Thursday, April 27, 2017

Việt Nam yêu cầu facebook loại bỏ tài khoản “độc hại”

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-04-27  
Biểu tượng facebook trên điện thoại di động.
 Biểu tượng facebook trên điện thoại di động.  AFP photo
Chính phủ Việt Nam liên tục yêu cầu các tập đoàn lớn như Google, Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản, video hay những tài liệu mà theo Hà nội là mang nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm người khác.
Thế nào là "độc hại" theo nhà cầm quyền?
Ngày 26/4 Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn gặp gỡ với đoàn cao cấp Facebook để trao đổi về tình hình sử dụng Facebook tại Việt Nam. Trong buổi trao đổi, ngoài những lời đánh giá cao vai trò quan trọng của Facebook trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, ông Trương Minh Tuấn còn yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản mà ông này cho là mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, tấn công thù địch, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tôi đã tìm đọc các điều khoản sử dụng của Facebook, không hề có chữ "thù địch". Trước giờ báo lề đảng chơi trò nhét chữ vào mồm thiên hạ nhiều rồi.
- Ông Hoàng Ngọc Diêu
Truyền thông trong nước loan tin trước đề nghị của người đứng đầu ngành truyền thông Việt Nam, phía Facebook cũng đã cam kết rằng tất cả các tất cả các tài khoản đăng tải nội dung xấu mang tính chất bôi nhọ người khác sẽ không còn chỗ “dung thân” trên Facebook. Đại diện phía Facebook cũng nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam để tạo một môi trường Facebook lành mạnh.
Chúng tôi đã email trao đổi với một chuyên gia công nghệ thông tin, ông Hoàng Ngọc Diêu, hiện đang sống tại Úc về nội dung liên quan và được ông này cho biết quan điểm cá nhân:
Tôi đã tìm đọc các điều khoản sử dụng của Facebook, không hề có chữ "thù địch". Trước giờ báo lề đảng chơi trò nhét chữ vào mồm thiên hạ nhiều rồi. Chuyện này khó đoán, bởi lẽ, tôi không nắm được doanh thu của Facebook lấy từ "khách" ở VN là bao nhiêu để họ có thể có những quyết định có lợi về kinh tế.
Thứ nhì, nếu Facebook đưa ra một chính sách có lợi cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thì có lẽ họ sẽ đón nhận những thứ lời chỉ trích từ dư luận nhiều hơn là lời khen. Facebook nắm trong tay con dao 2 lưỡi. Con dao ấy có thể có lợi hoặc có thể có hại cho Facebook.
Nói sự thật là phản động?
Facebooker Trần Bang đưa ra nhận xét về những tài khoản Facebook đăng tải những bài viết, hình ảnh, video mà chính quyền Việt Nam liệt vào loại “bôi nhọ, phỉ báng, thù địch, phản động”:
Khi nói sự thật hoặc phản biện thì sự thật nó xấu mình phải nói là xấu, chứ không thể bôi xấu được. Từ trước đến nay họ làm như vậy rồi, họ tìm mọi cách để ngăn cản. Mấy năm vừa rồi Facebook phát triển họ chưa tìm được cách ngăn cản, tiếp cận với Facebook hay Google để tác động. Bây giờ họ đã tìm được thì bây giờ họ tác động.
Sau năm 1975 họ đã từng tiêu hủy hết những tài liệu văn hóa mà họ cho là độc hại. Trong khi đó bây giờ nhiều người lại đi sưu tầm lại sách giáo khoa từ trước năm 75 và thấy nó còn hay hơn bây giờ. Nhiều tác phẩm của nhà văn, nhà báo, nhà khoa học trước năm 75 trong Sài Gòn còn tiến bộ hơn bây giờ.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tìm đến các hãng thông tin lớn để nhờ sự giúp đỡ của họ vào việc dập tắt những tiếng nói không cùng quan điểm chính trị với họ và gán cho những người này các tội danh “vu khống, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo”. Hồi trung tuần tháng 4, Cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay đã có hơn 1000 clip đã bị xóa.
000_Hkg9235491-400.jpg
Một người dân sử dụng laptop trong một quán cà phê ở Hà Nội hôm 28 tháng 11 năm 2013. AFP photo
Khi thông tin này được loan tải, rất nhiều ý kiến trên các trang mạng đã chỉ trích nhà cầm quyền, chúng tôi xin trích nguyên văn như sau: “Nếu trong sạch thì không sợ người dân bôi bẩn, cây ngay không sợ chết đứng!”, hay “khi xem những clip này tôi cũng buồn lắm, nhưng có gì đẹp để cho người ta nói đâu”.
Một facebooker khác, anh Phan Tất Thành, một người nói phải chịu rất nhiều sức ép từ phía an ninh vì những bài viết đăng trên Facebook, cho chúng tôi biết quan điểm của mình:
Tôi chỉ nói sự thật thôi, tôi không chống ai cả. Nếu có chống tôi chống những Đảng viên thoái hóa, tiêu cực chứ tôi không chống Đảng, không chống chính quyền. Nói thật thì bảo là nói xấu! Tôi nhớ là Voltaire có nói rằng có thể tôi không đồng ý điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh. Như vậy ta phải thực hiện đúng khẩu hiệu nhân quyền đó.
Việc người ta không thể trực tiếp bịt mồm những người nêu nên ý kiến được thì người ta nhờ Facebook làm, đó là việc của họ.
- Anh Phan Tất Thành 
Quan điểm của Đảng là đấu tranh, tự phê bình giúp cho Đảng phát triển. Tôi nói với các anh em an ninh rằng các ông bảo vệ Đảng theo kiểu của các ông còn tôi bảo vệ theo kiểu của tôi. Các ông tô son chat phấn cho đẹp lên, còn tôi tôi bôi thuốc lên. Thuốc đắng dã tật! Nhưng có lẽ cách của tôi mới tốt hơn, bởi vì cách của tôi mới khỏi bệnh, còn cách của các ông chỉ làm bệnh tình nặng thêm.
Một số facebooker khác cũng bị bắt vì tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”, từ đầu năm đến nay điển hình như trường hợp ông Bùi Hiếu Võ, Phan Kim Khánh...
Và từ tháng Mười năm 2016 đến nay, ít nhất có 8 người bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam vì đăng tải những thông tin, hình ảnh, video clip về các vấn đề thời sự của đất nước qua mạng xã hội như Facebook, Blogspot, YouTube. Anh Trần Bang nhận định về vấn đề này:
Quan điểm của tôi là bất cứ ai bị bắt vì viết, vì nói đều là sai và họ không đáng bị như vậy. Nhưng quan điểm của tôi là tôi không thích nói sai sự thật. Xấu 1 thì mình nói xấu 1, không nói xấu 10. Hay điều gì cụ thể mà tôi nắm rõ tôi mới nói chứ tôi không phỏng đoán hay dựa vào tin nọ, tin kia không kiểm chứng được nhưng lại đăng đại lên. Họ xấu như thế nào thì nói đúng cái xấu như thế!
Anh Phan Tất Thành lại cho rằng vì những áp lực từ quốc tế và một số bộ phận dư luận phản đối việc Việt Nam bắt giữ những facebooker này nên Nhà nước đã tìm đến sự hậu thuẫn từ phía Facebook, Google để một mặt vẫn ngăn chặn được tình hình, mặt khác làm giảm những căng thẳng với dân chúng và quốc tế:
Bây giờ công khai bắt giữ người này, người khác có khi lại là đổ dầu vào lửa. Cho nên họ ngăn chặn bằng cách sử dụng quyền lực của mình để làm việc với Facebook.
Việc người ta không thể trực tiếp bịt mồm những người nêu nên ý kiến được thì người ta nhờ Facebook làm, đó là việc của họ. Còn việc Facebook đồng thuận với họ là việc của Facebook, tôi không có ý kiến. Nhưng nếu chúng tôi không nói được bằng cách này, chúng tôi sẽ nói bằng cách khác.
Tin cũng cho biết gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thúc ép các đại công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam phải dừng quảng cáo trên Facebook và YouTube nhằm tạo áp lực với các mạng này xóa bỏ các video và thông tin bị Hà Nội cho là độc hại.

No comments:

Post a Comment