ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Với chủ đề “Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy,” ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN, kêu gọi các quốc gia APEC tin tưởng vào Việt Nam trong lãnh vực kinh tế, trong bài diễn văn đọc tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Doanh Việt Nam, được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Ayirana, ngay bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, hôm 7 Tháng Mười Một.
Ông mở đầu bài diễn văn bằng cách đề cập đến đô thị cổ Hội An, nơi bắt đầu có giao thương với nước ngoài hàng thế kỷ trước, để khẳng định quyết tâm mở rộng giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
“APEC, Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Doanh Việt Nam được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, vốn là thương cảng sôi động từ đầu thế kỷ 17, với các đội tàu buôn của Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, và Châu Âu, đặt nền móng cho phát triển giao thương hàng trăm năm nay. Đến nay, Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là ‘đối tác kinh doanh tin cậy,’ đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và của các quốc gia,” ông Phúc nói.
Thuận lợi
Để chứng minh điều này, ông dẫn thống kê của nhiều cơ quan và tổ chức thương mại, nói rằng 56% doanh nghiệp tham gia đồng ý Việt Nam là “đối tác thương mại tốt nhất.”
Ông cũng cho biết thêm, theo dự kiến, kinh tế Việt Nam năm 2017 tăng 6.7%, và thu nhập bình quân theo đầu người là $6,800.
Ông cho biết, theo Ngân Hàng Thế Giới, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, và tỉ lệ này sẽ là 50% vào năm 2035.
“Điều này làm gia tăng nhu cầu của nền kinh tế, nhiều việc làm tốt hơn được tạo ra không chỉ đối với trong nước mà Việt Nam còn từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng, các mạng sản xuất trong khu vực APEC và thế giới. Thu nhập tăng nhanh khiến ngày càng có nhiều người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, từ đó làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra các cơ hội cho nhà đầu tư biết nắm lấy cơ hội, đón đầu xu thế thay đổi đó,” người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói thêm.
Ông cho rằng, thu nhập tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng, tạo hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Ông giải thích: “Tiêu dùng trong nước đã trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam bên cạnh xuất cảng. Thu nhập tăng đã làm cho Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài. Các sản phẩm điện thoại thông minh của Apple, Samsung, LG, và Sony rất được người Việt Nam ưa chuộng, bên cạnh đó, những thương hiệu như Huawei và Oppo (của Trung Quốc), vốn có mẫu mã và nhiều tính năng không thua kém, cũng được giới trẻ lựa chọn.”
Ông Phúc khẳng định sẽ có một “chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.”
Tiến Sĩ Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiêp Việt Nam, người tổ chức hội nghị, kêu gọi: “Hãy đến với Việt Nam, Việt Nam chào đón quý vị, thành công của quý vị là thành công của Việt Nam.”
Thách thức
Thu nhập cá nhân tăng, tiêu xài tăng, dân số trẻ, sự bảo đảm của chính quyền, là những gì mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mơ ước, trước khi muốn “đổ tiền” vào một thị trường nào đó.
Tuy nhiên, chuyện Việt Nam có gia tăng, hoặc ít nhất duy trì, được các thuận lợi này không, lại tùy thuộc vào nhiều thách thức khác.
Tại cuộc họp báo ở Trung Tâm Báo Chí Quốc Tế sau đó, ông Bùi Thanh Sơn, thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao, chia sẻ “trong khối APEC vẫn còn nhiều nền kinh tế không đồng đều,” nghĩa là mỗi nước có chính sách kinh tế khác nhau, mức độ giàu nghèo cũng khác nhau, chưa kể có nhiều hiệp định thương mại có thể chồng chéo lẫn nhau, rất phức tạp.
“Thực tế, trong khu vực hiện có trên 150 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực,” ông Sơn nói.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp dự hội nghị tỏ ra lạc quan, hy vọng có thể kiếm được đối tác làm ăn qua hội nghị này.
Bà Nguyễn Thị Kim Nữ, chủ nhân doanh nghiệp Thiên Kim ở Đà Nẵng, chia sẻ: “Tôi rất hy vọng công ty của tôi có thể gặp một số đối tác, để có thể mở rộng doanh nghiệp, đầu tư ra ngoại quốc.”
Khi được hỏi, tại sao không đầu tư tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người dân, mà lại chọn chỗ khác, bà trả lời: “Bây giờ là toàn cầu rồi, không nhất thiết phải đầu tư một chỗ. Làm kinh doanh, chỗ nào có lợi là chúng tôi đầu tư. Tôi tin là các doanh nghiệp khác cũng vậy.”
Ông Nguyễn Chấn Trung, giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp vừa ở Đà Nẵng, cho biết: “Doanh nghiệp của chúng tôi chưa đủ lớn để đầu tư khỏi Đà Nẵng, nhưng tôi đến đây hôm nay cũng muốn tìm hiểu thêm.”
Trong khi đó, chuyện Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP và tuyên bố sẽ thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết,” cũng phần nào gởi một thông điệp mang tính khuyến khích bảo hộ mậu dịch.
Ông Trump cũng là người sẽ tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC lần này, mà Việt Nam là nước chủ nhà.
Trong cùng ngày, tại Hội Nghị Tổng Kết Các Giới Chức Cao Cấp APEC (CSOM), ông Sơn, cho biết: “Năm 2017 hứa hẹn là một năm đầy thách thức đối với khu vực của chúng ta nói chung và APEC nói riêng. Chúng ta đang phải đối mặt với một nền kinh tế tăng trưởng chậm, thương mại trì trệ và đầu tư ở mức thấp. Theo báo cáo của IMF, các rủi ro về ngắn hạn đối với ổn định tài chính toàn cầu đã giảm kể từ Tháng Tư, 2016, nhưng các rủi ro về trung hạn ngày càng nhiều hơn.”
“Những lo ngại về toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng tại một số khu vực. ‘Bất định’ có thể là từ chuẩn xác nhất để miêu tả tình hình tổng thể hiện nay,” ông nói.
Ông thêm: “Trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, tăng cường hợp tác APEC là cần thiết hơn bao giờ hết. Đây không phải là lúc chúng ta hủy bỏ các cam kết, rút lui hoặc chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ.”
Liệu các quốc gia khác trong APEC có thật sự muốn hợp tác để cùng mở rộng thị trường như các nước khác mong muốn là một dấu hỏi lớn tại hội nghị lần này.
Các quốc gia trong APEC sẽ lắng nghe ông Sơn hay ông Trump? (Khôi Nguyên & Đỗ Dzũng)
No comments:
Post a Comment