KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Giới hữu trách Việt Nam cho biết đang phối hợp để giải quyết việc ba du khách Trung Quốc từ chối lên phi cơ với lý do bị an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền.”
Theo báo chí Việt Nam, tối 29 Tháng Năm, sau khi gửi hành lý, nhận boarding pass cho chuyến bay từ phi trường Cam Ranh tới phi trường Thành Đô của Trung Quốc và đến quầy làm thủ tục xuất cảnh, ba du khách Trung Quốc đã quay ra, dứt khoát không lên phi cơ với lý do bị an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền.” Cả ba người đòi nói chuyện với đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam…
Sở Ngoại Vụ, cùng Sở Du Lịch Khánh Hóa, và bộ phận điều hành phi trường Cam Ranh phải phối hợp với Cục An Ninh Xuất-Nhập Cảnh của Bộ Công An giải quyết vụ này.
Theo tờ Tuổi Trẻ thì giới hữu trách Việt Nam đã kiểm tra băng ghi hình do camera giám sát an ninh ghi lại, theo đó, ba du khách Trung Quốc chỉ vào quầy làm thủ tục xuất cảnh trong 12 giây rồi quay ra. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sĩ quan an ninh phụ trách xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền.”
Đây là lần thứ hai du khách Trung Quốc làm náo động phi trường Cam Ranh. Vào ngày 2 Tháng Năm năm ngoái, hàng ngàn du khách Trung Quốc đã đồng ca quốc ca Trung Quốc và hô nhiều khẩu hiệu bằng Hoa Ngữ ở phi trường Cam Ranh. Sự kiện này được đưa lên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc, ngay lập tức. Lúc đó, theo một số người dùng Weibo, tự nhận đang hiện diện tại phi trường Cam Ranh thì du khách Trung Quốc hành động như thế nhằm phản ứng việc các nhân viên an ninh hàng không của Việt Nam ăn cắp điện thoại của một du khách và các nhân viên hải quan Việt Nam đòi tiền bồi dưỡng.
Giới hữu trách Việt Nam đã bác bỏ những cáo buộc này. Các băng ghi hình do camera giám sát an ninh ghi lại cho thấy những cáo buộc này vô căn cứ.
Từ 2014 đến nay, lượng du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng từ 5 đến 10 lần so với năm trước đó.
Giữa năm ngoái, báo chí Việt Nam đăng hàng loạt bài viết, cảnh báo du lịch Việt Nam có thể suy sụp trầm trọng vì… lượng du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam ăn chơi càng ngày càng nhiều.
Báo Người Lao Động cho hay, du khách Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến môi trường du lịch trong nước, “cứ khách Trung Quốc tới thì khách Tây đi.” Chẳng hạn ở Khánh Hòa, trong sáu tháng đầu năm 2016, khi lượng du khách từ Trung Quốc tìm đến tăng 500% so với cùng kỳ năm ngoái thì du khách từ Âu Châu đến Khánh Hòa giảm 30%, du khách từ Úc và Mỹ đến tỉnh này cùng giảm 20%.
Có một điểm đáng chú ý là dù lượng du khách Trung Quốc đổ đến Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung tăng vọt nhưng nguồn thu cho ngân sách chỉ giảm chứ không tăng.
Không chỉ dân chúng Việt Nam bực mình vì liên tục phải chứng kiến dòng người nghênh ngang, thường xuyên gây ồn ào, hành xử thiếu văn minh (khạc nhổ, xả rác… khắp nơi), mà giới chủ các cơ sở thương mại, dịch vụ liên quan tới du lịch (như nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, mua sắm) cũng hết sức ngao ngán vì du khách Trung Quốc “hết sức bần tiện, xài rất ít mà phá rất mạnh.”
Vào thời điểm ấy, bà Lê Thị Châu Trinh, trưởng Phòng Quản Lý Lưu Trú của Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch tỉnh Quảng Nam, phân bua với tờ Người Lao Động, dù Quảng Nam có ý định khai thác du khách ở các thị trường gần nhưng tỉnh này không nhắm vào du khách Trung Quốc vì giới kinh doanh du lịch Việt Nam “không mặn mà với đối tượng đó.” Tuy nhiên lượng du khách Trung Quốc đổ đến miền Trung vẫn tăng như diều gặp gió.
Nhận định về cách ứng xử đối với hiện tượng du khách Trung Quốc lũ lượt tràn vào Việt Nam, giới am tường lĩnh vực du lịch tại Việt Nam từng khái quát, do đã có kinh nghiệm, các tỉnh miền Bắc đang “mở cả hai mắt” để dõi theo hiện tượng này. Một số tỉnh miền Trung thì “mắt nhắm, mắt mở” như Đà Nẵng. Có tỉnh “nhắm cả hai mắt” như Khánh Hòa.
Theo báo Tuổi Trẻ, do “mắt nhắm, mắt mở” hoặc “nhắm cả hai mắt” nên giữa năm ngoái, tại Đà Nẵng đã từng xảy ra chuyện, sau khi ăn chơi đã đời trong một bar, một nhóm du khách Trung Quốc gọi tiếp viên đến để xem họ đốt giấy bạc Việt Nam và thanh toán bằng nhân dân tệ.
Cũng tại Đà Nẵng, theo báo điện tử VNExpress, khi dẫn đoàn khách Trung Quốc thăm viếng chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng), một hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc tên là Xue Chun Zhe nói: “14 thế kỷ trước Việt Nam thuộc một bộ phận phía Bắc Trung Quốc. Sau này Việt Nam đã độc lập rồi tự thành lập một quốc gia, nhưng nó vẫn là quốc gia phụ thuộc, phải triều cống cho Trung Quốc.”
Chẳng riêng Đà Nẵng, báo giới phát giác ở Khánh Hòa có 60 công dân Trung Quốc, tuy không có giấy phép hành nghề hướng dẫn du lịch nhưng vẫn dẫn du khách Trung Quốc đi khắp Khánh Hòa, đấu hót rằng các di tích văn hóa ở Việt Nam là sự sao chép văn minh Trung Hoa, bãi biển này, vùng đất kia thuộc Trung Quốc! (G.Đ)
No comments:
Post a Comment