Theo VOA-27/04/2017
Sài Gòn, những ngày cuối tháng Tư, 1975.
Thục Trâm
Trật giuộc giờ giấc năm lần bảy lượt, cuối cùng tôi cũng gọi được qua mạng cho người chú ruột ở Việt Nam.
Vẫn giữ liên lạc qua thư từ hay qua trung gian là mẹ tôi. Tôi cũng hay gửi hình gia đình cho chú, nhưng chú chỉ toàn gửi cho tôi những tấm ảnh cũ của nhà nội, trong ảnh bà tôi còn trẻ hơn tôi hiện tại.
Đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm tôi mới nhìn thấy chú. Trên màn hình webcam là một ông già ngoài sáu mươi, khuôn mặt đậm nét khắc khổ của dân lao động tỉnh lẻ. Chỉ có cặp kính vuông và hàm răng vẫn trắng đều tăm tắp là còn lưu lại dấu tích của một thời thanh niên tuấn tú.
Cô tôi nhìn ghé vào màn hình: "Con thấy chú giống ba không? Buồn quá hả?" "Dạ giống, nhưng chú đẹp hơn ba con chớ." Cô chú cười xòa. Còn tôi thốt nhiên nhớ lại một lần sum họp đại gia đình chắc cũng gần 40 năm trước. Nội tôi cười thắm đỏ môi trầu, mắng yêu hai đứa con trai: "Hai thằng giống nhau in hệt, má nhìn còn lộn." Tôi không dám trả lời bà nội, mà đu cổ rỉ tai ba: "Chú đẹp trai hơn ba chớ bộ."
Ngày đó chú tôi chưa tới ba mươi, cao hơn mét bảy, tóc dợn sóng bồng bềnh, đeo cặp kính cận gọng vuông đen trên khuôn mặt chữ điền, nước da trắng hồng, nụ cười tỏa nắng. Chú đẹp thanh lịch, trí thức, nhất là không có vẻ gì là mới ra trại cải tạo chưa lâu.
Nội tôi vốn mua may bán đắt từ trước 1975, có tiền dành dụm hối lộ chính quyền nên chú được ra trại sớm hơn bè bạn đồng liêu cùng cấp bậc. Cả nhà hí hửng mừng vui. Ai lường được chuyện họa phúc tái ông thất mã, khi chương trình xuất cảnh HO tiến hành, thì chú lọt sổ vì thời hạn cải tạo còn thiếu mấy tuần.
Chú tôi là người từng nuôi nhiều mộng lớn. Ba tôi kể hồi xưa chú học giỏi, nhưng lại chọn đường binh nghiệp. Thời thế đổi thay, ra trại cải tạo, chú tính chuyện đi Mỹ, rất lâu trước khi cánh cửa HO mở ra cho chúng bạn và đóng lại với chú. Giàu út ăn, tiền bạc của nội tiếp tục đổ vào nhiều chuyến vượt biên không thành của chú. Cũng như bao nhiêu người ra trại, lý lịch tỳ vết, không có đường tiếp tục học vấn hay làm những công việc chính qui, chú học lấy một cái nghề chân tay là hớt tóc. Rồi từ đó sống ẩn nhẫn mưu sinh đồng thời mưu sự vượt biên.
Chú ăn nên làm ra với cái nghề mọn. Ai lại không nảy sinh hảo cảm với một anh thợ cạo đẹp trai phong độ như thế. Trong số đó hẳn phải thấp thoáng những bóng hồng. Nhưng chú chẳng mặn mà với chuyện lứa đôi. Nhiều lần ba tôi giục, chú nói: em tính chuyện "đi" nên không muốn ràng buộc. Tới khi giấc mộng viễn du tàn lụi, chú lại thoái thác: cảnh nhà đơn chiếc. Khó út chịu, chú trở thành trụ cột gia đình nuôi nội và hai người cô bệnh trầm kha. Mẹ tôi vốn có một sở thích không giống ai là làm mai, đã mấy lần giới thiệu chú với cô cháu này cô em kia. Nhưng rốt cuộc các cô đều rút lui khi thấy gánh nặng làm dâu út nhà nội.
Thấm thoát đã hơn 30 năm chú miệt mài với tông đơ kềm kéo. Cái nghề tưởng sống tạm chờ thời lại thành cái nghiệp cả đời đeo đẳng. Thời kinh tế mở cửa, du lịch Châu Đốc phát triển, chú làm ăn phát đạt lắm. Chú nói được tiếng Anh, du khách ngoại quốc đi lễ bà chúa xứ kéo đến chú nườm nượp. Nhà rộng, chú tranh thủ cho Tây ba lô thuê phòng. Không dư dả hơn ai nhưng nuôi bốn miệng ăn thong thả.
Bây giờ thì nội và một người cô đã mất, chú chỉ còn một người để cưu mang. Ban ngày hớt tóc, tối về mày mò vi tính, gọi cho bè bạn đồng ngũ năm xưa, coi tuyết rơi, coi hoa nở ở Virginia, đi Mỹ qua màn ảnh webcam.
- Thiệt chú không ngờ có ngày dùng được máy móc kỹ thuật tân tiến như vầy gọi cho con.
- Nhất chú rồi. Bạn bè con có đứa dạy đại học ở Sài Gòn còn chưa sắm được laptop.
- Ờ, chú ham quá nên ráng mua. Về mượn sách vở tự học. Chỗ nào bí thì hỏi mấy em trẻ trẻ tới hớt tóc. Chú không có nhiều thời gian vọc máy. Ban ngày bận mưu sinh, tối lo ngủ sớm để giữ sức khỏe mai đi làm tiếp. Tuổi lớn rồi mà con. Chú chỉ xài máy một hai tiếng mỗi ngày.
- Sinh thời ba con hay nói chú rất ham tìm tòi học hỏi.
- Ờ. Nhiều người không hiểu, nói chú hớt tóc mà bày đặt đua đòi. Họ đâu biết mình sa cơ thất thế mới làm nghề này. Tư chất mình đâu phải vậy.
- Sao chú không lập gia đình? Con biết chú sẽ nói chú già rồi. Nhưng con ở Mỹ, quen thấy người ta yêu không có tuổi.
- Bỏ chuyện đó đi con. Cứ nghĩ số phận mình như vậy để khỏi buồn về những điều không như ý.
Tôi cố lôi ra trong ký ức mù xa hình ảnh chiếc ghế hớt tóc của chú trong hàng hiên nhà nội. Anh thợ cạo trẻ đẹp lúc nào cũng âu phục chỉnh tề làm bừng sáng ngời ngời ngôi nhà cổ kính. Không biết chú có sửa sang nâng cấp gì không, hay vẫn là một cái ghế trụi lủi dưới bóng cây, mà tôi không còn nhớ nổi là cây gì. Bây giờ thì người và nhà cũ kỹ như nhau. Không biết bác thợ cạo già có ăn bận tươm tất, hay cứ may ô quần đùi như hình ảnh tôi đang nhìn thấy trên webcam đây?
Ờ thì số phận. Trong số phận chung của miền Nam có biết bao số phận riêng của mỗi con người. Trong câu chuyện lịch sử vẫn được ôn đi ôn lại suốt hơn 40 năm qua từ hai góc nhìn đối lập có câu chuyện riêng của mỗi một gia đình. Nhìn ông chú, tôi lan man nhớ tới ông dượng, chồng người dì ruột, nguyên là bác sĩ quân y mang cấp bậc Đại Úy Dù. Nhớ những cây lược, những chiếc vòng đeo tay được tiện từ nhôm phế liệu bằng bàn tay khéo léo của một bác sĩ phẫu thuật chiến trường đang lao động cải tạo. Những món quà đặc biệt đó đến giờ tôi vẫn còn giữ. Còn dượng tôi sau khi ra trại, may mắn quay lại nghề Y được mấy năm thì mất vì tai nạn giao thông. Năm đó dượng mới ngoài bốn mươi, và chưa có những chương trình xuất cảnh.
À ơi... Gió đưa cây cải về trời.
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay...
No comments:
Post a Comment