Kính Hòa RFA 2017-11-06
Biển quảng cáo công ty Samsung ở Hà Nội. Samsung đóng góp đến 28% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam cho đến tháng 10 2008. Ảnh chụp 7/2000. AFP
Con số tăng trưởng tổng sản lượng quốc dân (GDP) của Việt Nam được chính phủ đưa ra vào tháng 10 năm nay rất khả quan, lên đến 7,46% trong quí ba. Điều đó có nghĩa là áp lực về nợ công của Việt Nam sẽ được giảm, cũng như chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 6,7% cho cả năm, mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra sẽ đạt được.
Tuy nhiên một số nhà quan sát, và cả một số đại biểu quốc hội Việt Nam nghi ngờ những con số lạc quan của chính phủ đưa ra.
Nghi ngờ những con số thống kê
Trong phiên họp ngày 31 tháng 10 của Quốc Hội Việt Nam, một số đại biểu lo ngại là sự tăng đột ngột của GDP trong quí ba như vậy có kéo theo sự sụt giảm vào đầu năm 2018 như vẫn xảy ra ở những năm trước hay không?
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư trả lời rằng cách tính GDP của Việt Nam được các định chế kinh tế tài chính quốc tế công nhận, và chất lượng tăng trưởng trong thời gian qua là tích cực.
Tôi có thể nói ngắn gọn là Việt Nam với dân số là 100 triệu người thì không thể nào công nghiệp hóa bằng cách dựa vào đầu tư nước ngoài ở mức độ cao như vậy.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Vào ngày 2 tháng 11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu trong một buổi họp của Quốc Hội được truyền hình trực tiếp qua trang Thông tin chính phủ rằng sự phát triển hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là lạc quan:
“Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, thì năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong 2017-18 đã tăng được năm bậc, thứ hai là Ngân hàng Thế giới vừa xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2018, dự kiến sẽ tăng 14 bậc, và hãng đánh giá quốc tế Mody cũng nâng mức tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam lên mức độ tích cực.”
Ông Nguyễn Huy Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế vĩ mô tại Na Uy, nghi ngờ các con số được Tổng cục thống kê Việt Nam đưa ra là không chính xác vì thiếu sự minh bạch. Ông nói thêm:
“Cái phương pháp tính thì chúng ta có thể dùng phương pháp tính của họ, nhưng vấn đề nằm ở chổ những số liệu được cung cấp, những số liệu họ thu thập như thế nào, có đúng hay không, nhào nặn như thế nào. Điều đó là quan trọng nhất, đầu vào của dữ liệu.”
Ông Nguyễn Huy Vũ dẫn lại lời của ông Cục trưởng Cục thống kê Nguyễn Bích Lâm vào tháng Tám, năm 2016 rằng báo cáo số liệu thật đôi khi phải trả giá.
Trong cuộc họp với các vị lãnh đạo Chính phủ vào tháng Tám năm 2016, ông Lâm nói rằng nếu đưa ra các số liệu thật thì nhân viên của Cục thống kê có thể sẽ bị các địa phương cô lập, phân biệt đối xử, vì họ muốn rằng những con số đưa ra phải chứng tỏ được thành tích của họ.
Ngay giữa các con số được chính chính phủ đưa ra kỳ này, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, cũng thiếu sự hợp lý:
“Tốc độ tăng trưởng GDP mà Tổng cục thống kê công bố đã gây ra ngạc nhiên, vì tốc độ tăng trưởng của quí ba lên đến 7,46%. Đó là một tốc độ ngoài sự suy nghĩ của chúng tôi. Nếu GDP tăng cao như vậy, thì mức tiêu thụ điện cũng phải tăng trưởng tương ứng. Điều thứ hai là chúng tôi tính toán rằng nếu tăng GDP như vậy thì khối lượng hàng hóa nhập và xuất phải tăng tương ứng.”
Theo ông thì với một sự gia tăng của GDP thì sản lượng điện tiêu thụ phải tăng tương ứng cao hơn 2,5 lần. Trong khi con số của chính phủ đưa ra là GDP 7,46%, tiêu thụ điện chỉ tăng 12%. Và theo quan sát của ông Lê Đăng Doanh thì số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam không tăng tương ứng, mà chỉ có một biệt lệ là công ty Samsung của Hàn Quốc đầu tư sản xuất điện thoại tại Việt Nam tăng số lượng hàng xuất khẩu mà thôi.
Mối lo ngại về biệt lệ Samsung
Vào đầu tháng 10, Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam đưa ra cảnh báo là trong quí một, nền kinh tế quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, nói rõ rằng chỉ riêng công ty Samsung đã chiếm 28% tổng số giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong phiên họp trực tuyến ngày 31 tháng 10, ông Trịnh Đình Dũng trấn an các đại biểu quốc hội, sau khi đưa ra những con số tăng trưởng của ba lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ.
“Như vậy tốc độ tăng trưởng không chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lãnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung, hay một vài sản phẩm thép, mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành, các lãnh vực, các sản phẩm, của nền kinh tế ở cả ba khu vực.”
Các con số của ông đưa ra là nông nghiệp 2,78%, công nghiệp 12,77%, và dịch vụ là 7,25%. Như vậy trong chính những con số này cũng có sự chênh lệch rất cao, trong đó công nghiệp là cao nhất. Nhưng ngành công nghiệp, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phụ thuộc quá lớn vào đầu tư nước ngoài:
“Đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% tổng sản lượng công nghiệp và 71% tổng giá trị xuất khẩu. Riêng Samsung đã là 28%. Chúng ta hoan nghênh đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta thấy rằng là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài có giá trị gia tăng của Việt Nam trong sản phẩm là thấp. Tôi có thể nói ngắn gọn là Việt Nam với dân số là 100 triệu người thì không thể nào công nghiệp hóa bằng cách dựa vào đầu tư nước ngoài ở mức độ cao như vậy.”
Ông Nguyễn Huy Vũ đồng quan điểm với Tiến sĩ Doanh về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào đầu tư nước ngoài, ông nhấn mạnh thêm khía cạnh giá trị gia tăng của chính nền kinh tế Việt Nam, mà ông gọi là phải phát triển một cách bền vững:
Liệu sự đóng góp của Samsung hay Formosa có thể giúp cho người dân Việt Nam có thu nhập nhiều hơn, hay là một năng suất lao động cao hơn theo thời gian.
-Ông Nguyễn Huy Vũ.
“Samsung hay Formosa đóng góp ít hay nhiều cho nền kinh tế, là một con số. Nhưng ở đây khi chúng ta đề cập đến tăng trưởng bền vững thì câu hỏi nên được đặt ra là liệu sự đóng góp của Samsung hay Formosa có thể giúp cho người dân Việt Nam có thu nhập nhiều hơn, hay là một năng suất lao động cao hơn theo thời gian, sau khi đánh đổi điều đó với môi trường hay không?”
Ông Vũ nhắc lại thảm họa môi trường Formosa-Vũng Áng, bùng nổ vào tháng Tư năm 2016 làm cá chết hàng hoạt tại biển miền Trung, và ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm ngàn người dân. Ông Vũ đặt câu hỏi là liệu những sản phẩm thép của Formosa xuất khẩu có bù lại được thiệt hại đó hay không?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam, sau khi phân tích những số liệu tăng trưởng mà Chính phủ đưa ra, thì thấy rằng ngành điện tử của Samsung và thép của Formosa tăng không kéo lên các ngành công nghiệp khác tăng theo, mà các ngành đó lại sụt giảm, như vậy không rõ tại sao con số tăng trưởng công nghiệp nói chung lại tăng đến 12,8%, ông kết luận rằng điều đó chỉ có Tổng cục thống kê mới biết.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Vũ thì nói rằng điều quan trọng hơn những con số tăng trưởng GDP là tình trạng công ăn việc làm của người dân, nhưng trong các báo cáo của Chính phủ lại không có những con số này.
No comments:
Post a Comment