Thông tín viên RFA 2017-11-06
Bốn nhà hoạt động bị Cơ quan An ninh Thành phố Đà Nẵng sách nhiễu.
Trong tháng 10 vừa qua, khi thành phố Đà Nẵng chuẩn bị ráo riết cho Hội nghị Cấp Cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 29, thì nhiều nhà hoạt động tại địa phương này bị Công an ép đi làm việc. Họ phải làm việc về chuyện gì và nhận định của họ thế nào trước biện pháp đó của công an?
An ninh Thành phố Đà Nẵng gửi giấy mời
Tổng cộng có 4 người đã bị Cơ quan An ninh Thành phố gửi giấy mời lên làm việc. Anh Trần Lê Quang Vĩnh một người lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Đà Nẵng cho biết đã nhận 3 giấy mời liên tiếp, lần lượt vào các ngày 18, 20, 23 tháng 10 năm 2017. Nội dung yêu cầu anh này đến cơ quan an ninh làm việc. Anh thuật lại:
“Chính quyền quan tâm mình, mời giấy mời mình vì cái clip, nhưng mình nghĩ cái mục đích của nó cũng vì vấn đề APEC. Đương nhiên khi mà một người bị công an mời thì tâm lý thứ nhất, thứ 2 là gia đình họ cũng ảnh hưởng vì cái tâm lý đó, thứ ba là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của họ, khi mà họ phải bỏ thời gian để lên theo giấy mời. Nếu không lên theo giấy mời thì họ sẽ có cái biện pháp tiếp theo. Có thể mình chưa nhìn nhận ra cái biện pháp gì, nhưng mà chắc không dễ gì để cho mình ổn định mà sống.”
Anh cũng có nhận định rằng:
“Họ cũng muốn kiểm soát mình và tìm hiểu tư tưởng của mình cỡ như nào và trạng thái của mình khi đối mặt với họ, nó ở vị trí nào để có thể họ tạo một cái hồ sơ để dễ quản lý mình.”
Anh Bùi Tuấn Lâm cũng là một người đấu tranh đang sinh sống tại Đà Nẵng và cũng đã được cơ quan an ninh mời lên làm việc cho biết:
Trong thời gian sắp diễn ra APEC thì động thái của chính quyền là một số người bị đánh giấy mời, một số người bị triệu tập. Theo mình nghĩ đó là động thái người ta muốn “nắn gân” những người bất đồng ở trong khu vực diễn ra APEC thôi.
- Nhà báo tự do Hồ Xuân Thịnh
“Thời gian vừa qua thì cơ quan PA88 của Đà Nẵng, người ta cũng có gởi giấy mời về cho tôi về vấn đề làm việc. Sau 4 lần gặp mời thì tôi cũng sắp xếp thời gian đi. Thời gian đầu thì người ta gởi giấy mời tôi không đồng ý về những cái nội dung của cái giấy mời cho nên tôi phản đối. Tôi đã yêu cầu phải thay đổi cho nó phù hợp. Theo như giấy mời thì người ta ghi là mời lên làm việc về những vấn đề quan điểm và những bài viết trên facebook. Bản thân tôi thì tôi cũng thấy nó làm phiền nhiễu tới công việc của bản thân, của gia đình.
Với bản thân mình thì mình nghĩ là đúng ra những việc này nó không cần thiết. Đó là vấn đề nó vi phạm về quyền tự do của công dân. Như chúng ta biết thì pháp luật thì nó nằm trong tay của cơ quan công an nên người ta muốn làm gì thì người ta làm thôi.”
Sức ép từ chính quyền
Ngoài ra còn có anh Khúc Thừa Sơn một công dân sinh sống tại Đà Nẵng, hiện đang làm việc tại Sài Gòn, đã liên tục nhận 2 giấy mời vào ngày 31 và ngày 6 tháng 9 năm 2017 anh đã từ chối vì công việc quá bận rộn. Sau đó cơ quan an ninh đã thay đổi từ giấy mời sang giấy triệu tập.
Tổng cộng đã có 6 giấy triệu tập, vào các ngày 12, 16, 17, 19, 20, 21. Vì do công việc quá nhiều nên anh không thể làm việc theo yêu cầu của cơ quan an ninh. Nhưng cơ quan an ninh đã liên tục gây sức ép đối với gia đình anh, buộc anh phải bỏ dở công việc để về lại Đà Nẵng. Sau buổi làm việc anh về lại Sài Gòn công tác, nhưng ngày hôm sau cơ quan an ninh lại tiếp tục đánh giấy mời. Vì có sự đe dọa từ phía an ninh nên anh đã từ chối phỏng vấn.
Không chỉ riêng anh Khúc Thừa Sơn mà còn có chị Hoàng Hồng Thái cũng bị gây sức ép không thể trả lời phỏng vấn.
Với những việc làm trên của cơ quan an ninh Thành phố Đà Nẵng, anh Hồ Xuân Thịnh hiện là nhà báo tự do tại Đà Nẵng nhận định rằng:
“Trong thời gian sắp diễn ra APEC thì động thái của chính quyền là một số người bị đánh giấy mời, một số người bị triệu tập. Theo mình nghĩ đó là động thái người ta muốn “nắn gân” những người bất đồng ở trong khu vực diễn ra APEC thôi.”
Biện pháp mời công dân đi làm việc như đối với 4 nhà hoạt động vừa nêu bị chỉ trích không theo đúng các qui định của luật pháp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên như trình bày của những người trong cuộc, họ không thể từ chối sau nhiều lần bị mời, rồi áp lực từ phía cơ quan chức năng đối với người thân, gia đình.
Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các nhà hoạt động tại Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi khác trên cả nước.
No comments:
Post a Comment