VIỆT NAM (NV) – Chủ tịch tỉnh Tiền Giang tuyên bố sẽ “làm việc” với ông Nguyễn Kim Tấn – Giám đốc Công ty Huỳnh Văn Nô, sau khi ông tổ chức khóa cửa phòng học tại một trường tiểu học để đòi nợ.
Sáng 27 tháng 4, hai cầu thang dẫn lên lầu và bốn phòng chức năng (phòng dùng vào việc hỗ trợ dạy học) của trường Tiểu học Kim Đồng, tọa lạc ở phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị khóa. Trước cửa ra vào mỗi phòng có một mảnh giấy ghi lý do phòng bị khóa là để “bảo hành công trình”. Phía tổ chức khóa cầu thang, phòng học là Công ty Huỳnh Văn Nô.
Để trường Tiểu học Kim Đồng có thể hoạt động bình thường, công an thành phố Mỹ Tho phải tổ chức phá tất cả các ổ khóa.
Trước đó mười ngày, ông Tấn từng thông báo với chính quyền thành phố Mỹ Tho rằng ông sẽ “đóng cửa” ba ngôi trường mà công ty của ông đã xây dựng tại thành phố Mỹ Tho để “bảo hành”. Chính quyền thành phố Mỹ Tho thì cảnh cáo, cấm ông Tấn làm chuyện đó.
“Bảo hành” và “cấm bảo hành” là một kiểu chơi chữ giữa hai bên, một bên – Công ty Huỳnh Văn Nô – sắp phá sản do không được trả nợ và bên còn lại – chính quyền thành phố Mỹ Tho – từ chối trả nợ và ngăn cấm việc gây áp lực để đòi nợ.
Nợ nần giữa Công ty Huỳnh Văn Tấn và chính quyền thành phố Mỹ Tho dây dưa từ năm 2013.
Giữa năm 2013, chính quyền thành phố Mỹ Tho giao cho Công ty Thái Sơn làm nhà thầu xây dựng ba trường tiểu học tại Mỹ Tho. Ba ngôi trường trị giá 18,4 tỉ này thuộc “Tiểu dự án Mỹ Tho” trong “Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Sau khi nhận thầu, Công ty Thái Sơn giao việc xây dựng ba ngôi trường cho ba công ty khác. Vật liệu xây dựng toàn bộ các trường do Công ty Huỳnh Văn Nô cung cấp. Đến tháng 8 năm 2014, ba công ty tham gia xây dựng ba ngôi trường, chuyển việc hoàn thiện cả ba ngôi trường cho Công ty Huỳnh Văn Nô đảm nhận.
Cuối tháng 4 năm 2015, chính quyền thành phố Mỹ Tho tổ chức tiếp nhận và đưa ba ngôi trường tiểu học vào sử dụng. Tuy nhiên Ban Quản lý Dự án xây dựng ba ngôi trường tiểu hoc ở Mỹ Tho của chính quyền thành phố Mỹ Tho dứt khoát không trả cho Công ty Huỳnh Văn Nô 4,8 tỉ mà công ty này đã bỏ ra.
Lý do mà cơ quan vừa kể nêu ra là họ chỉ biết Công ty Thái Sơn vì đã ký hợp đồng với công ty này. Điểm đáng lưu ý là phía quản lý dự án cũng không chuyển 4,8 tỉ còn thiếu cho Công ty Thái Sơn. Chính quyền thành phố Mỹ Tho khuyến khích Công ty Huỳnh Văn Nô… kiện Công ty Thái Sơn ra tòa.
Bởi biết rất rõ tại sao chuyện nợ nần trở thành dây dưa nên khi nộp đơn kiện tại Tòa án thành phố Mỹ Tho, ông Tấn đề nghị Tòa xác định, chính quyền thành phố Mỹ Tho là bên có trach nhiệm liên đới (vừa giữ tiền, vừa ký nhận bàn giao cả ba công trình) nhưng Tòa không chấp nhận.
Tất nhiên là Công ty Huỳnh Văn Nô của ông Tấn thắng kiện nhưng tất nhiên vẫn không nhận được tiền vì Công ty Thái Sơn không được chính quyền thành phố Mỹ Tho thanh toán…
Công ty Huỳnh Văn Nô của ông Nguyễn Kim Tấn chỉ là một trong vô số doanh nghiệp đang là nạn nhân của các dự án do nhà nước đầu tư.
Hồi cuối tháng 3, Công ty Trung Nam – nhà đầu tư kiêm nhà thầu hệ thống cầu vượt ngã ba Huế từng gửi một “tối hậu thư” cho chính quyền thành phố Đà Nẵng đòi phải sớm có quyết định chính thức về việc trả nợ.
Năm 2013, công ty này được chọn để đầu tư – xây dựng hệ thống cầu vượt ngã ba Huế – một trong những nơi có mật độ xe cộ lớn nhất ở Đà Nẵng. Công ty Trung Nam đã vay Ngân hàng Thương mại Sài Gòn – Hà Nội (SHB) 2.050 tỉ đồng để thực hiện hệ thống cầu vượt ngã ba Huế. Tuy công trình đã hoàn tất từ tháng 3 năm 2015 nhưng hai năm sau, Công ty Trung Nam vẫn chưa được thanh toán đồng nào, trong khi cuối tháng ba là thời điểm Công ty Trung Nam phải hoàn trả cho SHB 2.050 tỉ đã vay và 600 tỉ tiền lãi. Qua “tối hậu thư”, Công ty Trung Nam yêu cầu chính quyền Đà Nẵng chọn một trong hai: Hoặc thanh toán sớm khoản nợ 2.050 tỉ đồng. Hoặc để công ty tự tổ chức thu hồi vốn đầu tư bằng cách cấm xe ở một số tuyến đường, lập trạm thu phí ở tất cả các lối dẫn vào hệ thống cầu vượt ngã ba Huế.
Vài ngày sau, chính quyền thành phố Đà Nẵng lên tiếng trấn an dân chúng rằng họ đã tìm được giải pháp, ngăn chặn việc lập trạm thu phí ở khu vực cầu vượt ngã ba Huế nhưng không cho biết chi tiết về “giải pháp”.
Hồi cuối năm 2013, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư của chính phủ Việt Nam lúc đó là ông Bùi Quang Vinh từng cảnh báo: “Kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn đào củ mài để ăn”. Theo lời ông Vinh, Việt Nam vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan. Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.
Hơn ba năm sau, dẫu nợ nần càng ngày càng cao, xây dựng cơ bản vẫn tràn lan. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment