Kỳ Lâm (VNTB) Người dân Việt Nam “từ ngày có Đảng” thường được nghe mãi câu nói: “Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng – nhân tố quyết định chiến thắng của…”.
Có một thời, câu nói này là chân lý tuyệt đối, và ai cũng tin với “sức mạnh” và sự “lãnh đạo” gần như trăm tai, ngàn mắt, Đảng sẽ là “ánh sáng soi đường”, cho sự nghiệp đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Và tất nhiên, Đảng sẽ là “đạo đức, là văn minh”.
Cho đến khi, sự toàn diện, sự tuyệt đối lãnh đạo của Đảng lại trở thành nguyên cớ của sự hủ hóa và suy thoái đạo đức ở tầng lớp cán bộ Việt Nam.
Gần nhất đây, liên quan đến những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư tỉnh ủy, người chỉ được “phát hiện” qua đơn tố cáo, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng “không nắm được”.
Và mặc dù sai phạm từ năm 2008, lãnh đạo tỉnh này nói không biết cho đến khi có đơn tố cáo.
Điều này cho thấy, tổ chức đảng tại Đồng Nai hoặc bị tê liệt hoàn toàn; hoặc là đang chê giấu sai phạm cho “đồng chí” của mình.
Và dù nằm ở trường hợp nào, thì nó cũng minh chứng cho việc, sự lãnh đạo “toàn diện” của Đảng đã trở nên vô hiệu hóa, trong khi sự lãnh đạo “tuyệt đối” của Đảng đã khiến cho quyền lực bị “lạm dụng” một cách triệt để.
Cụ thể, nếu đặt trong bối cảnh sai phạm liên quan đến việc “chấp thuận cho Công ty TNHH Cường Hưng làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân có tổng diện tích 91,75 ha, quy mô dân số khoảng 15.000 người” thì Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nơi có quyền “quyết định những vấn đề lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội; các chương trình, dự án trọng điểm về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... liên quan đến đời sống nhân dân địa phương”; và Ban thường vụ tỉnh ủy nơi “cho ý kiến về các dự án đầu tư liên quan đến sử dụng đất có diện tích từ 01 ha trở lên” lại là nơi làm trái tuyệt đối nhất quan điểm, nguyên tắc lãnh đạo Đảng. Nó không những không phát huy tính “toàn diện” và sâu sắc trong kiểm tra, kỷ luật, quản lý Đảng viên, mà ngược lại, yếu tố “tuyệt đối” của Đảng khiến cho Đảng viên cao cấp hay những lãnh đạo cao nhất của Đảng tại tỉnh Đồng Nai tha hóa, biến chất, chi phối tập thể và làm lợi cho mình. Ở góc khác, giữa các đảng viên cao cấp nhìn nhau để phán xử trên tinh thần “đồng chí tốt”, “tạo điều kiện” cho bà Phan Thị Mỹ Thanh tiếm quyền, vượt quyền nhằm mưa lợi cá nhân.
Đó là về tập thể, còn về cá nhân lãnh đạo, thì bản thân ông Nguyễn Phú Cường là Bí thư tỉnh ủy, là cấp trên trực tiếp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, đồng thời là người đứng đầu tỉnh bộ (cơ sở Đảng tại tỉnh Đồng Nai), nhưng không nắm được “tình hình” thì khác gì xóa bỏ nguyên tắc số 3 về Đảng lãnh đạo hành chính nhà nước?
Nguyên tắc số 3 về Đảng lãnh đạo hành chính nhà nước có đề rõ, “Ðảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước thông qua công tác kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng trong quản lý hành chính nhà nước”.
Sự việc xảy ra tại tỉnh Đồng Nai càng cho thấy, vấn đề đảng lãnh đạo tuyệt đối là có, nhưng về mặt toàn diện dường như trở thành một nhiệm vụ bất lực khi mà người gây sai phạm là là những người đứng đầu cơ sở Đảng, họ trực tiếp sử dụng quyền lực của Đảng cho để gây sai phạm (vừa đá bóng, vừa thổi còi). Trước đó, những sai phạm liên quan đến cơ sở Đảng tại các khu vực hành chính, kinh tế nhà nước cũng xuất phát từ hệ thống đảng bộ bị tê liệt, trong đó có vụ PMU 18 và vụ vi phạm của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô.
Sai phạm lần này cũng gián tiếp tố cáo những tổ chức hình thức “công” như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ Việt Nam, thậm chí là Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Nơi mà bà Phan Thị Mỹ Thanh chắc chắn đang sinh hoạt, tuy nhiên, lại là nơi không hề nắm bắt gì về lối sống, sinh hoạt đạo đức của đồng chí mình?
Nếu đặt Nghị quyết T.Ư 4 về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cơ sở Đảng”, thì rõ ràng, nó là một câu chuyện cười về thuộc tính “ngược lại”. Tính là tính văn hoa của Nghị quyết cao bao nhiêu, thì thực tiễn (thực hiện Nghị quyết tại cơ sở) lại thảm bại bấy nhiêu. Không những không được xây dựng và tăng cường các yếu tố có lợi cho dân, cho nước, mà ngược lại, việc lạm dụng khẩu hiệu hoặc Nghị quyết chỉ là nhằm vào tăng cường quyền lực cá nhân, sức chiến đấu để “tham nhũng” và để chỉnh đốn tập thể nhằm vun lợi cho mình.
Điều đó cũng hàm nghĩa, những tuyên bố hay thậm chí là những quan điểm dựa vào nghị quyết hay các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng từ những nhà lãnh đạo Đảng chỉ là những tuyên bố hời hợt và hoàn toàn không có sức sống.
No comments:
Post a Comment