QUẢNG NAM (NV) – Mặc cho các vùng thấp trũng ở Quảng Nam đang ngập nặng, 3 nhà máy thủy điện ở xung quanh vẫn xả lũ càng khiến đời sống người dân xáo trộn, tìm cách di tản tài sản đi lánh nạn.
Ngày 2 Tháng Mười Một, nói với báo Tiền Phong, ông Ngô Xuân Yến, chủ tịch xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc cho biết, mưa lớn kéo dài suốt hai ngày qua, cùng với nước ở thượng nguồn đổ về khiến nhiều nơi bị chia cắt. Hiện ở thôn Tân An, xã Đại Lãnh, nhiều ngôi nhà đã bị ngập sâu, có nhà bị ngập gần quá bậc cửa.
Thế nhưng, cũng theo ông Yến, hiện có 3 nhà máy thủy điện đã gửi thông báo đến ủy ban xã về việc xã lũ. Trong đó, nhà máy thủy điện Đăk Mi trong ngày hôm nay sẽ bắt đầu vận hành hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 với lưu lượng 900-2,400 khối/giây.
Tương tự, ban quản lý nhà máy thủy điện Sông Bung thông báo về việc bắt đầu xả tràn hồ thủy điện Sông Bung 4A, với lưu lượng xả tràn từ 100-1,250 khối/giây. Cùng lúc đó, lũ từ nhiều “nguồn” đổ về đã khiến hàng trăm hộ dân vùng hạ lưu lo lắng.
Sau khi nhận được thông tin các nhà máy thủy điện cùng lúc xả lũ, người dân ở các xã vùng trũng thấp của huyện Đại Lộc đã tìm cách đưa gia súc, gia cầm lên núi để tránh trú, chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ để “ứng phó” lũ.
Đang dẫn bò lên núi, ông Nguyễn Văn An (48 tuổi), ở xã Đại Hưng nói với phóng viên báo Tiền Phong: “Sau khi nhận thông tin của chính quyền về việc thủy điện xả lũ, vợ chồng tôi nhanh chóng đưa hết đàn bò, mấy con gà lên núi trú ẩn. Không biết nước lũ sẽ đổ bộ về khi nào, nhưng phải lo cho đàn gia súc, gia tài có giá nhất hiện nay của gia đình.”
Tin cho biết, hiện khu vực đoạn cầu Ba Khe 3, trục đường giao thông chính nối liền các xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Hưng… hiện đã bị ngập sâu đến 1 mét. Giao thông ách tắc nghiêm trọng và tái diễn cảnh người dân dùng xe kéo để làm “dịch vụ” vận chuyển người, xe qua đoạn ngập ở xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn.
Ở huyện trung du Nông Sơn, tình trạng cũng tương tự với hàng loạt tuyến đường đang bị ngập lụt khiến nhiều nơi bị cô lập. Một số xã vùng tây như Quế Lâm, Phước Ninh, Quế Ninh… bị nước chia cắt các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Trong khi đó, ít nhất 6 ngôi nhà ở xã Đắc Pre, huyện Nam Giang,đã bị sụt lở hơn một nửa diện tích, buộc lực lượng cứu hộ phải hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp. Sạt lở cũng diễn biến phức tạp tại các huyện miền núi cao Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang… (Tr.N)
No comments:
Post a Comment