Saturday, May 27, 2017

Hồ Chí Minh & lời ai điếu

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Chương mở đầu Hồi Ký Tống Văn Công có đoạn: Ông nội tôi có ba người con, nhưng chỉ có cha tôi là trai. Sau khi cha tôi bị bắt vì tội “làm cộng sản”, ông nội tôi sốt ruột chuyện “nối giòng”. Có người mai mối má tôi là Nguyễn Thị Thâm ở làng Giồng Tre (xã An Ngãi Trung) cho cha tôi... 

Sau lễ ra mắt, hai họ quyết định các bước kế tiếp theo tập tục. Cha tôi phải tới “ở rể” tại nhà ông bà ngoại tôi. Trong bữa cơm đầu tiên, ông ngoại tôi cầm chai rượu lên hỏi: “Con có biết uống rượu không”? Cha tôi đáp: “Dạ, có chút đỉnh”. Ông ngoại tôi rót đầy ly nhỏ, đưa cho cha tôi. Cha tôi cầm lấy, cám ơn và uống cạn. Ông ngoại tôi cười lớn nói bỗ bã: “Tao thích mày!” 

Tui thì thích hết hai ông: ông ngoại và ông cha của nhà báo Tống Văn Công bởi cả hai đều vui tính, hảo rượu, và (chắc) đều là những trang hảo hớn. Bởi tui cũng sinh trưởng ở trong Nam nên nói như vậy (nghe) cũng kỳ kỳ, và e có điều tiếng eo sèo là mình hơi nhiều máu địa phương hay phân biệt vùng/miền. 

Để tránh dị nghị, tôi xin mạn phép mượn đôi lời của một nhân vật khác - từ một vùng đất khác - ghi nhận về những nét “dễ thương” của nơi mà mình chôn rau cắt rún:

"Về tính cách ham vui của người dân Nam Bộ, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ở cùng phố với tôi, có anh bạn một hôm đến rủ tôi đến nhà anh ăn mừng sinh nhật Bác Hồ ngày 19-5. Đương nhiên là tôi đi. Đúng một tháng sau, anh lại đến rủ tôi đi liên hoan. Tôi hỏi, dịp gì thế? Anh ta bảo, hôm nay “đầy tháng” Bác Hồ!

Chưa hết, anh rủ tôi đến nhà ăn giỗ bà già. Đúng một tháng sau anh lại đến rủ tôi, nói: hôm nay giỗ bà già tôi! Nghe vậy tôi ngạc nhiên quá, vì vừa ăn giỗ tháng trước. Anh hiểu sự ngạc nhiên này nên giải thích ngay: năm nay nhuận hai tháng tám phải giỗ hai lần! 

Vẫn chưa hết. Ngày Phật Đản, anh rủ tôi rồi đến ngày Noel mừng Thiên Chúa Giáng Sinh anh cũng đến mời tôi đi ăn mừng. Tôi thắc mắc vì anh theo đạo Phật cơ mà, anh cười, nói tôi đa tôn giáo! Thế nên hèn chi, ca dao Nam Bộ mới có câu: “Ra đường thấy vịt cũng lùa. Thấy duyên cũng kết, thấy chùa cũng tu!” (Lê Phú Khải. Lời Ai Điếu, Westminster, CA: Người Việt, 2016).

Theo T.S Nguyễn Văn Tuấn, tác giả cuốn hồi ký thượng dẫn sinh năm 1942 tại Hà Nội, học văn khoa tại trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 1967, làm việc cho đài Tiếng Nói Việt Nam và sau này bị/được ‘lưu đày’ vào Nam. Ông đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn viết cho truyền thông… lề trái.”

Dù ở hoàn cảnh “lưu đầy” nhưng Lê Phú Khải yêu qúi và rành rẽ Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ít ai sánh kịp. Ngoài gần chục tác phẩm viết về miền đất này, ông còn tìm ra được hằng trăm từ kép mà người dân hai miền Nam/Bắc “chia nhau” (trước/sau hay sau/trước) một cách vô cùng độc đáo:

“... ô dù, ốm đau, buồn rầu, bơi lội, bóc lột, cố gắng, co kéo, chọc ghẹo, chán ngán, chặt đốn, cưng chiều, chén bát, chờ đợi, chửi rủa, chậm trễ, cần thiết, cạn kiệt, chia xớt, đưa rước, dạy bảo, dòm ngó, dọn dẹp, dụ dỗ, đùa giỡn, đùi vế, đau ốm, đĩ điếm, khờ dại, điên khùng, dư thừa, giỡn chơi, đui mù, dòm ngó, dọa nạt, đe dọa, hư hỏng, hao tốn, hăm dọa, hối thúc, hù dọa, hung dữ, ham thích, hoảng sợ, hèn nhát ... Ví dụ như đui mù thì người Nam nói đui, người Bắc nói mù.”

Thiệt là bất ngờ và thú vị!

Hèn chi mà giáo sư Nguyễn Văn Tuấn không tiếc lời ca ngợi: “Đây là một cuốn sách cần phải có trong tủ sách gia đình. Một cuốn sách bổ sung tuyệt vời cho các tác phẩm của Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Xuân Vũ, Dương Thu Hương, Trần Đĩnh, Huy Đức...” 

Tôi rất tán thành với nhận định (“một cuốn sách tuyệt vời”) và chỉ hơi lấy làm tiếc là đã không hoàn toàn chia sẻ được với nhà báo Lê Phú Khải về vài đoạn văn (ngăn ngắn) trong hồi ký của ông. Xin đơn cử một thí dụ: 

“Đó là vào năm 1992, một đoàn nhà báo, gồm toàn những nhà báo có ‘máu mặt’, tổ chức lên Đà Lạt nhằm bênh vực chị Đặng Việt Nga, kiến trúc sư và anh Phương cũng kiến trúc sư, hai chủ nhân của ‘Ngôi nhà trăm mái’ đang bị địa phương bắt tháo dỡ vì nhiều lý do không chính đáng. 

Đường xa, hết chuyện bàn, tôi nêu câu hỏi: Nếu bây giờ phải chọn hai gương mặt tiêu biểu cho Việt Nam thế kỷ qua thì các vị chọn ai? Mọi người đều chọn nhân vật số một là Hồ Chí Minh. Vậy còn người thứ hai? Cả xe im lặng. Có vị nói: Võ Nguyên Giáp! Tôi phản đối và đưa ra nhân vật thứ hai là Dương Thu Hương! Cả xe nhao nhao phản đối. Có người hỏi: Dương Thu Hương là cái quái gì mà ông lại cho là nhân vật thứ hai sau Hồ chí minh? Tôi trả lời: chẳng là cái quái gì mà tự cho mình có quyền đứng ngang hàng và dám vỗ vai nhắc nhở các vị đang cai trị dân chúng, thì đó là dân chủ, là xã hội công dân chứ còn gì nữa! Độc lập và dân chủ là hai phạm trù lớn nhất, được cả dân tộc nhắc đến nhiều nhất trong thế kỷ qua. Độc lập thì Hồ Chí Minh là hình tượng, còn dân chủ thì đến Đại Tướng cũng không dám đối thoại với tổng bí thư Lê Duẩn, Dương Thu Hương là thảo dân mà lại tự cho mình quyền ăn nói ngang hàng với các vị đang đứng trên đầu dân, thì đó là hình tượng của dân chủ. Sau hình tượng của dân tộc phải là hình tượng của dân chủ… Chẳng thấy ai trên xe nói gì nữa!”

Ảnh: photphet

Tôi không có mặt trong chuyến xe lên Đà Lạt vào năm 1992, và cũng không có khả năng tranh luận nên xin phép được mượn lời của nhà bình luận thời cuộc Vũ Quang Thuận và bác sĩ Phạm Hồng Sơn để góp ý thêm về ông Hồ Chí Minh - nhân vật mà theo nhà báo Lê Phú Khải là "một hình tượng độc lập tiêu biểu của nước Việt Nam" trong thế kỷ vừa qua.


Thằng đó nó khốn nạn lắm. Nó lừa dân mình. Dân mình ngu si không biết lại còn tung hô, dựng nó lên thành thánh. 


Theo tôi, hiện nay nếu muốn đất nước có tiến bộ, có dân chủ thực sự hay thậm chí là chỉ muốn chính quyền phải cương quyết hơn với sự đe dọa, xâm lấn từ Trung Quốc thì chúng ta rất không nên lấy “cụ Hồ” ra làm tấm gương, trừ khi chúng ta không có đủ thông tin hoặc chỉ muốn có tiến bộ giả dối, nửa vời và chỉ muốn chính quyền vẫn lệ thuộc Trung Quốc. Chỉ cần xem lại một chút lịch sử chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ.

Lãnh tụ nào và chính thể nào đã đưa vòng lệ thuộc, cống triều phương Bắc trở lại Việt Nam gần 80 năm sau khi sự phụ thuộc đó đã bị hủy bỏ hoàn toàn kể từ Hiệp ước Patenôtre 1884? Còn lãnh tụ nào và chính quyền nào nếu không phải là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắc những cây cầu “răng môi”, “núi liền núi sông liền sông” cho sự lệ thuộc, cống triều (kiểu mới) phương Bắc trở lại Việt Nam từ năm 1950?

...

Ai là người vừa là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền trong lúc ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ bút ký một công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa? Chắc chắn 54 năm chưa phải là thời gian quá lâu để mọi người quên mất người đó là Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tại miền Bắc Việt Nam), kiêm chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam và là một chí hữu, một “người thầy vĩ đại” đương thời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Cái đau xót và đau buồn chính là việc những người bị trị, những người đang mất tự do, bị áp bức, những người không muốn đi theo cái ác lại vẫn quì lạy, sùng kính một con người đã đưa họ từ những xiềng xích thô kệch, rỉ sét sang những gông xiềng êm ả, tinh vi, bền chắc hơn, đã khai sinh ra một chế độ suy đồi mà họ đang ta thán, đã là một ông trùm của các thủ đoạn dân chủ giả hiệu vẫn được duy trì cho tới hôm nay, đã là một chuyên gia về các kỹ thuật mị dân lão luyện tới mức khiến cho cả một dân tộc đa phần vẫn cứ an tâm, ngáo ngác, trông đợi tự do trong gông cùm và thờ kính chính kẻ đã quàng vào họ bộ gông cùm mới.

Tôi không hề có dụng ý mượn lời của Vũ Quang Thuận và Phạm Hồng Sơn để chỉ trích nhà báo Lê Phú Khải. Tôi chào đời trước hai nhân vật này, và sinh sau tác giả của cuốn hồi ký Lời Ai Điếu. Giữa ba ông tôi chỉ (tình cờ) là một độc giả thuộc thế hệ bắc cầu nên thấy cần ghi lại quan điểm của cả ba để rộng đường dư luận! 

Courage sometimes skips a generation. Lòng dũng cảm đôi khi bỏ qua cả một thế hệ.

26/5/2017

No comments:

Post a Comment