nghiêm trọng.
Ước tính khoảng 30% (rất có thể chỉ khoảng 20%) những người bị tâm thần là được chữa trị. Nếu có, chỉ là được uống một vài loại thuốc chứ không có một chương trình điều trị nhiều mặt gồm cả tư vấn, hướng dẫn sinh hoạt. Thuốc thì đắt đỏ với rất nhiều người nếu không được hưởng một loại bảo hiểm sức khỏe nào.
Trước tình trạng ngân sách ngày càng khó khăn, nhà cầm quyền nói nhiều đến “xã hội hóa” các dịch vụ công, tức đẩy gánh nặng tài chính sang cho người dân. Ngành y tế chắc chắn không năm ngoài kế hoạch “xã hội hóa” nên ngân khoản dành đối phó với các vấn nạn tâm thần tại Việt Nam sẽ khó lòng không bị cắt giảm. (TN)

No comments:

Post a Comment