ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Những thông tin mới nhất liên quan tới việc khai phá bán đảo Sơn Trà khắc họa thêm thực tế, tại Việt Nam, hệ thống công quyền là “quân hồi vô phèng,” thủ tướng chẳng khác “bù nhìn.”
Theo báo Tuổi Trẻ, Trung Tâm Nghiên Cứu Con Người Và Thiên Nhiên, Trung Tâm Bảo Tồn Đa Dạng Sinh Học Nước Việt Xanh (Green Viet), Nhóm Nghiên cứu-Giảng Dạy về Môi Trường và Tài Nguyên Sinh Vật của Đại Học Đà Nẵng vừa đồng tổ chức một hội thảo về việc bảo tồn, phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà tại trường Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng hôm 28 Tháng Tư.
Lý do dẫn tới hội thảo vừa kể là vì 1/4 bán đảo này đã được “quy hoạch” thành “trung tâm du lịch sinh thái.” Một mớ “nhà đầu tư” đã được cho phép và đang băm nát Sơn Trà.
Tường thuật của tờ Tuổi Trẻ về hội thảo vừa kể cho thấy, giữ rừng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tại Việt Nam là bất khả thi vì chẳng ai bảo được ai.
Tại hội thảo, ông Hoàng Sừ, một kiến trúc sư, dẫn các tài liệu chứng minh, do tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà đối với môi trường, hệ sinh thái trong khu vực, từ năm 1977, người đứng đầu chính phủ Việt Nam lúc đó đã xác định, bán đảo này là một trong mười khu “rừng cấm” của Việt Nam (cấm tất cả các kiểu tác động). Căn cứ vào quyết định đó, năm 1992, Bộ Lâm Nghiệp thành lập Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Sơn Trà, diện tích 4,439 hécta.
Năm 2004, Luật Bảo Vệ Rừng ra đời. Luật này quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trong các khu bảo tồn thuộc thẩm quyền của thủ tướng.
Tuy nhiên năm 2008, chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn tự tiện ban hành một quyết định, phê duyệt “quy hoạch ba loại rừng ở Đà Nẵng trong giai đoạn từ 2008 đến 2020.”
Theo quyết định, bán đảo Sơn Trà chỉ còn 2,591.1 hécta, 1,840 hécta còn lại (tương đương 41% tổng diện tích khu bảo tồn) được chính quyền thành phố Đà Nẵng cho phép “chuyển mục đích sử dụng” bất kể điều đó vốn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Long, một chuyên gia của Viện Sinh Thái Học Miền Nam, nhận định tính đến cuối năm 2016, 1/4 diện tích bán đảo Sơn Trà đã được “quy hoạch” là “trung tâm du lịch sinh thái,” bất kể “quy hoạch” thay đổi sự liên hoàn về hệ sinh thái của Sơn Trà từ rừng tới bờ biển, rạn san hô…
Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng, cho biết tuy Đà Nẵng hiện có 22,000 phòng khách sạn, có thể đón 15 triệu khách, lượng khách đến Đà Nẵng năm 2016 chỉ khoảng 5.5 triệu nhưng chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn quyết định xây dựng thêm “trung tâm du lịch sinh thái,” đến năm 2030, Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Sơn Trà sẽ góp thêm 1,600 phòng khách sạn nữa.
Môt kiến trúc sư khác tên Hồ Duy Diệm nhận định, các công trình ở “trung tâm du lịch sinh thái” Sơn Trà là một thứ “kẽ hở” để phát triển biệt thự, phục vụ “lợi ích nhóm.”
Bất chấp chỉ trích của nhiều chuyên gia và dân chúng, chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn đang “tạo mọi điều kiện thuận lợi” cho một số “nhà đầu tư” biến khu bảo tồn này thành “trung tâm du lịch sinh thái.”
Đáng ngạc nhiên là đến giờ, chính phủ Việt Nam không gật mà cũng chẳng lắc dẫu những quyết định về “rừng cấm,” những quy định về các khu bảo tồn thiên nhiên đang bị chính quyền các địa phương sổ toẹt.
Ngoài chính quyền thành phố Đà Nẵng, chính quyền tỉnh Phú Yên cũng sổ toẹt các quyết định, quy định về rừng.
Tuần trước, tờ Tuổi Trẻ công bố một loạt bài điều tra, cho biết, 140 hécta rừng dương sát đoạn bờ biển chạy dọc thành phố Tuy Hòa, được trồng từ năm 1979 đến nay nhằm chắn gió, cát cho Tuy Hòa đã bị dọn sạch.
Về nguyên tắc, chính quyền các tỉnh/thành phố chỉ được phép giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng các cánh rừng phòng hộ có diện tích từ 20 hécta trở lên sau khi thủ tướng có văn bản đồng ý và hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố có nghị quyết về việc này.
Ở Phú Yên thì khác, chính quyền tỉnh này không cần thủ tướng và cũng chẳng cần hội đồng nhân dân do các công trình như sân golf 36 lỗ, khu du lịch cần phải hoàn tất trước khi& vòng chung kết cuộc thi “Hoa Hậu Hữu Nghị ASEAN 2017” khai mạc.
Năm 2005, Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) xác định, Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về “phá rừng nguyên sinh” (đứng đầu là Nigeria). Tỉ lệ rừng tự nhiên ở Việt Nam được ước đoán chỉ còn 85,000 hécta (chiếm khoảng 0.7% mức độ che phủ đất).
Đáng lưu ý là chỉ trong 20 năm từ 1975 đến năm 1995, Việt Nam mất 2.8 triệu hécta rừng tự nhiên. Mất rừng dẫn đến nhiều hậu quả khốc hại, Việt Nam đã cố gắng trồng lại rừng. Với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tuyên bố sẽ cố gắng đạt tỉ lệ phủ xanh diện tích toàn quốc từ 42% đến 43% vào năm 2015. Song đầu năm 2016, giới hữu trách Việt Nam thú nhận, tính đến hết năm 2015, mức độ che phủ của rừng/diện tích toàn quốc chỉ ở mức 40.84%.
Diện tích rừng tại Việt Nam tuy đã được nâng lên khoảng 13,520 triệu hécta nhưng đa số là rừng mới được trồng lại nên chất lượng rất thấp. Thập niên 1940, trữ lượng gỗ của rừng Việt Nam từ 200 đến 300 mét khối gỗ/hécta và đa số là gỗ quý. Đến thập niên 1990, trữ lượng gỗ giảm xuống chỉ còn 76 mét khối gỗ/hécta và đa số là gỗ tạp. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment