Saturday, November 19, 2016

Bộ trưởng không phải là công chức

Trúc Giang-18-11-2016
(VNTB) - Cho đến thời điểm này, mọi cáo buộc về hành vi vi phạm pháp luật của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ có thể được xác lập bởi một tuyên bố của Tòa án.
Kết quả hình ảnh cho hinh anh vũ huy hoàng
Ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Công Thương
Liên quan đến việc xem xét xử lý kỷ luật hành chính với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, bên hành lang Quốc hội chiều 16-11, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết ông vừa có công văn trả lời về cơ sở pháp lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng.
“Chúng ta hoàn toàn vẫn có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức năm 2008, vận dụng khoản 1 điều 80 liên quan đến thời hiệu xử lý kỷ luật. Trong đó quy định vấn đề liên quan, áp dụng điều 78 của luật xử lý đối với ông Hoàng, căn cứ vào điều khoản về thời hiệu để xử lý ông Hoàng, có thể xử lý khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi miễn”, ông Quyền nói.
Ông Quyền lập luận, thời hiệu tính từ khi hành vi sai trái trong quá trình đương nhiệm, cơ sở pháp lý là căn cứ vào điều khoản về thời hiệu. “Vận dụng hình thức gì trong khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm thì do chúng ta, nhưng cách chức, bãi nhiệm có nên hay không thì phải tính vì đã không còn đương chức”. Cũng theo ông Quyền, việc vận dụng thời hiệu xử lý kỷ luật để cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng trong khi đương nhiệm và thời hiệu có giá trị 2 năm, nên kể cả lúc đã rời nhiệm sở vẫn có thể bị xử lý theo quy định.
Ông Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đã đem râu ông nọ cắm cằm bà kia trong trường hợp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Luật Cán bộ công chức năm 2008, Điều 4.2 định nghĩa: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Điều 4.2 này được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 06/2010/NĐ-CP. Điều 5 của Nghị định 06/2010/NĐ-CP cho biết các Bộ trưởng không phải là công chức:
“Điều 5. Công chức trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập:
1. Thứ trưởng và người giữ chức danh, chức vụ tương đương; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra và tổ chức khác không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
2. Tổng cục trưởng và tương đương, Phó Tổng cục trưởng và tương đương, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra thuộc Tổng cục và tương đương.
3. Cục trưởng, Phó Cục trưởng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, phòng, thanh tra, chi cục thuộc Cục.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập”.
Khoản 4 của Điều 5, sau đó được điều chỉnh bởi Điều 2 Thông tư 08/2011/TT-BNV, và cũng hoàn toàn không liên quan đến chức danh Bộ trưởng.
Cho đến thời điểm này, mọi cáo buộc về hành vi vi phạm pháp luật của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ có thể được xác lập bởi một tuyên bố của Tòa án.

No comments:

Post a Comment