Sunday, April 30, 2017

Cộng sản Việt Nam hiện nay có tính chính danh?

Mẫn Nhi-30-04-2017
(VNTB) Chúng ta thừa nhận người Cộng sản đã xác lập tính chính danh rất tốt trong cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay họ không còn làm tốt được như vậy.


Chính danh là gì? 

Chính danh tức là xác lập một một vị trí, vai trò của mình trong xã hội và hành xử đúng với vai trò, vị trí đó. Hiểu theo nghĩa Khổng tử thì, vua ra vua, thần ra thần, vợ ra vợ, chồng ra chồng. 

Hiểu nôm na, mọi sự tồn tại trong cuộc sống này đều phải mang một lý do, ý chí chủ quan nhất định. Trả lời được câu hỏi đó, và nhận được sự ủng hộ tức là đã xác định được tính chính danh.

Năm 1407, sau khi nhà Minh bắt được gia tộc họ Hồ Quý Ly, chính thức đặt nước ta vào vòng đô hộ, đặt ra hàng trăm chính sách thuế má vô lý nhằm bóc lột tài nguyên – con người. Chín năm sau, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan, dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi ở Thanh Hóa, cùng bàn nhau chống Minh cứu nước. Nhưng lúc đó, lòng dân còn phân tán, muốn làm cho mọi người tin tưởng vào nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi sai người lấy mỡ viết vào lá cây trên rừng tám chữ: Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần (tức Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi), sau kiến ăn mỡ khoét lá rỗng thành chữ, lá rụng trôi theo dòng nước đến khắp mọi nơi. Mọi người cho là “ ý Trời “ thương dân mượn tay Lê Lợi nên một lòng theo minh quân chống giặc.

Giai thoại này mở đầu cho việc xác lập tính chính danh trong cuộc chiến chống quân Minh, và đưa Lê Lợi lên làm Vua sau đó.

Việc có chính danh là quan trọng để chứng minh sự tồn tại và thực hiện các hành vi xã hội. Cụ thể, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư thì ông mới có quyền đứng lên phê bình tất cả mọi đảng viên cũng như đứng đầu quân ủy Trung ương. Ông Nguyễn Xuân Phúc phải là Thủ tướng thì ông ấy mới thể là người đứng đầu bộ máy Chính phủ. Hay anh phải có thẻ chứng minh Công An nhân dân thì anh mới có quyền hạn hành xử như một công an.

Điều đó có nghĩa là, chính danh cho phép một người được làm gì và không được làm gì trong xã hội này, có những đặc quyền – đặc lợi riêng biệt nào đó mà toàn bộ xã hội đều phải chấp nhận điều đó như một quy ước.

Chính danh trong chiến tranh Việt Nam có hay không?

Xét về mọi góc độ, cả phía Việt Nam Cộng Hòa lẫn phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều có tính chính danh về mặt lý thuyết nhà nước. Miền Nam vào năm 1955 tổ chức trưng cầu dân ý, người dân quyết định truất phế Bảo Đại, thành lập chế độ Cộng Hòa, bầu Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đầu tiên,và nhiệm vụ họ là ngăn cản làn sóng đỏ xâm nhập phía Nam, trong khi người dân miền Bắc ủng hộ người Cộng sản mang tên Hồ Chí Minh, tán đồng VNDCCH là một nước XHCN, và nhiệm vụ là đưa cả Việt Nam đi theo con đường đó.

Tất nhiên, dựa trên tính chính danh đó, mỗi quốc gia sẽ đề ra mục tiêu, kế hoạch để phát triển và thực thi vai trò, nhiệm vụ của mình. Bao gồm: chiến tranh, đấu tranh nghị trường – pháp lý, đấu tranh kinh tế - văn hóa,… với sự ủng hộ của người dân lẫn cộng đồng quốc tế bên ngoài.

Sự kiện năm 1975 là kết quả chính danh của quan điểm, mục tiêu: thống nhất tổ quốc, tiến lên CNXH. Tất nhiên, lần này phần thắng thuộc về những người Cộng sản.

Chính danh chấm dứt khi nào?

Chính danh chấm dứt khi và chỉ khi những mục tiêu, vai trò giúp tạo nên yếu tố chính danh đã không còn hoặc chệch hướng. Và khi đó, người dân – vốn là chủ thể trao sự chính danh, sẽ lại một lần nữa tước bỏ sự chính danh đó. Lấy ví dụ như sự viện trợ về quân lính quá lâu của Mỹ đã khiến cho miền Nam mất đi tính chính danh, lúc này họ trở thành một nhà nước kế tục của Mỹ thay vì của người Việt. Bản thân ông Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đấy cũng nhận thức được điều này, nên giai đoạn 1955-1960 ông liên tục phản đối sự có mặt của: cố vấn Mỹ trong Chính phủ và hệ thống cơ sở; quân Mỹ tại Việt Nam. Và đứng giữa lựa chọn bắt tay với Hà Nội để xây dựng Chính phủ Quốc gia hay lệ thuộc Mỹ thì ông chọn Hà Nội.

Sự kiện 1975 khi tướng tá VNCH rút ra nước ngoài một lần nữa tước đoạt tính chính danh của chủ thể nhà nước này, khi nó cho người dân thấy, hệ hệ thống chính trị này không còn phù hợp với tình trạng xã hội lúc đó.

Như vậy, tính chính danh chấm dứt khi niềm tin của người dân sụp giảm hoặc hoàn toàn biến mất.

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có tính chính danh?

Chúng ta thừa nhận người Cộng sản đã xác lập tính chính danh rất tốt trong cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay họ không còn làm tốt được như vậy.

Đầu tiên, “đi lên XHCN” trở thành một khái niệm mơ hồ, trừu tượng ngay với chính người đứng đầu ĐCSVN là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những nhân vật cộm cán khác trong Chính phủ. Chưa có mô hình nào thực sự đi lên XHCN nguyên gốc mà không phủ màu sắc TBCN, ngay cả đối với Trung Quốc, Việt Nam. Riêng Venezuela – họ đi lên và họ đã đang bị sụp đổ bởi cuộc biểu tình.

Thứ hai, Hiến pháp quy định Quyền con người một cách đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế lại đối nghịch khi quyền tự do bầu cử - ứng cử - tự do biểu tình – lập hội – tự do ngôn luận bị hạn chế. Nhà nước không cho phép ra báo tư nhân, tiếp tục hoãn ra Luật về Hội và Luật biểu tình và giữ vững nguyên tắc “đảng cử dân bầu” – những cánh xương sống trong Quyền con người.

Hai điều trên khiến cho tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục rơi vào khủng hoảng về mặt đường lối. Quan điểm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, công bằng là sáo rỗng trong thực tế - với tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tước đoạt đất đai đang ngày xảy ra trầm trọng.

Niềm tin người dân đối với bộ máy nhà nước, đối với nhân viên hành pháp như Công an, lập pháp như Quốc Hội, tư pháp như Chính phủ qua các vụ Cây Xanh 2015, Formosa 2016 đã tụt giảm mức thấp nhất.


Tính chính danh chưa biến mất, nhưng dần dần bị hủy hoại.

No comments:

Post a Comment