Sunday, April 30, 2017

Hỡi người trẻ Việt Nam

Điệp Mỹ Linh (Danlambao) - Vào dịp Thanh Minh, gia đình tôi đi chùa, viếng hài cốt của Bố các con tôi - Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh!

Vừa rời nơi để hài cốt của Minh, thấy một vị Thầy bước về hướng tôi, tôi cung kính chào. Thầy cười và rất bất ngờ gọi: “Chị Điệp Mỹ Linh!” Tôi hoàn toàn ngạc nhiên: “Dạ, thưa Thầy, làm thế nào Thầy biết con là Điệp Mỹ Linh?” Thầy đáp: “Biết chứ! Nhưng tôi khuyên chị đừng nên viết xúi người ta ‘wuýnh’ nhau!”Tôi ngỡ ngàng, tim thắt lại và lòng cảm thấy bất nhẫn, vội quay người, bước nhanh vào chánh điện. Vì không hiểu tiếng Việt nhiều, các con tôi bước theo tôi nhưng vẫn quay lại nhìn Thầy như ngầm hỏi: “Thầy đã nói gì xúc phạm đến Măng của chúng tôi, phải không?”

Dù bị xúc phạm, sau khi quỳ xuống, chấp tay, nhìn tượng Phật Quan Thế Âm, tôi cảm thấy bình an trong hồn.

Theo tiếng niệm kinh trầm trầm - và cũng vì lời khuyên của vị Thầy, lúc nãy - hồn tôi lui về quá khứ xa xăm như muốn tìm lại những dòng sông xưa, những vùng trời lửa đạn, những bến bờ dấu yêu, những khuôn mặt thân quen của những người đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh một phần cơ thể và rất nhiều người hy sinh cả mạng sống để bảo vệ miền Nam Việt Nam!

Trong những khuôn mặt thân quen, tôi nhận ra nhiều thanh niên mặc quân phục cùng màu với quân phục của Minh, đã cùng sống rồi chết bên cạnh Minh, trên các chiến đỉnh. Khi nào nghĩ đến những người con ưu tú này của Mẹ Việt Nam, lòng tôi cũng ngậm ngùi và biết ơn!

Lòng biết ơn của tôi dành cho thanh niên miền Nam thường làm cho hồn tôi chùng thấp mỗi khi đứng nghiêm, đồng hát Quốc Ca VNCH. Lúc nào cũng vậy, đến đoạn điệp khúc, giọng tôi nghẹn lại và hai hàng nước mắt tuôn dài! Theo tiếng hát nghẹn ngào, tôi tưởng như – dưới bóng cờ – thấp thoáng bóng dáng em tôi, em của Minh và bạn hữu của tôi, đã xông vào lửa đạn, quyết ngăn chận bước chân đẫm máu của “người anh em (!)” từ bên kia Bến Hải.

Tôi cũng biết ơn những vị cựu Chỉ Huy của Minh; vì những vị này biết cá tính năng động, can trường và liều lĩnh của Minh đã bổ nhiệm Minh về các đơn vị tác chiến để Minh có cơ hội cho “quân du kích và bộ đội cụ Hồ” biết thế nào là bản lĩnh của Hải Quân VNCH trên sông rạch!

Bản lĩnh của Hải Quân VNCH cũng như bản lĩnh của tất cả quân binh chủng Quân lực VNCH là: Hễ xung trận thì cho giang đỉnh ủi thẳng vào nơi bị phục kích, hoặc nhảy trên đầu địch bằng chiến thuật trực thăng vận của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, để chiến đấu trực diện chứ không thèm lùa trẻ em và phụ nữ đi trước rồi lom khom phía sau để tấn công cơ quan quân sự như Việt Cộng đã thực hiện vào Tết Mậu Thân, 1968. Người Lính VNCH cũng không bao giờ bắn sẻ hoặc pháo kích bừa bãi vào thành phố, vào trường học hoặc bắn trực xạ vào người dân chạy nạn – như “du kích quân và bộ đội cụ Hồ” đã “hồ hởi” thi hành năm 1972 ở Quang Trị, tạo nên Đại Lộ Kinh Hoàng và năm 1975 trên liên tỉnh lộ 7 từ Pleiku xuống Tuy Hòa rồi quốc lộ I, khoảng đèo Hải Vân và con đường ngắn từ Đà Nẵng sang Tiên Sa!

Về kỹ thuật tác chiến, có thể Hải Quân VNCH không khác với các quân binh chủng bạn; nhưng Hải Quân có những điều rất khác biệt mà các quân binh chủng bạn không có. Đó là: Rời căn cứ, hậu cứ hoặc đơn vị để đi phố thì Hải Quân gọi là “đi bờ”. Chỉ Huy Trưởng hoặc Chỉ Huy Phó của một đơn vị, được sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ gọi là Chỉ Huy Trưởng, Chỉ Huy Phó chứ không gọi theo cấp bậc. Hạm Trưởng hoặc Hạm Phó được gọi là Hạm Trưởng, Hạm Phó chứ không gọi là Thuyền Trưởng, Thuyền Phó hay gọi theo cấp bậc. Giữa sĩ quan với nhau thì sĩ quan cấp thấp thường gọi sĩ quan cao cấp bằng Commandant. Khi tiếp xúc với vị Tướng Hải Quân – dù vị Tướng ấy là Phó Đề Đốc – người đối thoại cũng gọi vị Tướng này là Đô Đốc.

Riêng Minh, dù trước hoặc sau ngày 30 tháng Tư 1975, tôi vẫn nghe Minh gọi những vị Tướng Hải Quân là Commandants; ngoại trừ Đề Đốc Trần Văn Chơn và Đô Đốc Chung Tấn Cang. Trước 1975, Minh gọi hai vị này tư Tư Lệnh. Sau 1975, Minh gọi hai vị này là Đô Đốc.

Trong thời gian làm vợ của Minh - ngoài việc thường xuyên tiếp xúc, trợ giúp tinh thần gia đình vợ con các anh hạ sĩ quan và thủy thủ tử trận - tôi cũng hân hạnh được tiếp xúc với nhiều vị Đô Đốc và Commandants chỉ huy trực tiếp của Minh.

Xin kể theo thứ tự thời gian: Vị Commandant đầu tiên của Minh là Hải Quân Trung Tá Hồ Văn Kỳ Thoại; về sau Ông được thăng Phó Đề Đốc. Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Hoa., Hải Quân Đại Tá Trần Bình Sang. Hải Quân Đại Tá Diệp Quang Thủy; về sau Ông được thăng Phó Đề Đốc. Hải Quân Đại Tá Vũ Đình Đào; về sau Ông được thăng Phó Đề Đốc. Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng. Vị Chỉ Huy trực tiếp cuối cùng của Minh là Hải Quân Đại Tá Khương Hữu Bá.

Khi Minh được thuyên chuyển về Phú Quốc, phục vụ dưới quyền chỉ huy của Hải Quân Đại Tá Khương Hữu Bá - Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Duyên Hải - tôi ở lại Sài Gòn, vì các con tôi bắt đầu lớn.

Khi nào đi Phú Quốc thăm Minh, tôi cũng phải đi bằng Hàng Không Dân Sự xuống Rạch Giá; vì Hàng Không Dân Sự Việt Nam không có đường bay ra Phú Quốc. Tại Rạch Giá, tôi vào Căn Cứ Hải Quân Rạch Sõi, tìm các PCF – Patrol Craft Fast, Duyên Tốc Đỉnh – của các đơn vị đồn trú gần hoặc ngay đảo Phú Quốc vào Rạch Giá công tác hoặc sửa chữa tại Căn Cứ Hải Quân Rạch Sõi để xin “quá giang” ra Phú Quốc. Khi trở về Sài Gòn tôi phải thực hiện hành trình ngược lại.

Trên những PCF “phóng” nhanh như tên xẹt, tung bọt trắng xóa, tôi thầm thương những chiếc Chủ Lực của Duyên Đoàn và những chiếc LCM – Landing Craft Mechanized, quân vận đỉnh – “dềnh dàng” của Giang Đoàn với vận tốc chậm, dễ bị Việt Cộng bắn sẻ và pháo kích.

Đến Phú Quốc, Minh đón và đưa tôi về nơi Minh làm việc.

Mỗi khi rời nơi Minh làm việc để đến Bộ Tư Lệnh Vùng IV Duyên Hải, hoặc từ Bộ Tư Lệnh Vùng IV Duyên Hải trở về, Minh và tôi đều đi ngang trại tù nhốt Việt Cộng.

Là một Phật tử thuần túy, tuyệt đối vâng lời Phật dạy và cũng là một người rất nhạy cảm trước nỗi khổ đau của muôn loài, nhưng không hiểu tại sao, mỗi khi xe chạy ngang trại tù nhốt Việt Cộng, lòng tôi dửng dưng, nếu không muốn nói rằng tôi còn cho là đáng đời! Sau khi phân tích trạng thái tình cảm, tôi mới nhận ra rằng: Vì Việt Cộng là những người chỉ chuyên thực hiện cái ác, dùng mọi thủ đoạn – dù phải hy sinh không biết bao nhiêu thanh niên miền Bắc để thực hiện chiến thuật biển người – để cưỡng chiếm cho bằng được phần đất mà chính phe Cộng Sản của họ đã ký kết tại Genève, năm 1954, để chia nước Việt thành hai miền: Cộng Sản miền Bắc; Quốc Gia miền Nam!

Năm 1954 tôi còn bé, nhưng, những lời giảng dạy của Ba tôi – người từng ra “vùng giải phóng” để chống Tây – cho tôi hiểu rằng: Cộng Sản Việt Nam (CSVN) luôn luôn cổ xúy và nuôi dưỡng tinh thần giai cấp đấu tranh để mọi người đều nghèo như nhau. Tinh thần giai cấp đấu tranh đưa đến chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Cải Cách Ruộng Đất không những chỉ giết người dân vô tội mà phương cách Đảng và “nhà nước” thực hiện để giết người còn hết sức dã man và tàn bạo bằng cách khích động dân chúng ném đá vào nạn nhân – bị trói – cho đến khi nạn nhân gục chết; hoặc CSVN chôn sống nạn nhân, chỉ để phần cổ và đầu ló khỏi mặt đất rồi cho trâu bò kéo cày hoặc bừa đi ngang, cào theo đầu của nạn nhân!

Cải Cách Ruộng Đất dã man và tàn ác như vậy thì chính sách “bần cùng hóa nhân dân” làm cho mọi người đều dốt nát như nhau; bởi vì người dốt bao giờ cũng dễ bị tuyên truyền, dễ bị tẩy não hơn người có học thức; vì lý do này,Mao Trạch Đông của Trung Cộng quan niệm “trí thức không bằng…cục phân”! Ngoài ra, CSVN còn tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau, không ai tin ai. Ngay như thầy cô giáo từ các lớp tiểu học đã dạy trẻ em: Về nhà nghe Cha Mẹ nói gì, ăn gì, gặp ai, v. v… thì mách lại thầy cô để thầy cô trao bằng khen Cháu Ngoan Bác Hồ!

Ba tôi giải thích: Chỉ có những kẻ nghèo mà không có đạo đức, không lương thiện, không học vấn và thua kém mọi bề thì mới dốc hết toàn lực và sinh mạng để cướp đoạt cho bằng được tài sản của những người lương thiện, giàu có, khá giả và học hành hơn họ. CSVN chính là những kẻ này!

Nếu ai chưa hiểu Cộng Sản thì mời nghe bài Quốc Tế Ca được phổ biến rộng rãi trong thế giới Cộng Sản suốt gần ¾ thế kỷ: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian… Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành... bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình…”Ngoài bản Quốc Tế Ca, người CSVN còn được hun đúc từ tấm bé bằng lời ca của bài Quốc Ca: “…Thề phanh thây uống máu quân thù…” để chém giết, để tóm thu lợi nhuận của người miền Nam cho bản thân họ và cũng để tôn vinh ông Hồ Chí Minh.

“Bộ đội cụ Hồ” không những chỉ liều chết để tôn vinh cụ Hồ mà “bộ đội cụ Hồ” lại còn được chính Tố Hữu - ủy viên bộ chính trị, bí thư ban chấp hành trung ương đảng CSVN, phó chủ tịch thứ nhất hội đồng bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – cổ xúy lăn vào chỗ chết để tôn vinh hai tên lãnh tụ Cộng Sản Nga và Trung Cộng bằng những vần thơ:

“...Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”

Trong khi đó, chúng tôi - người miền Nam - thời mới lớn lại được hun đúc bằng lời ca mang tính cách giáo dục và đạo đức trong bài Học Sinh Hành Khúc của Lê Thương: “...Học Sinh là mầm sống của ngày mai. Nung đúc tâm hồn để nuôi chí lớn. Theo các thanh niên sống vì giống nòi. Liều thân vì nước, vì dân mà thôi…”Khi trưởng thành, thanh niên miền Nam trở thành Người Lính V.N.C.H; và người Lính VNCH cũng rất hiền lành, chỉ biết “...Thù Nước lấy máu đào đem báo…” để chiến đấu cho Tổ Quốc và bảo vệ Quê Hương - bằng chứng hùng hồn nhất là trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH với Trung Cộng - chứ không hề gây chiến và không hề tôn vinh một cá nhân hoặc một đảng phái nào cả.

Vậy thì giữa người Lính VNCH và “bộ đội cụ Hồ” ai có chính nghĩa và ai có lý tưởng, mọi người Việt Nam trong và ngoài nước đều nhận thức được rồi!

Khi đề cập đến lý tưởng và chính nghĩa của người Lính VNCH, tôi chợt liên tưởng đến ý nghĩ thầm kín của tôi khi tôi được Đại Tá Khương Hữu Bá – nhân chuyến về Sài Gòn họp – cho tôi “quá giang” chiếc Cessna đưa Đại Tá từ Phú Quốc về Sài Gòn.

Qua cửa sổ Cessna, thấy những dòng sông hiền hòa len lỏi giữa những ruộng lúa xanh tươi, tôi thầm cảm ơn người lính Nghĩa Quân đã âm thầm chu toàn bổn phận trong những đồn hẻo lánh dọc các bờ sông và vợ của những Nghĩa Quân này phải tiếp đạn cho chồng để giữ an ninh, không cho Việt Cộng vượt sông về phá rối nông thôn. Tôi thầm tạ ơn những người lính Hải Quân đã từng đêm thức trắng trong phiên gác, để thảy lựu đạn quanh các giang đỉnh, không cho người nhái Việt Cộng lặn ra đặt mìn, làm chìm giang đỉnh. Tôi biết ơn các anh Không Quân trong những phi vụ oanh kích “đẹp” như trong xi-nê, những chuyến bay yểm trợ và những chuyến trực thăng tải thương đầy nguy hiểm. Tôi cũng xin cảm ơn những quân nhân thuộc các binh chủng thiện chiến như Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Biệt Động Quân đã lội “bì bõm” trong sình lầy, tận diệt Việt Cộng để nhà nông được yên lành cày cấy, tạo nên những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn trong tầm mắt tôi.

Trong tầm mắt tôi cũng hiện ra từng dãy nhà sàn dọc những bờ sông hoang vắng mà tôi từng đi qua, từng xót xa thương cảm. Nhìn những cụ già hom hem, miệng móm với nụ cười nhân hậu, tôi nhớ Bà Ngoại của tôi. Thế mà, trong số những cụ già dễ thương này đố ai biết được có bao nhiêu cụ bà đã nhẹ dạ, tin lời Việt Cộng, cho Việt Cộng đào hầm trong vườn rồi nuôi chúng để được gọi là “Mẹ chiến sĩ”!

Nếu những chuyến trực thăng cho tôi hiểu thế nào là chiến tranh, thế nào là cảm giác sợ hãi khi thấy Việt Cộng bắn lên trực thăng hoặc thế nào là xót thương khi thấy người Lính VNCH bị thương được chuyển theo trực thăng để đưa về bệnh viện thì chiếc Cessna lại cho tôi cảm giác yên bình, thanh thản vô cùng.

Nhìn hình ảnh tươi đẹp dưới xa, tôi chợt nhớ thời Ba tôi ra “ngoài nớ” theo kháng chiến chống Tây. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, không hiểu biết gì, chỉ biết đàn ca thôi. Những cảnh đói khát, tan thương đến cùng cực vì đồng ruộng nứt nẻ, khô cằn, con người thì đói khổ, được Ba tôi giải thích rằng Việt Minh áp dụng triệt để chính sách “Tiêu thổ kháng chiến”. Những hình ảnh “ngoài nớ” thật tương phản với thảm mạ non xanh mướt “trong ni” khiến cho lòng thương cảm Quê Ngoại của tôi dâng lên và dòng nhạc xưa chợt trỗi dậy trong hồn. Tôi không dám “ngân nga” vì lòng phi cơ rất hẹp, ngại Đại Tá Bá có thể nghe được. Tuy vậy, trong hồn tôi, bài dân ca Quê Nghèo của Phạm Duy vẫn vọng về: “…Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày... Quê cũ đã nghèo lắm rồi, thêm đói thêm sầu mà thôi…”

Nhờ chuyến Cessna này và cũng nhờ những lần theo các Giang Đoàn Xung Phong, Giang Đoàn Tuần Thám, Giang Đoàn Ngăn Chận, v. v… đến tận U Minh, Chương Thiện hoặc biên giới Việt Miên mà tình yêu Quê Hương được khơi dậy, nẩy sinh và vun bồi mạnh mẽ trong lòng tôi.

Khi chiếc Cessna bay ở cao độ vừa phải, trong tầm mắt tôi, những bờ cát mịn màng trông như những giải lụa óng ả, mượt mà ôm sát vòng eo thon của Quê Mẹ thân yêu.

Không ngờ, chỉ vài tháng sau, những bờ cát mịn màng đó biến thành những bãi cát ngập máu và xác người! Vũ khí của Nga và Trung Cộng viện trợ cho CSVN tối tân thật, nhưng nếu không có sự căm thù sôi sục trong lòng những người từ miền Bắc thề “sinh Bắc tử Nam” thì làm thế nào sinh mạn của không biết bao nhiêu trẻ em, phụ nữ và người già vô tội – và không khí giới để tự vệ – ở miền Nam phải gục ngã trong khi những người dân vô tội này chỉ muốn được thoát lên các chiến hạm của Hải Quân VNCH đang chờ đợi để đưa họ đến nơi an toàn!

Hỡi Người Trẻ Việt Nam sinh sau 1975! Vì các bạn chưa được sinh ra để thấy những bờ biển ngập xác người do CSVN tạo nên bằng hỏa tiễn của Trung Cộng và Nga, năm 1975; các bạn không thấy CSVN pháo kích ngay vào bệnh viện Long An, năm 1975; và các bạn cũng không thấy – sau khi cưỡng chiếm được miền Nam – CSVN đã đuổi tất cả thương bệnh binh ra khỏi những quân y viện của VNCH, năm 1975; các bạn không thấy những ngôi mộ tập thể ở Huế, do CSVN tàn sát – nhiều khi CSVN không giết mà CSVN lại chôn sống – dân lành ở Huế, năm 1968; các bạn không thấy CSVN pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, giết hại cả trăm học sinh; các bạn không thấy “du kích quân của cụ Hồ” đặc mìn trên quốc lộ để xe đò bị nổ tung, người dân chết nát thây; các bạn không thấy CSVN trà trộn vào dân rồi thảy lựu đạn vào rạp xi-nê, nhà hàng v. v… Vì các bạn không thấy những thảm cảnh đó và cũng vì CSVN không dám ghi lại những hành động dã man, tàn ác của họ trên những trang Việt sử cận đại cho nên các bạn thường đặt câu hỏi trên internet: Tại sao người Việt “nước ngoài” cứ tìm cách đánh phá “nhà nước” Việt Nam?

Thưa các bạn trẻ sinh sau 1975! Không đánh phá sao được khi người CSVN sát hại đồng chủng một cách man rợ chỉ với mục đích đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào”. Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, bây giờ các bạn thấy ai hiện diện nhỡn nhơ trên Quê Hương Việt Nam? Ai đầu độc dân tộc và môi trường sống của người Việt Nam?

Câu trả lời là: Trung Cộng!

Bốn mươi hai năm trước, nhờ vũ khí của Nga và Trung Cộng cùng với sự căm thù trong lòng, “bộ đội cụ Hồ” đã tạo nên những bờ biển ngập máu và xác người miền Nam; đã tạo nên những làn sóng người Việt bỏ xứ ra đi để rồi rất nhiều người bị vùi thân trong biển cả! Sau đó là hình ảnh nhục nhã của những thiếu nữ Việt “phơi mình” cho Trung Cộng và Đại Hàn mua về làm vợ; và biết bao thanh niên xuất khẩu lao động rồi ở luôn nơi xứ người!

Bốn mươi hai năm sau, trên nguồn, Trung Cộng xây nhiều đập nước khổng lồ để ngăn nguồn phù sa, làm cho sông nước miền Nam Việt Nam bị nhiễm nước mặn khiến vựa lúa miền Nam chết dần! Đảng CSVN lại cho phép Trung Cộng khai thác tài nguyên trên vùng cao, đốn cây và phá rừng Việt Nam một cách bừa bãi; và từ những cơ xưởng đồ sộ của Trung Cộng – từ thác Bản Dốc cho đến mũi Cà Mau – thải ra sông và biển không biết bao nhiêu hóa chất để tiêu diệt nguồn sống của người dân và đưa dân tộc Việt Nam vào họa diệt vong!

Hỡi người trẻ Việt Nam! Bây giờ là thời điểm thuận tiện nhất để các bạn thực hiện lời ca “cũ” bài Quốc Ca của CSVN: “Thề phanh thây uống máu quân thù”! Vâng, quân thù Trung Cộng đang tràn lan khắp nước Việt, đang đầu độc môi trường sống của dân Việt. Không ai có thể chối cãi điều này!

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CSVN tịch thu tất cả tài sản của người miền Nam, bắt Cha, Ông, chồng, anh em của người miền Nam nhốt tù và đuổi Mẹ, vợ con, chị em của người miền Nam đi kinh tế mới rồi chính CSVN đổi lời bài Quốc Ca của họ thành: “Đài vinh quang xây xác quân thù”.

Đúng! Người CSVN đã thật sự xây “đài vinh quang” trên thân xác của “bộ đội cụ Hồ” và thân xác người miền Nam chúng tôi sau khi “phanh thây uống máu” chúng tôi.

Sau 1975, CSVN gọi chúng tôi – những người phải trốn chạy khỏi sự tận diệt dã man của CSVN – là thứ “ăn bơ thừa, sữa cặn của đế quốc Mỹ”. Bây giờ người CSVN gửi con cháu sang Mỹ du học, mua bất động sản của “đế quốc Mỹ”; và người CSVN gọi chúng tôi là “khúc ruột ngàn dặm”, vì số ngoại tệ khổng lồ do chúng tôi gửi về Việt Nam.

Chính nhờ số ngoại tệ chúng tôi gửi về mà Việt Nam qua được “thời bao cấp”! Chúng tôi – “bên thua cuộc” – sẽ im lặng, âm thầm gửi ngoại tệ về Việt Nam. Nhưng chúng tôi không thể im lặng khi thấy người CSVN đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào” chỉ để đón quân thù truyền kiếp của dân tộc Việt – là Trung Cộng – vào ngự trị, tàn phá Quê Hương và đầu độc người Việt Nam!

Viết đến đây tự dưng lời ca của bài Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam bừng lên trong lòng tôi: “...Trên Quê Hương đau thương mưu cuộc giải phóng giống nòi. Hận thù bọn Việt Cộng đã cướp mất lẽ sống… Đồng bào Việt Nam! Đứng lên cùng thế giới! Đồng bào Việt Nam! Đấu tranh và kiến quốc! Tự quyết lấy đi thôi, đường sống tiến lên đi! Tiến lên dân tộc Việt ơi!” Khi nhạc sĩ Hùng Lân sáng tác bản này tôi chỉ là đứa bé gái nhút nhát, nhưng vẫn cảm thấy tinh thần dân tộc và tình yêu Quê Hương được khơi dậy mãnh liệt!

Hỡi người trẻ Việt Nam! Khi nào có dịp đi máy bay nội địa, hãy nhìn dọc theo bờ Đại Dương để thấy vẻ đẹp mỹ miều của những giải cát vàng. Chính lúc đó, bạn sẽ đồng ý với tôi: “Những bờ cát mịn màng trông như những giải lụa óng ả, mượt mà ôm sát vòng eo thon của Quê Mẹ thân yêu”.

Khi nhận thức được Quê Mẹ thân yêu đang bị Trung Cộng tàn phá, bạn sẽ cảm thấy tự ái dân tộc bị tổn thương; từ đó tinh thần dân tộc được khơi dậy và bạn chỉ muốn vung nắm tay vào mặt bọn Tàu khựa, quát to: “Hãy trả lại sông, núi, biển, đảo cho ta!”

Hãy hành động trước khi quá muộn, hỡi Người Trẻ Việt Nam!

01.05.2017


Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa

* Bài viết đã đăng trên Danlambao vào tháng 4/2014 của Nguyễn Ngọc Già.



Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Một số người trong nước cũng như người Việt hải ngoại cho rằng không nên vực dậy "xác chết" có tên Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy nhiên, lịch sử là nguồn cội của bất kỳ dân tộc nào. Lịch sử là khoa học và tính Người được thể hiện cao nhất từ đó. Bất kỳ một giai tầng nào hay một bậc vua chúa hoặc một nhà độc tài nào đi nữa, cũng không thể nào trốn được lịch sử. Lịch sử là Con Người.


Lịch sử dù đau thương như VNCH đã để mất Hoàng Sa, hay đáng tủi hổ như công hàm 1958 của VNDCCH và hội nghị Thành Đô của CHXHCNVN cùng nhiều biến cố sự kiện quan trọng khác không thể không nhắc lại. 

Nhắc lại để hiểu rõ hơn và để cho thế hệ con cháu hôm nay, ngày mai nghiền ngẫm, dọn mình cho một thời đại mới - đang bắt đầu ló dạng. Tôi không biết mình có mơ mộng hão huyền trong tình thế của nước CHXHCNVN hôm nay không, nhưng trong tâm hồn tôi, từ lâu, tôi muốn nói: Cám ơn Việt Nam Cộng Hòa - Nhà Nước mà ở đó, làm cho tôi "Trích Lục Bộ Khai Sanh" [*]. 

Sài Gòn - nơi tôi được sinh ra, lớn lên, chứng kiến một góc nhỏ nhoi những trầm luân của số phận dân tộc Việt Nam. 

Dù VNCH tồn tại ngắn ngủi, nhưng tôi không sao quên được cuộc sống chan hòa nhân ái của tuổi hoa niên, dù ngay trong những ngày chiến tranh lửa khói.

Hôm nay, bỗng nhiên trong tôi bật ra lời thành tâm này. Tôi viết với nỗi xúc động rưng rưng trên khóe mắt, khi xem lại hình ảnh những tử sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa - Trường Sa ngày xưa. 

Thay mặt gia đình

Như đã viết rải rác trong nhiều bài trước đây, tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, trong một gia đình trung lưu với việc làm ăn phát đạt, dần dẫn đến giàu có hơn. 

Thật ra, sau này tôi mới biết ba tôi là "Việt Cộng nằm vùng", do đó có thể nói, gia đình tôi là gia đình "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Cách đây vài chục năm, khi nghe câu này, tôi khá giận dữ và cảm thấy bị sỉ nhục. Cảm giác đó dễ hiểu bởi sự thật chưa được phơi bày như sau này.

Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà tôi tự tìm tòi. Tôi nghĩ, không có cách gì thuyết phục nhất cho mỗi người, nếu như tự thân mình không chủ động tìm hiểu và can đảm nhìn thẳng vào Sự Thật. Nhìn một cách thẳng thắn, không hề né tránh là điều chưa bao giờ dễ dàng, cho bất kỳ ai, cho bất kỳ điều gì, không riêng lãnh vực chính trị.

Ít nhất, cho đến nay, tôi có thể nói, tôi đã nhìn thẳng vào Sự Thật mà tôi biết, tôi tin một cách có căn cứ. 

Từ cảm giác giận dữ, dần dần tôi chuyển qua cảm giác nhục nhã. Nhục nhã vì sự vong ân bội nghĩa của gia đình mình đối với Quốc Gia mà từ đó gia đình tôi làm ăn khá giả một cách chân chính, còn bản thân tôi lớn lên từ đó.

Tôi không có ý định chạy tội cho ba tôi hay những người thân khác. Suy cho cùng, gia đình tôi vừa là đồng phạm, vừa là nạn nhân của cộng sản. Đó là sự thật. Ba tôi chưa bao giờ giết bất kỳ một ai.

Ba tôi đã chết dưới tay người cộng sản. Tôi có căm thù không? Có. Có muốn báo thù không? Đã từng. Điều mỉa mai, ba tôi chết không phải vì người cộng sản trả oán hay trù dập mà cái chết của ba tôi đến từ sự "ân sủng" dành cho ông - một người chưa bao giờ cầm một đồng tiền bất chính nào, cũng như chưa bao giờ nhận bất kỳ sự "ban ơn" nào từ người cộng sản. Một cái chết khá đặc biệt trong muôn vàn cái chết, do người cộng sản gây ra. Có thể đó là một niềm an ủi cho tôi. Cũng có thể đó là một ơn huệ của Ơn Trên, đã sắp đặt cho ba tôi một cái chết không hề nhơ nhuốc mà nhuốm màu thê lương trong một con người thơ ngây và chơn chất. Nhưng đó là câu chuyện quá vãng của gần 20 năm về trước, không phải những gì tôi muốn viết hôm nay.

Tôi có ba người chú ruột đều được "phong liệt sĩ". Cả ba người đều chết thời Pháp. Bà nội tôi được "tặng" "bà mẹ Việt Nam anh hùng". Tôi có hai người cậu ruột, trốn ngoại tôi để đi tập kết năm 1954. Hai người cậu ruột khác lại làm trong chế độ VNCH. Hai người cậu này đều có chức phận vào thời bấy giờ. Tôi có một người chị ruột làm trong nhà thương và "thân cộng" lúc đó. Một người anh ruột là sĩ quan thuộc quân lực VNCH (nhưng thật ra là VC nằm vùng), một người anh ruột khác là hạ sĩ quan cũng thuộc quân lực VNCH (thuần túy là lính, không quan tâm và tham gia vào chính trị, cũng như không phải VC nằm vùng). Tôi có vài người anh, chị ruột nữa, họ là dạng "cách mạng 30/4". Một số bà con thân thuộc nội ngoại khác, người thì ở trong "khu", người lại chống Cộng triệt để. Vài người khác, người thì là quân nhân, người nữa lại là công chức của VNCH v.v...

Hồi trước 1975, đa số gia đình đều đông con. Ít thì ba, bốn; nhiều thì chín, mười. Có gia đình lên đến mười hai - mười bốn người con, đều bình thường trong nếp sống lúc bấy giờ. Một đời sống sung túc, hầu hết gia đình khá giả, đều giống nhau suy nghĩ: nhiều con là phúc lộc Trời cho. Chế độ VNCH cũng không có việc "sinh đẻ có kế hoạch". Mắn đẻ lại là điều tốt mà phụ nữ thời xưa luôn tự hào. Cuộc sống dung dị như thế. Không chỉ riêng những gia đình giàu có mà có thể nói hầu hết đều tương tự như vậy.

Dông dài như thế, để nói rằng giòng tộc nội ngoại của tôi khá phức tạp. Giá như... 

Vâng, chính cái "giá như" nó đã làm hầu hết giòng tộc, anh chị em đại gia đình tôi "tan đàn xẻ nghé" từ dạo ấy. Dạo mà "rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn" với ngày 30/4/1975 (!)

Một giòng tộc như thế mà nói đến "đoàn kết" (như CSVN đang kêu gọi) thì quả là... hài kịch.

Ba tôi và anh chị tôi đã từng đi tù dưới chế độ VNCH. Ba tôi ra tù sớm, chị tôi thì được tha bổng sau vài tuần tạm giam, vì không đủ chứng cớ kết tội. Riêng anh tôi nhận án "20 năm khổ sai" và bị đày đi Côn Đảo cho đến (tất nhiên) 1975.

Điều tôi cám ơn Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa thật giản dị:

- Ngày ba tôi ra tù, ông vẫn mạnh khỏe. Về đến nhà chỉ một tuần sau là ông có thể bắt tay trở lại công việc làm ăn.

- Suốt thời gian ba và anh chị tôi bị điều tra cho đến lúc kết án chính thức, gia đình tôi (những người không liên quan) không hề bị săn đuổi, bắt bớ vô pháp, hành hung, xách nhiễu v.v... Má tôi đã gánh vác mọi việc làm ăn vào lúc đó. Chúng tôi vẫn đi học bình thường và sống trong môi trường không hề bị kỳ thị của bất kỳ thầy cô hay bạn bè nào. Hàng xóm láng giềng cũng không vì thế mà ghẻ lạnh, hắt hủi hay tiếp tay như kiểu bây giờ mà người ta gọi là "đấu tố thời đại mới".

- Anh tôi - người ở tù Côn Đảo, ngày trở về đất liền vẫn mạnh khỏe, dù ốm o đen đúa, nhưng không hề mang thương tật gì cả.[**]

Cá nhân tôi

Tôi cám ơn Việt Nam Cộng Hòa, không chỉ vì tôi được sống trong một xã hội - có thể chưa phải là tốt đẹp nhất - nhưng tốt đẹp hơn chế độ cộng sản 39 năm qua, mà tôi còn biết ơn vì tôi đã hấp thụ được nền giáo dục, có thể nói, cho đến nay 39 năm, dù VNCH không còn, dù CHXHCNVN cố gắng "cải cách" giáo dục nhiều lần rất tốn kém nhưng không hề mang lại chút tiến bộ nào khả dĩ. Và nói cho công bằng, giáo dục hiện nay tính về chất lượng, vẫn không thể nào đạt được như trước 1975 của miền Nam.

Nền giáo dục trước 1975 mà tôi hấp thụ, dù ngắn ngủi, nó thật sự là nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Trung thực và hiền lương. Ganh đua nhưng không đố kỵ. Biết phẫn nộ nhưng không tàn ác. Đặc biệt nền giáo dục đó giúp cho hầu hết học trò luôn biết dừng lại đúng lúc trước cái sai với nỗi xấu hổ và tính liêm sỉ - tựa như "hàng rào nhân cách" được kiểm soát kịp thời.

Chính xác hơn, tôi cám ơn Thầy - Cô của tôi, có lẽ bây giờ hầu hết đã qua đời, nếu còn sống chắc cũng đã nghễnh ngãng hay quá già yếu.

Tôi biết ơn các Giáo sư [***]. Tôi muốn nói rõ: Tôi không hề có danh vị, bằng cấp gì cả.

Tôi biết ơn Thầy - Cô của tôi, vì nhiều độc giả thương mến (có lẽ qua những bài viết), họ ngỡ tôi là: giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà văn, nhà giáo v.v... nhưng tôi thưa thật, tôi chỉ là một người "tay ngang" trong viết lách. Qua từng bài viết, tôi rút ra kinh nghiệm. Đặc biệt, tôi luôn cố gắng viết cẩn trọng và khách quan nhất để thuyết phục độc giả. Tính cách này, tôi đã học từ Thầy - Cô tôi, ngày xưa. Dù môn Văn Chương ngày ấy, tôi luôn nhận điểm thấp tệ.

Tôi biết ơn Thầy - Cô của tôi cũng vì, sau 1975, cả nước rơi vào đói kém, làm cho "tính người" trong xã hội cũng mai một dần và tôi không là ngoại lệ. Thảm trạng xã hội lúc đó biến tôi trở nên chai lỳ, mất cảm xúc và lạnh lùng. Đặc biệt "chữ nghĩa" hầu như trôi sạch hết cùng những "tem phiếu", "xếp sổ mua gạo", chầu chực "mua nhu yếu phẩm" v.v... ngày xưa.

Về sau này, khi cuộc sống đỡ hơn, tôi có thời gian hơn cùng với thời cuộc đảo điên, dần dần, tôi cảm nhận tôi "trầm mình" trong nỗi đau của bản thân, gia đình, từ đó tôi mới thấu hiểu những điều ngày xưa tôi học và tôi giật mình vì sự lãng quên đáng trách đó.

Tôi tìm lại được "tính Người" mà bấy lâu nay tôi đánh mất.

Một lần nữa, tôi cám ơn Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa và các Thầy - Cô của ngày xưa.



______________________________________

Chú thích:

[*] Vì những năm loạn lạc, đặc biệt tết Mậu Thân, nhiều nơi cháy nhà và thất lạc giấy tờ. Sau khi tạm bình yên, má tôi đã ra Tòa Hành Chánh Quận 3 thời bấy giờ để làm "Trích Lục Bộ Khai Sanh" cho tôi.

[**] Tôi nhớ khoảng đến cả tháng sau (tức đâu khoảng cuối tháng 5/1975) anh tôi mới về tới SG, nhưng chưa được về nhà ngay mà ở đâu đó (lâu quá rồi tôi không còn nhớ địa điểm, hình như lúc đó ở tại một trường học nào đó thì phải?) đợi thẩm vấn điều tra từ "chính quyền cách mạng lâm thời" lúc bấy giờ, đâu hết cả hai tuần nữa mới được về nhà. Tôi nhớ lúc đó, tôi hỏi anh tôi rất ngây ngô: Ủa! Sao hơn cả tháng trời anh mới về nhà? Anh tôi cười và im lặng không nói. Mãi về sau, tôi mới lò mò tìm hiểu, thì ra, dù là "phe mình", nhưng bản chất người cộng sản là "bản chất Tào Tháo". Họ có tin ai bao giờ đâu! Họ giữ lại tất cả tù chính trị để điều tra xem thử có phải là gián điệp (các loại) được cài lại hay không (để tính chuyện lâu dài).

[***] Trước 1975, từ đệ thất (nghĩa là lớp 6 bây giờ), Thầy - Cô được gọi là Giáo Sư - một cách gọi trân trọng, không phải học hàm như bây giờ nhiều người biết.

Bắc giang xuất hiện biểu ngữ ‘chào mừng ngày giải phóng thủ đô 30/4’

Bắc giang xuất hiện biểu ngữ ‘chào mừng ngày giải phóng thủ đô 30/4’
Không rõ do vô tình hay cố ý, một chủ cây xăng ở tỉnh Bắc Giang từ chiều ngày 28/04 đã cho treo một tấm biểu ngữ gây xôn xao trên mạng xã hội với thông điệp: “Chào mừng ngày giải phóng thủ đô 30/4 và ngày quốc tế lao động 1/5”.
Hình ảnh tấm biểu ngữ này được lan truyền trên mạng xã hội với nhiều lời bình luận đa chiều. Trong khi có người bực tức hoặc cảm thấy đây là câu chuyện khôi hài, một số người nhìn nhận rằng kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, quả thật thủ đô Hà Nội đã được “giải phóng.
Một số nhận định cho rằng sau ngày 30/4, nhiều người dân thủ đô Hà Nội và cả miền Bắc Việt Nam đã hiểu được thế nào là tự do, sau khi chứng kiến những ngày tự do ở thành phố Sài Gòn vừa bị chiếm đóng đang ngắc ngoải lụi tàn, nhưng vẫn huy hoàng gấp nhiều lần hơn tại các thiên đường xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chính miền Nam đã giải phóng miền Bắc về mặt tư tưởng.
Được biết biểu ngữ ngoại lệ này xuất hiện tại cây xăng Đức Thắng ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang
Phó chủ tịch huyện Hiệp Hòa là ông Nguyễn Văn Chính cho biết, tấm biểu ngữ do chủ cây xăng tự in và treo lên vào đầu giờ chiều ngày 28 tháng 4. Viên chức huyện đã yêu cầu chủ cây xăng hạ xuống.
Đây không phải là lần đầu một biểu ngữ với cùng một nội dung được treo trong ngày 30 tháng 4 ở Việt Nam. Vào năm 2010, một hãng bảo hiểm có trụ sở tại Trung Tâm Parkson sầm uất ngay giữa Hà Nội cũng treo một biểu ngữ giống y như vậy.
Huy Lam / SBTN

Giáo xứ Phú Yên tưởng niệm ngày 30/4 đen và tuần hành bảo vệ môi trường

Giáo xứ Phú Yên tưởng niệm ngày 30/4 đen và tuần hành bảo vệ môi trường

Vào chiều ngày 30 tháng 4 năm 2017, hơn 1000 người dân xứ Phú Yên và Linh mục Anton Đặng Hữu Nam đã tưởng niệm ngày “30/4 đen” và tuần hành bảo vệ môi trường, kêu gọi người dân đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam.
Trong phần giảng lễ, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam đã chia sẻ cho người dân được biết về ý nghĩa cuộc chiến tranh “thống nhất đất nước” là một cuộc chiến tranh phi nhân, phi lý, là một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn, nhồi da nấu thịt”. Ngài cũng đã kể về những biến cố đau thương sau ngày 30/4/1975 mà người dân miền nam Việt Nam đã phải gánh chịu, nhiều người đã mất vợ con, nhà cửa, phải tha hương cầu thực, phải bỏ mạng trên biển cả để tìm chân trời tự do,….
Sau Thánh lễ, những người tham gia tưởng niệm đã cầm các banner có biểu ngữ: “30/4 ngày mà dân tộc Việt Nam mất tự do, ngày mà người dân Việt Nam không có quyền làm người, ngày đã làm đất nước tan hoang, ngày đã đưa đất nước lạc hậu nghèo đói”, “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”,…. và xuống đường tuần hành.
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam chia sẻ với phóng viên SBTN: “sau những biến cố đau thương mà người dân Việt Nam đã và đang phải gánh chịu kể từ sau khi cộng sản Việt Nam cướp chính quyền, tôi muốn người dân biết tìm hiểu thông tin, biết tìm hiểu sự thật và dám làm chứng cho sự thật. Tôi cũng muốn người dân hiểu sự thật về cuộc chiến “thống nhất đất nước” mà cộng sản đã cưỡng chiếm miền nam như thế nào để rồi sau ngày “30/4 đen” có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn.”
Được biết, nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng an ninh, công an mặc thường phục xuống theo dõi và kiểm soát tình hình.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Cộng sản Việt Nam hiện nay có tính chính danh?

Mẫn Nhi-30-04-2017
(VNTB) Chúng ta thừa nhận người Cộng sản đã xác lập tính chính danh rất tốt trong cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay họ không còn làm tốt được như vậy.


Chính danh là gì? 

Chính danh tức là xác lập một một vị trí, vai trò của mình trong xã hội và hành xử đúng với vai trò, vị trí đó. Hiểu theo nghĩa Khổng tử thì, vua ra vua, thần ra thần, vợ ra vợ, chồng ra chồng. 

Hiểu nôm na, mọi sự tồn tại trong cuộc sống này đều phải mang một lý do, ý chí chủ quan nhất định. Trả lời được câu hỏi đó, và nhận được sự ủng hộ tức là đã xác định được tính chính danh.

Năm 1407, sau khi nhà Minh bắt được gia tộc họ Hồ Quý Ly, chính thức đặt nước ta vào vòng đô hộ, đặt ra hàng trăm chính sách thuế má vô lý nhằm bóc lột tài nguyên – con người. Chín năm sau, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan, dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi ở Thanh Hóa, cùng bàn nhau chống Minh cứu nước. Nhưng lúc đó, lòng dân còn phân tán, muốn làm cho mọi người tin tưởng vào nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi sai người lấy mỡ viết vào lá cây trên rừng tám chữ: Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần (tức Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi), sau kiến ăn mỡ khoét lá rỗng thành chữ, lá rụng trôi theo dòng nước đến khắp mọi nơi. Mọi người cho là “ ý Trời “ thương dân mượn tay Lê Lợi nên một lòng theo minh quân chống giặc.

Giai thoại này mở đầu cho việc xác lập tính chính danh trong cuộc chiến chống quân Minh, và đưa Lê Lợi lên làm Vua sau đó.

Việc có chính danh là quan trọng để chứng minh sự tồn tại và thực hiện các hành vi xã hội. Cụ thể, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư thì ông mới có quyền đứng lên phê bình tất cả mọi đảng viên cũng như đứng đầu quân ủy Trung ương. Ông Nguyễn Xuân Phúc phải là Thủ tướng thì ông ấy mới thể là người đứng đầu bộ máy Chính phủ. Hay anh phải có thẻ chứng minh Công An nhân dân thì anh mới có quyền hạn hành xử như một công an.

Điều đó có nghĩa là, chính danh cho phép một người được làm gì và không được làm gì trong xã hội này, có những đặc quyền – đặc lợi riêng biệt nào đó mà toàn bộ xã hội đều phải chấp nhận điều đó như một quy ước.

Chính danh trong chiến tranh Việt Nam có hay không?

Xét về mọi góc độ, cả phía Việt Nam Cộng Hòa lẫn phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều có tính chính danh về mặt lý thuyết nhà nước. Miền Nam vào năm 1955 tổ chức trưng cầu dân ý, người dân quyết định truất phế Bảo Đại, thành lập chế độ Cộng Hòa, bầu Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đầu tiên,và nhiệm vụ họ là ngăn cản làn sóng đỏ xâm nhập phía Nam, trong khi người dân miền Bắc ủng hộ người Cộng sản mang tên Hồ Chí Minh, tán đồng VNDCCH là một nước XHCN, và nhiệm vụ là đưa cả Việt Nam đi theo con đường đó.

Tất nhiên, dựa trên tính chính danh đó, mỗi quốc gia sẽ đề ra mục tiêu, kế hoạch để phát triển và thực thi vai trò, nhiệm vụ của mình. Bao gồm: chiến tranh, đấu tranh nghị trường – pháp lý, đấu tranh kinh tế - văn hóa,… với sự ủng hộ của người dân lẫn cộng đồng quốc tế bên ngoài.

Sự kiện năm 1975 là kết quả chính danh của quan điểm, mục tiêu: thống nhất tổ quốc, tiến lên CNXH. Tất nhiên, lần này phần thắng thuộc về những người Cộng sản.

Chính danh chấm dứt khi nào?

Chính danh chấm dứt khi và chỉ khi những mục tiêu, vai trò giúp tạo nên yếu tố chính danh đã không còn hoặc chệch hướng. Và khi đó, người dân – vốn là chủ thể trao sự chính danh, sẽ lại một lần nữa tước bỏ sự chính danh đó. Lấy ví dụ như sự viện trợ về quân lính quá lâu của Mỹ đã khiến cho miền Nam mất đi tính chính danh, lúc này họ trở thành một nhà nước kế tục của Mỹ thay vì của người Việt. Bản thân ông Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đấy cũng nhận thức được điều này, nên giai đoạn 1955-1960 ông liên tục phản đối sự có mặt của: cố vấn Mỹ trong Chính phủ và hệ thống cơ sở; quân Mỹ tại Việt Nam. Và đứng giữa lựa chọn bắt tay với Hà Nội để xây dựng Chính phủ Quốc gia hay lệ thuộc Mỹ thì ông chọn Hà Nội.

Sự kiện 1975 khi tướng tá VNCH rút ra nước ngoài một lần nữa tước đoạt tính chính danh của chủ thể nhà nước này, khi nó cho người dân thấy, hệ hệ thống chính trị này không còn phù hợp với tình trạng xã hội lúc đó.

Như vậy, tính chính danh chấm dứt khi niềm tin của người dân sụp giảm hoặc hoàn toàn biến mất.

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có tính chính danh?

Chúng ta thừa nhận người Cộng sản đã xác lập tính chính danh rất tốt trong cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay họ không còn làm tốt được như vậy.

Đầu tiên, “đi lên XHCN” trở thành một khái niệm mơ hồ, trừu tượng ngay với chính người đứng đầu ĐCSVN là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những nhân vật cộm cán khác trong Chính phủ. Chưa có mô hình nào thực sự đi lên XHCN nguyên gốc mà không phủ màu sắc TBCN, ngay cả đối với Trung Quốc, Việt Nam. Riêng Venezuela – họ đi lên và họ đã đang bị sụp đổ bởi cuộc biểu tình.

Thứ hai, Hiến pháp quy định Quyền con người một cách đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế lại đối nghịch khi quyền tự do bầu cử - ứng cử - tự do biểu tình – lập hội – tự do ngôn luận bị hạn chế. Nhà nước không cho phép ra báo tư nhân, tiếp tục hoãn ra Luật về Hội và Luật biểu tình và giữ vững nguyên tắc “đảng cử dân bầu” – những cánh xương sống trong Quyền con người.

Hai điều trên khiến cho tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục rơi vào khủng hoảng về mặt đường lối. Quan điểm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, công bằng là sáo rỗng trong thực tế - với tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tước đoạt đất đai đang ngày xảy ra trầm trọng.

Niềm tin người dân đối với bộ máy nhà nước, đối với nhân viên hành pháp như Công an, lập pháp như Quốc Hội, tư pháp như Chính phủ qua các vụ Cây Xanh 2015, Formosa 2016 đã tụt giảm mức thấp nhất.


Tính chính danh chưa biến mất, nhưng dần dần bị hủy hoại.

Tổng bí thư điều hành cả Quốc hội

Trúc Giang-01-05-2017
(VNTB) - Từ yêu cầu của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về việc xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng về những sai phạm lúc ông này còn quản lý doanh nghiệp; cho đến chuyện ông Võ Kim Cự buộc phải bãi nhiệm tư cách Quốc hội theo yêu cầu của Ban Bí thư, cho thấy ở Việt Nam các quyền hành pháp, tư pháp đều nằm trong tay của Bộ Chính trị, với người đứng đầu là tổng bí thư Đảng CSVN.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: vừa ẵm em, vừa xay lúa?
Ngày 28-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc với 130 cử tri phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bà Chủ tịch Quốc hội cho biết Ban Bí thư đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự.
Từ hai vụ việc trên cho thấy mặc dù Hiến pháp ghi “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (Điều 2.1); “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước" (Điều 69), thế nhưng trên thực tế thì quyền lực chính trị cao nhất thuộc về Bộ Chính trị với người đứng đầu là Tổng bí thư Đảng CSVN.
Ông Tổng bí thư điều hành bộ máy nhân sự chính phủ không phải bằng hệ thống văn bản pháp luật, mà bằng các thể loại văn bản mang tính nội bộ của Đảng cầm quyền; như Nghị quyết, Quy định, Quyết định.
Đơn cử, ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Với văn bản này, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhân danh bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ, để đưa ra 9 nội dung thật ra chủ đích nhằm bảo vệ cho ghế tổng bí thư, bằng cách sẳn sàng triệt hạ bất kỳ cá nhân nào trong bộ máy quyền lực của Đảng, của Quốc hội và của Chính phủ có các ý kiến đòi hỏi về đa nguyên – đa đảng, về việc phải có tư hữu hóa đất đai, về việc đòi phi chính trị hóa quân đội…
Trở lại với trường hợp kỷ luật ông Đinh La Thăng và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự. Cả hai trường hợp đều cho thấy Bộ Chính trị kiêm luôn hành pháp và tư pháp. Nói theo ngôn ngữ hình tượng dân gian, ông tổng bí thư đang vừa ẵm em, vừa phải xay lúa.

Quyền tư pháp ở Việt Nam: phận con sâu, cái kiến
Sự khác biệt lớn nhất của mô hình tư pháp trong các chính thể hiện đại của các nước và ở Việt Nam thể hiện ở chỗ: Quyền tư pháp trong các nhà nước tư bản được phân định là quyền xét xử và được tổ chức độc lập, ngang bằng với các nhánh quyền lực khác nhằm mục đích kìm chế và đối trọng lẫn nhau.
Ở Việt Nam, quyền tư pháp là nhánh quyền lực phái sinh từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội), không có vị trí độc lập, ngang bằng và càng không đối trọng với quyền lập pháp, hành pháp. Khác biệt tiếp theo là quyền tư pháp với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được phân giao cho nhiều cơ quan thực hiện, trong đó có cơ quan đúng nghĩa là cơ quan tư pháp như tòa án các cấp (thực hiện quyền xét xử), nhưng cũng có cơ quan không phải là cơ quan tư pháp, mà là cơ quan kiểm sát (giao thực hành quyền công tố) và thậm chí là cơ quan hành chính (giao thực hành quyền điều tra và thi hành án).
Như vậy, trong số các cơ quan thực hành quyền tư pháp (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án và Cơ quan thi hành án) không phải tất cả hoạt động của chúng đều thuộc đối tượng giám sát tư pháp (GSTP), mà chỉ một mặt hoạt động có tính tư pháp trong số đó. Và cũng có những cơ quan vừa chịu sự giám sát của các chủ thể GSTP, lại đồng thời được thực thi quyền GSTP (như Viện Kiểm sát nhân dân). Chính các yếu tố này quyết định đặc thù của cơ chế GSTP hiện hành của Việt Nam.
Chính cơ chế như trên đã giúp ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW; cũng chính cơ chế trên đưa tới hệ lụy tất yếu là trong rất nhiều vụ án xảy ra tại các doanh nghiệp, như vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến ông Đinh La Thăng đã phải kéo dằng dai cho đến tận hôm nay, khi mà lần lượt sau đó ông Đinh La Thăng mặc dù vấp nhiều sai lầm trong quản lý đưa đến hậu quả nghiêm trọng ở PVN, song vẫn được trao chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, ông Đinh La Thăng còn được ông Nguyễn Phú Trọng phân công là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, và nhận chức vụ Bí thư thành ủy TP.HCM.

Giờ đây, nếu quả thật ông Đinh La Thăng có nhiều sai phạm thời gian làm quản lý ở PVN, thì ông Đinh La Thăng phải đối mặt với trình tự tố tụng hình sự, chứ không phải là án kỷ luật từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương như trong một thông báo vào cuối giờ chiều hôm 27-4-2017. 

30/4: Hứa hẹn ngày ấy và bây giờ

VOA Tiếng Việt/ 30/04/2017
Thành phố HCM đã phát triển mạnh sau 42 năm, đi kèm là những vấn đề về tệ nạn, ùn tắc, ô nhiễm (ảnh tư liệu, 18/11/2015)
Thành phố HCM đã phát triển mạnh sau 42 năm, đi kèm là những vấn đề về tệ nạn, ùn tắc, ô nhiễm (ảnh tư liệu, 18/11/2015)

Ngày 30/4/1975 đánh dấu sự kiện mà những người cộng sản Việt Nam và các ủng hộ viên gọi là “giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”.
Để chiến thắng miền nam được Mỹ hậu thuẫn, cuộc chiến của những người từ miền bắc cần nguồn nhân lực khổng lồ. Để huy động nguồn lực này, miền bắc không chỉ dựa vào chuyên chế mà cả những biện pháp tuyên truyền.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường, 66 tuổi, quê ở Thái Nguyên, nhớ lại:
“Người ta thuyết phục là đế quốc Mỹ xâm lược miền nam Việt Nam và đồng bào miền nam của chúng ta bị đế quốc Mỹ xâm lược, đàn áp các thứ. Lúc ấy tôi ở miền bắc mà. Cho nên là nhân dân miền bắc phải đóng góp việc giải phóng miền nam. Theo tôi hiểu thì cái chính nó là như thế, còn tất nhiên những cái bên dưới nó là ‘xóa bỏ chế độ người bóc lột người’, rồi xây dựng chế độ ‘tươi đẹp’ như ở miền bắc”.
Xã hội “tươi đẹp” mà Đảng Cộng sản hứa hẹn với nhân dân là một đất nước công bằng, không có kẻ giàu người nghèo, không còn nạn người bóc lột người, không có ăn mày, trộm cướp, mại dâm, nghiện ngập, và thất nghiệp.
thành phố HCM vào cuối tháng 4 năm 2015, 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc (ảnh tư liệu)
Thành phố HCM vào cuối tháng 4 năm 2015, 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc (ảnh tư liệu)

Những viễn cảnh quá ư tốt đẹp này, thông qua tuyên truyền, đã là một phần động lực quan trọng về tinh thần để hàng triệu người dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt, kết thúc bằng ngày 30/4/1975.
Nhiều sách báo, tác phẩm văn nghệ vẫn còn lưu lại những lời hứa hẹn này. Doanh nhân Lê Đình Hùng, sinh năm 1973, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nói:
“Những sáng tác của các nghệ sĩ hoặc rất nhiều thành phần của Việt Nam trong thời kỳ đó, hay những bộ phim như ‘Mối tình đầu’, hay là ‘Mùa gió chướng’ hay các bộ phim lớn của Việt Nam thì đều nói như vậy. Hay những tác phẩm báo chí bây giờ vẫn còn lưu trên internet. Và tôi cũng có đọc được rất nhiều những thông tin như vậy”.
Không lâu sau ngày chịu sự kiểm soát của chính quyền cộng sản, người miền nam “làm quen” với hai khái niệm mới là “sở hữu tập thể” và “chuyên chính vô sản”. Kể từ đó, chất lượng cuộc sống đã xuống dốc khác xa so với chính mức sống cũ, chưa nói đến những lời hứa tốt đẹp.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường, hiện sống ở Vũng Tàu, diễn giải:
“Xã hội khi dựa vào sở hữu tập thể và chuyên chính vô sản thì sở hữu tập thể chỉ làm cho người ta ngày một gian dối hơn. Sở hữu tập thể làm cho xã hội băng hoại một cách rất nghiêm trọng. Đồng thời cái chuyên chính vô sản nó lại dành cho một số người những quyền mà ở một xã hội bình thường họ không thể có được. Họ có thể làm những điều không nằm trong những quy định nào của luật pháp mà sau đó họ cũng chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Vì vậy, theo tôi hiểu thì xã hội đã xuống cấp một cách rất nghiêm trọng, kể cả miền bắc lẫn miền nam”.
Luật sư Trần Quốc Thuận, một cán bộ quốc hội đã nghỉ hưu ở Tp.HCM, mô tả tóm tắt về tình hình cách đây hơn 40 năm:
“Trong cương lĩnh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói là khuyến khích sản xuất công nông nghiệp, nhưng mà sau đó thì cải tạo công thương nghiệp dẫn đến hậu quả như chúng ta biết là nền kinh tế bị tê liệt và bao nhiêu người phải bỏ đất nước ra đi. Tình trạng kéo dài rồi sau đó may mà có đổi mới nên có phát triển lại”.
Cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam, thường được gọi tắt là “đổi mới”, bắt đầu từ năm 1986, 11 năm sau ngày bắc-nam thống nhất.
Sau nhiều sai lầm về điều hành kinh tế và những bất lợi về địa chính trị khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, mặc dù nhà nước vẫn kiểm soát một số lĩnh vực trọng yếu.
Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức tài chính quốc tế đánh giá là có tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất ở châu Á và trên thế giới.
Trong giai đoạn 1991 đến 2016, tăng trưởng trung bình đạt gần 7%/năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người năm 1991 là 188 đôla, thuộc nhóm nước nghèo nhất. Con số này của năm 2016 đã tăng gần 11 lần, đạt 2.050 đôla, đưa Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.
Đại tá công an về hưu Đinh Đình Phú ở Hải Phòng nói về sự phát triển kinh tế này:
“Đất nước chúng tôi được phát triển một cách vượt bậc. Dân giàu lên trông thấy. Ngay thủ đô Hà Nội không còn có đất mà để ô tô ấy chứ. Nhiều thành phố lớn nhà cao tầng mọc lên nhiều lắm. Hải Phòng chúng tôi đang phát triển. Nông thôn mới bây giờ đang ngày càng giàu có. Xã hội rất là văn minh. Những thành quả sau hơn 40 năm thống nhất đất nước so với trước đã vượt bậc lắm rồi”.
Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Thuận và doanh nhân Lê Đình Hùng cho rằng để đánh giá sự tiến bộ, không nên chỉ so hiện tại với quá khứ của bản thân Việt Nam mà cần có sự so sánh rộng hơn.
Ông Thuận, người có hơn 40 năm tuổi đảng, cho rằng điều đáng suy nghĩ là dù Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, song trong cùng khoảng thời gian hơn 4 thập kỷ, nhiều nước khác, kể cả đa số các nước láng giềng, đã đạt được những thành tựu to lớn hơn.
Ông Hùng, chủ Công ty vàng bạc đá quý Cửu Long, đưa ra ý kiến:
“Khi chúng ta không so sánh Việt Nam với các nước khác, thì chúng ta thấy Việt Nam rất là tốt, rất là đẹp, rất là phát triển, rất là tuyệt vời. Khoảng 20 năm trở lại đây, tôi đi hầu như các nước trên thế giới thì thấy rõ ràng Việt Nam còn hạn chế về nhiều mặt. Các mặt còn rất là yếu kém so với các nước phát triển, về văn hóa, kinh tế, chính trị. Những người lãnh đạo hay nói lấy cột mốc biến thành một Thượng Hải, biến thành một Singapore, rồi biến thành hòn ngọc Viễn Đông. Tức là những cái điều mà cho thấy rằng đảng, nhà nước, chính phủ, đặc biệt là nhân dân đã cố hết sức nhưng rõ ràng sự phát triển của Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá xa với mặt bằng chung của những nước ASEAN hoặc những nước văn minh phát triển hàng đầu”.
Điều khiến nhiều người Việt trăn trở là sự thịnh vượng tăng lên sau 42 năm có mang lại xã hội tươi đẹp, công bằng cho tất cả mọi người như những lời hứa trong quá khứ của Đảng cộng sản? Ông Trần Quốc Thuận nhận xét:
“Nhiều người giàu có, nhưng nhiều lúc không giải thích được tại sao họ giàu kinh khủng thế. Mà nhất là cái nạn tham nhũng, cái nạn hà hiếp nhân dân ngày càng xấu. Bao nhiêu nghị quyết của đảng về chống tham nhũng thì tham nhũng ngày càng lớn. Lúc đầu thì mấy triệu [đồng], rồi sau mấy trăm triệu, giờ là mấy tỉ, lên đến hàng trăm hàng ngàn tỉ [đồng]. Niềm tin của nhân dân tin vào người lãnh đạo, người cầm quyền, tin vào đảng là nó sa sút nghiêm trọng”.
Trong nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến “bất bình”, “nhức nhối” vì bất công ngày càng tăng, chênh lệch giàu nghèo mỗi lúc một nới rộng, nạn người bóc lột người, trộm cướp, mại dâm, nghiện ngập, thất nghiệp không những không bị xóa bỏ mà dường như còn nặng nề hơn xưa.
Dân số tăng lên nhiều trong khi công ăn việc làm không được tạo ra tương xứng khiến nhiều người tìm cách đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài để có nguồn sống, đa phần là các công việc vất vả, nặng nhọc.
Nguy cơ đói nghèo đẩy nhiều phụ nữ đến chỗ lấy chồng ngoại quốc hoặc làm gái mại dâm cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.
Đầu năm 2016, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó có nhiều phụ nữ hoạt động ở các nước trong vùng. Việt Nam nói con số trong hồ sơ quản lý được là hơn 11.000 người bán dâm ở 63 tỉnh thành.
Trong gần 10 năm trở lại đây, con số phụ nữ Việt lấy chồng ngoại với mục đích ‘đổi đời’ ước tính khoảng 100.000 người mỗi năm. Cô dâu Việt thường kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây ngày càng nhiều người lấy chồng Trung Quốc, khi mức sống của nước láng giếng phương bắc đã gấp 4 lần Việt Nam, theo các con số chính thức.
Về lao động xuất khẩu, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2016, có hơn 126 nghìn người làm việc ở 29 quốc gia, kể cả ở các nước Bắc Phi lẫn Lào và Campuchia, hai nước láng giềng thường được coi là không phát triển bằng Việt Nam. Số người Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở các nước láng giềng được ước tính cũng lên đến hàng vạn người.
Cựu đại tá công an Đinh Đình Phú, người từng đấu tranh chống tham nhũng đất đai, tỏ ra bình tĩnh trước tất cả những thông tin này:
“Bây giờ không ai dùng cái từ ‘người bóc lột người’. Tại vì đã là kinh tế thị trường, người nào có tài thì người đấy có tiền. Thế còn kinh tế thị trường tất nhiên là cái giàu nghèo, những cái tiêu cực là hai mặt của vấn đề. Nhà nước phải khắc phục cái đó. Thế giới bây giờ là mái nhà chung rồi, cái quyền tự do của người lao động, nơi nào người ta thu nhập cao thì nhà nước này sẵn sàng cho họ đi, cho họ làm. Tiền cao hơn họ lại gửi về xây dựng quê hương đất nước, xây dựng gia đình. Còn trong cặn bã của xã hội thì có những cái thế lực bảo thủ, lạc hậu tác động từ bên ngoài vào thì tránh làm sao khỏi những cái tiêu cực xã hội được. Cái đó là đương nhiên thôi”.
Nhưng doanh nhân Lê Đình Hùng lại thấy lo ngại:
“Nếu nói về mặt xã hội, về mặt bất công, chúng ta có quá nhiều vấn đề đã xảy ra. Những sự bất công đó đã và đang làm cho xã hội biến đổi, biến dạng, xung đột, mâu thuẫn. Sau cuộc cách mạng internet, công nghệ là nền tảng kết nối, nó xóa nhòa mọi ranh giới, người dân có cơ hội mở mang tầm mắt của mình. Nó làm cho người dân hiểu được vấn nạn của xã hội, của đất nước, của dân tộc, đã và đang là một trong những cái bức xúc mà người ta đang đấu tranh để đòi lại cái quyền lợi của mình”.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường thậm chí đánh giá bi quan hơn. Ông cho rằng hàng chục năm áp dụng các chính sách chính trị, kinh tế, giáo dục đầy những khiếm khuyết đã đưa Việt Nam đến tình trạng mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng toàn diện”.
Ông nói:
“Cuộc khủng hoảng này muốn giải quyết nó thì phải trở lại với những cái thế giới hiện nay người ta đang làm. Tức là xã hội dân chủ, tự do. Trong đó có đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập. Rồi thì nhà nước không can thiệp, không áp đặt hệ tư tưởng vào hệ thống giáo dục. Tóm lại, sự độc quyền của Đảng Cộng sản hiện nay chính là nguyên nhân chính gây ra những cái tệ nạn mà chúng ta đang thấy hiện nay”.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của internet, doanh nhân Lê Đình Hùng tin rằng theo thời gian, người dân biết cách tác động để chính quyền thay đổi và cải thiện tình hình:
“Chính người dân sẽ nhờ vào khoa học công nghệ, internet để điều chỉnh và làm áp lực cho chính quyền, cho chính phủ, cho nhà nước, để buộc họ đi theo sự văn minh tiến bộ, đó là tự do dân chủ trong tương lai”. 
một góc khác của TpHCM (ảnh tư liệu, tháng 3/2012)một góc khác của TpHCM (ảnh tư liệu, tháng 3/2012)
42 năm đã qua, những người cộng sản đã thực hiện được lời hứa ‘thống nhất đất nước,’ nhưng đối với nhiều người dân, lời hứa về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không có tệ nạn vẫn còn cách xa thực tế cả một khoảng cách lớn.