Lê Anh Hùng
Theo VOA-06/11/2017
Ông Nguyễn Xuân Phúc.
Hàng ngàn năm qua, quốc gia láng giềng phương Bắc luôn được hầu hết người Việt coi là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, bởi sau hơn một nghìn năm đô hộ, từ năm 111 TCN cho đến năm 905, những bộ óc Đại Hán vẫn chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính dải đất phương Nam hình chữ S, luôn tìm mọi mưu hèn kế bẩn hòng tiêu diệt dòng giống Bách Việt cuối cùng chưa bị họ đồng hoá.
Mối tình Trọng Thuỷ - Mỵ Châu hiện đại
Thế nhưng sang kỷ nguyên cộng sản, mối bang giao hai nước đã thay đổi. Các nhà lãnh đạo CSVN, ngoại trừ một giai đoạn dưới thời Lê Duẩn, luôn coi Trung Quốc không chỉ là “bạn”, mà còn là “anh em”. Mối quan hệ giữa hai nước được bộ máy tuyên truyền ở Bắc Kinh và Hà Nội tô điểm bằng những mỹ từ đẹp nhất trong kho từ vựng, như “núi liền núi sông liền sông”, hay “4 tốt” và “16 chữ vàng”, v.v.
Mặc dù vậy, ngay trong “tuần trăng mật” của mối tình cộng sản Việt - Trung, khi cuộc chiến Pháp - Việt vừa mới kết thúc, Bắc Kinh đã lợi dụng việc Hà Nội nhờ vẽ bản đồ để lấn chiếm đất đai biên giới của một Việt Nam “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Và sau thời kỳ “thao quang dưỡng hối” như lời truyền dạy của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, với tiềm lực kinh tế và quân sự không ngừng lớn mạnh, các ông chủ Trung Nam Hải đã không còn thèm che dấu cuồng vọng bành trướng, bá quyền vốn đã chảy trong huyết quản của họ từ thuở “khai thiên lập địa”.
Đã qua rồi cái thời Bắc Kinh cho quân đội lén lút đổ bộ lên nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956, hay tấn công chớp nhoáng và chiếm đóng phần còn lại của Hoàng Sa năm 1974, và đảo Gạc Ma của Trường Sa năm 1988.
Bắt đầu từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp và quân sự hoá một loạt thực thể chìm/nổi tại Trường Sa một cách công khai và rầm rộ, biến chúng thành chuỗi căn cứ quân sự liên hoàn hòng khống chế hoàn toàn Biển Đông. Từ ngày 1/5 đến 15/7/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan HD981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam trung tuần tháng 6/2014, khi nói chuyện với lãnh đạo CSVN, Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã “thúc giục ‘đứa con hoang đàng’ Việt Nam trở về nhà”.
Gần đây nhất, trong một sự kiện được cộng đồng quốc tế chăm chú dõi theo hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã ngang ngược đe doạ sử dụng vũ lực, buộc Hà Nội phải yêu cầu công ty Repsol ngừng khoan dầu tại bãi Tư Chính, một khu vực nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Tình trong thì đã, mặt ngoài phải che?
Trong bối cảnh đó, những màn ôm hôn thắm thiết mà lãnh đạo CSVN thường dành cho các đồng chí đến từ phương Bắc mỗi khi hai bên gặp nhau ngày càng trở nên khó coi trước một công chúng Việt Nam đã bắt đầu bộc trực và không ngần ngại bày tỏ quan điểm, chính kiến. Đơn giản, ai cũng hiểu là chỉ phường buôn dân bán nước thì mới ôm ấp kẻ thù của dân tộc mình.
Ngay cả TBT Nguyễn Phú Trọng, nhân vật “thân Tàu” số 1 Việt Nam, thời gian gần đây cũng không còn xuất hiện trên truyền thông với hình ảnh ôm hôn những người bạn đến từ phương Bắc của ông ta, dù trước cảnh hai bên bắt tay, clip truyền hình luôn cho thấy dấu hiệu mạch phim bị ngắt, nghĩa là màn ôm ấp kẻ thù của người đứng đầu Đảng CSVN đã bị che khỏi mắt công chúng một cách hữu ý.
Để củng cố hình ảnh nhân vật “chống Tàu số 1 Việt Nam” của mình, ngoài việc bô bô những câu như “không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viễn vông”, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng luôn che dấu những màn ôm hôn thắm thiết đối với kẻ thù của dân tộc.
Nhưng ở đời “không ai nắm tay được cả ngày”. “Đồng chí X” ít nhất cũng đã hai lần để cho công chúng biết được tình cảm đích thực mà ông ta vẫn dành cho các ông chủ Trung Nam Hải.
Lần thứ nhất là ngày 7/9/2011, khi chương trình thời sự 19h trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát cảnh cặp đôi Nguyễn Tấn Dũng - Đới Bỉnh Quốc (Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc), với hai bộ complet và hai cà vạt y chang nhau, ôm hôn nhau thắm thiết tại số 1 Hoàng Hoa Thám.
Lần thứ hai là ngày 5/11/2015, khi Chủ tịch Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Trong các màn nghênh tiếp mà bốn vị “tứ trụ triều đình” dành cho Tập Cận Bình được phát trên chương trình thời sự VTV thì “đồng chí X” là người duy nhất ôm hôn thắm thiết ông chủ Trung Nam Hải. Và sau khi phát hiện ra “sự cố” này, những hình ảnh “thắm tình anh em một nhà” ấy đã bị “ai đó” gỡ ra khỏi video clip thời sự được lưu trên trang mạng của VTV.
Đến lượt Thủ tướng đương nhiệm bị chơi khăm?
Trong chương trình thời sự VTV 19h ngày 3/11 vừa qua, tuy phần tin Thủ tướng Việt Nam tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc không có cảnh hai người ôm nhau, song đoạn video clip vẫn cho thấy rõ một Nguyễn Xuân Phúc thay vì đứng tại chỗ như thông lệ ngoại giao thì lại tiến về phía Vương Nghị đang bước vào. Hình ảnh tiếp theo là Thủ tướng Việt Nam đã chủ động tiến về phía Vương Nghị, tay phải bắt tay với ông Nghị, tay trái đưa lên cao trong tư thế ôm. Màn hình bị cắt ngay đó.
Tuy chưa có những câu phát ngôn được tung hê như “lời hiệu triệu của non sông”, một “ngón nghề” sở trường của “đồng chí X”, nhưng trong số các vị “tứ trụ triều đình” tiếp đón hai quan chức cao cấp của Trung Nam Hải sang uý lạo lãnh đạo CSVN vừa rồi (“Thường uỷ” Lưu Vân Sơn và Ngoại trưởng Vương Nghị) thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người duy nhất dè dặt nêu vấn đề Biển Đông với phía Trung Quốc (TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì im thin thít).
Tuy chưa có những câu phát ngôn được tung hê như “lời hiệu triệu của non sông”, một “ngón nghề” sở trường của “đồng chí X”, nhưng trong số các vị “tứ trụ triều đình” tiếp đón hai quan chức cao cấp của Trung Nam Hải sang uý lạo lãnh đạo CSVN vừa rồi (“Thường uỷ” Lưu Vân Sơn và Ngoại trưởng Vương Nghị) thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người duy nhất dè dặt nêu vấn đề Biển Đông với phía Trung Quốc (TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì im thin thít).
“Đồng chí X” đã lộ nguyên hình là người Việt lập được nhiều “chiến công” nhất cho Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam hiện đại, một “thành tích” mà ngài đương kim Tổng Bí thư dường như đang cố gắng bắt kịp và vượt qua.
Còn người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện nay thì sao?
No comments:
Post a Comment