Tuesday, June 6, 2017

Việt Nam: Còn lâu mới có thức ăn, nước uống sạch

Ở Việt Nam, mua gì cũng phải cân nhắc xem có sạch hay không. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – An toàn thực phẩm chuyện tưởng như đương nhiên nhưng lại trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Việt Nam. Cuối cùng, vẫn chẳng có giải pháp nào khả thi.
Thực phẩm nhiễm đủ loại hóa chất nguy hại cho sức khỏe vốn là vấn nạn trầm kha mà hệ thống công quyền Việt Nam bó tay.
Trong báo cáo gần nhất gửi Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam cho biết, từ 2011 đến 2016, tại Việt Nam có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 nạn nhân, 164 người trong số này đã chết.
Những số liệu vừa kể tuy rất đáng chú ý nhưng theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh, đó chỉ là “phẩn nổi của tảng băng”. Mỗi năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy vì thực phẩm bẩn và dân chúng tự xử nên không được các cơ sở y tế ghi nhận. Ông Mai lưu ý, còn hàng loạt loại bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh do thực phẩm bẩn chưa được đề cập.
Theo ông Mai, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã thử tiến hành một cuộc khảo sát mà theo đó, chỉ có 10% người tham gia khảo sát cho biết, họ yên tâm với thực phẩm mà họ sử dụng hàng ngày. Đó cũng là lý do dân chúng Việt Nam thi nhau tự trồng rau, tự nuôi gia súc, gia cầm để sử dụng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu của tỉnh Quảng Bình, nhận định, tuy có rất nhiều luật (Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Tố tụng dân sự ) và các văn ban dưới luật, cùng với ba bộ (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế) nhưng thực phẩm vẫn bẩn, dân chúng vẫn khjo6ng biết đường đâu mà lần.
Ông Phạm Trọng Nhân nêu ví dụ, hiện nay, một cọng bún được tới ba bộ quản lý: Nguyên liệu và bột gạo thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, sản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương. Kiểm tra xem cọng bún có chất nào nguy hại cho sức khỏe hay không thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Y tế song bún vẫn… không an toàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu của Sài Gòn, bổ túc thêm, các cơ sở sản xuất thực phẩm đang bị bủa vây bởi một rừng qui định – đòi phải xin “giấy chứng nhận”. Trong số này có 59 thủ tục phải hoàn tất để được nhận các loại “giấy chứng nhận” từ cấp bộ, 47 thủ tục phải hoàn tất để có thêm những “giấy chứng nhận” khác từ chính quyền các địa phương. Thế nhưng theo bà Lan vì hệ thống công quyền chỉ quan tâm đến các loại “giấy chứng nhận” nên nhũng nhiễu tràn lan còn thực phẩm vẫn cứ bẩn.
Ông Phạm Trọng Nhân lưu ý đến một vấn nạn khác đã được đề cập từ lâu nhưng bị giới hữu trách phớt lờ. Đó là việc cho phép nhập khẩu đủ loại “thuốc bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc với số lượng càng ngày càng lớn. Mỗi năm, Việt Nam tiếp tục nhập khoảng 100.000 tấn “thuốc bảo vệ thực vật” với 4.100 loại khác nhau. Trong số này có khoảng 3.500 loại mà ngay cả Trung Quốc cũng cấm sử dụng vì làm đất, nông sản nhiễm độc. Ông Nhân nêu thắc mắc, có phải Việt Nam đang tự đầu độc chính mình?
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chống chế, vấn nạn thực phẩm bẩn không quá nghiêm trọng, bằng chứng là nông nghiệp tăng trưởng tốt hơn trước, là tuổi thọ trung bình của người Việt đã được nâng lên thành 74. Bà Tô Thị Bích Châu, đại biểu của Sài Gòn đã bác bỏ lập luận “tuổi thọ trung bình tăng”. Theo bà Châu, tuổi thọ về sức khỏe quan trọng hơn tuổi thọ trung bình. Tuổi thọ về sức khỏe của dân chúng Việt Nam chỉ có 56. Nếu so hai thứ với nhau thì chảng lẽ chấp nhận sống 18 năm còn lại trong bệnh tật? Ông Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu của tỉnh Bình Dương cũng bác bỏ lập luận “nông nghiệp tăng trưởng tốt hơn trước” vì đó là tác động từ tăng trưởng chung của kinh tế, không phải nhờ bảo vệ được an toàn thực phẩm. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment