Thursday, April 27, 2017

‘Trăm họ làm quan’: Biểu quyết tập thể sợ hãi

Kỳ Lâm-28-04-2017

(VNTB) - 77.85% người dân trả lời “có”, nhưng chẳng bao lâu Liên Xô tan vỡ, vì con số “đa số” trên đã không phản ánh được ý chí/ nguyện vọng của người dân mà nó là con số của sự độc đoán/ áp đặt và đồng thuận trên nguyên tắc tuân thủ quyền lực.


Cả nhà đều làm quan, con cháu tiến nhanh siêu tốc trong đường quan lộ. Hiện tượng này không hiếm gặp trong cơ chế hiện nay, và được bao bọc bởi lớp vỏ “tập thể biểu quyết” với số phiếu đồng thuận cao, một thành tố tưởng chừng như dân chủ lại trở nên bất dân chủ.
Tuần vừa qua, dư luận tiếp tục có cơ hội bàn tán liên quan đến ông Bùi Viết Hội - Bí thư Huyện ủy Chư Prông và hai người con gái cũng đang công tác tại huyện, được bố trí giữ những chức vụ quan trọng. Ngoài hai con gái đang công tác, giữ chức vụ then chốt tại Huyện ủy và UBND huyện, con trai út của ông Hội hiện đang công tác tại Phòng TN&MT huyện, hai con rể của ông Hội cũng đang công tác tại các phòng ban của UBND huyện Chư Prông.


Lỗ hổng chết người

Đến nay, trường hợp như ông Bùi Viết Hội là phổ biến, đến mức mọi thủ tục theo đúng trình tự liên quan đến biểu quyết tập thể và sự phấn đấu có năng lực của người nhà quan. Hai yếu tố này tạo ra một thành trì chống đỡ mọi phán xét, luận điệu chống lại “cả họ làm quan”.
Trong một bài viết đáng chú ý của báo VNN của tác giả Đinh Duy Hòa, đã chỉ đúng lỗ hổng chết người trong khâu bổ nhiệm quan lại ở Việt Nam, trong đó ông nêu rõ, dù ở cấp tỉnh, chế định Ban cán sự Đảng các bộ, UBND tỉnh là “chế định cực hay trong hệ thống đảng cầm quyền” hiện tại, nhưng chế định này là một thiết kế bảo vệ tối đa cho việc bổ nhiệm người nhà. Lý do: dù ông Bộ trưởng hay Bí thư đảng ủy chỉ được 1 phiếu, nhưng phiếu này lại là phiếu mang tính quyết định.

Phiếu quyết định là sao? Là toàn bộ “biểu quyết tập thể” sẽ bị định hướng hoàn toàn theo ý kiến/ quan điểm “chỉ đạo” một cách vô tình hay hữu ý của lãnh đạo. Và do đó, ông Vũ Đình Hạnh - Phó Bí thư Huyện ủy Chư Prông mới bảo vệ gia đình ông “Bí thư huyện ủy” bằng luận điểm: không có gì bất thường, bởi tiến cử, đề bạt cá nhân nào đó là của cả một tập thể. Nhưng trước khi được biểu quyết, quy trình tiến cử/ đề cử lại do “các cơ quan tham mưu” đưa ra.

Lỗ hổng này có thể nhìn rõ hơn thông qua cái gọi là “dân chủ trường hợp” liên quan đến sự việc ở Trường Nam Trung Yên, khi phụ huynh học sinh yêu cầu làm rõ nguyên nhân con mình bị gãy chân, nhà trường đã “đáp trả” bằng kết quả khảo sát 100% giáo viên, nhân viên trong nhà trường trả lời... đúng với ý của hiệu trưởng. Tức quyền lực tập thể là mang danh, quyền lực chỉ đạo độc đoán và áp đặt được thực thi như một nguyên tắc bất di – bất dịch. Số đông lúc này không trở thành một số đông mang tính dân chủ, với các ý kiến đa chiều, mà trở thành dân chủ dị biệt với các ý kiến “đồng thuận” với lãnh đạo cốt cán.

Thế nên mới có chuyện buồn cười là, chuyện đề cử/ tiến cử trở thành một trò đổi chác mang tính quy phục hơn là một thực hành dân chủ bằng lá phiếu và ý kiến. Và nó khiến cho yếu tố nhân sự đưa lên một cách quá đà, ai cũng thấy sai, nhưng không ai có ý kiến phản đối.

Gần đây nhất, Ông Trịnh Xuân Thanh, người “tham ô tài sản” có tổ chức tại PCV, lại là người từng được tập thể đề cử nhận “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba”.


Từ sai lệch đến hệ quả như thế nào?

Thực ra cái “tập thể biểu quyết” là một biến dạng của nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng, tức là quyết định của tổ chức Đảng cấp trên là bắt buộc với các tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên dù có ý kiến khác khi phát biểu công khai vẫn phải nói theo nghị quyết chứ không được theo ý mình.

Vậy nó biến dạng như thế nào? Đó là, nguyên tắc này dù dựa trên Nguyên tắc tập trung dân chủ được Lenin nêu ra trong tác phẩm “Làm gì?” (1901/1902), nhưng lại tăng mức độ “tuân thủ triệt để” cấp dưới với cấp trên, trong khi đó giảm nhẹ hay thậm chí loại bỏ yếu tố chịu trách nhiệm trước cử tri và cử tri có quyền truất phế giới lãnh đạo”. Chính vì thế mà, thiểu số tuân đa số chỉ là hình thức bên ngoài, còn thực chất là đa số đảng viên tuân phục 1 hoặc 2 lãnh đạo đảng duy nhất qua lời chỉ đạo/ nhắc nhở trong đề cử, tiến cử.

Hậu quả là toàn bộ hệ thống chính trị đi theo quy trình: một người làm quan, cả họ được nhờ. Và hiện tượng này hợp quy trình tạo ra một hệ thống lũng đoạn quyền lực ở cấp cơ sở lẫn trung ương. Với tư duy nhiệm kỳ, hệ quả của cả họ làm quan tạo ra còn lớn hơn thế, cơ cấu ghế ngồi khiến cho các sai phạm trong thời kỳ tại chức khó bị phát hiện hơn, trở thành một thùng kín về quyền lực và tham nhũng. Do đó, không chỉ tài nguyên quốc gia bị bán rẻ, mà nhân lực con người trong cơ chế bị bào mòn, trở thành một lực cản rất lớn trong cải cách thể chế nhà nước, mà xấu nhất là hoàn toàn không phản ảnh được ý chí của cơ chế tập thể chính trị, khiến các quyết sách sẽ đi vào sự sai lầm và đổ vỡ chế độ.

Ví dụ điển hình cho “biến cố” của sự đồng thuận này là vào ngày 17/03/1991, nhằm giữ lại chính quyền Xô-Viết, những nhà lãnh đạo ĐCS Liên Xô đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vô cùng tốn kém trên toàn bộ liên bang, với câu hỏi là có nên giữ lại Liên Xô như một liên bang đổi mới, mà quyền con người, quyền tự do sẽ được tôn trọng. Kết quả có 77.85% người dân trả lời “có”, nhưng chẳng bao lâu Liên Xô tan vỡ, vì con số “đa số” trên đã không phản ánh được ý chí/ nguyện vọng của người dân mà nó là con số của sự độc đoán/ áp đặt và đồng thuận trên nguyên tắc tuân thủ quyền lực.

Tại Việt Nam, “lỗ hổng” biểu quyết tập thể sợ hãi cũng được trình diễn qua việc đồng thuận cao về sửa đổi Hiến pháp 2013 với các điều khoản cực kỳ bất hợp lý về vai trò của Đảng (99% đồng thuận), và Luật đất đai với sở hữu đất đai toàn dân đầy mơ hồ khiến cho xã hội rơi vào mâu thuẫn ngày càng lớn (90% đồng thuận).

Và vụ Đồng Tâm vừa qua lại một ví dụ điển hình cho sự mâu thuẫn ngày càng lớn trong xã hội  (sở hữu đất đai toàn dân và cả họ làm quan) với gốc gác đến từ sự đồng thuận của biểu quyết tập thể sợ hãi.

No comments:

Post a Comment