Wednesday, November 2, 2016

Nợ công Việt Nam: Làm ra 1 đồng, nợ 3 đồng

Một người gánh hàng bán rong trên đường phố Hà Nội. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – “Bóc ngắn, cắn dài” là hoàn cảnh của chế độ Hà Nội khi người ta thấy nó qua báo cáo của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội CSVN khiến thâm thủng ngân sách ngày càng nặng.
Theo “Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020” của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội được một số báo tại Việt Nam thuật lại thì “do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc Hội đề ra.”
Nợ công tính đến năm 2015 là 2,608,000 tỷ đồng, bằng 62.2% GDP. Tuy “vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18.4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP…” Báo Diễn Đàn Đầu Tư tường thuật và viết là “Tỉ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39.3% năm 2011 lên 50.3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ chính phủ/GDP năm 2015 là 50.3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).”
Bản báo cáo kêu rằng “Đây chính là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.”
Tháng trước, ngày 11 Tháng Mười, 2016, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dựa theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài Chính viết rằng “Đến hết 30 Tháng Chín, chính phủ đã huy động 250,320 tỷ đồng (hơn $11 tỷ) trái phiếu, vay vốn nước ngoài quy đổi khoảng $4.88 tỷ… bội chi ngân sách chín tháng đã vượt 152,200 tỷ đồng, bằng 59.9% so với dự toán năm.”
“Để có tiền chi tiêu, nhà nước CSVN vay ngang vay dọc qua nhiều ‘kênh’ khác nhau, khi gộp lại, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), 9 tháng Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỷ USD,” tờ TBKTVN viết.
Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới (WB), nợ công của Việt Nam sẽ lên tới hơn 64% GDP, vượt xa mức $117 tỷ vào hồi cuối năm ngoái.
Những gì mới được nêu ra trong bản báo cáo ở quốc hội ngược với hình ảnh khả quan được nêu ra trong “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm năm 2016-2020” thấy đăng tải ngày 23 Tháng Tư, 2016, trên trang mạng chinhphu.vn. Trong đó đã khoe rằng “Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định” và “Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên.”
Đầu tháng trước, ngày 1 Tháng Mười, 2015, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đưa ra bản “Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Tháng Chín và 9 Tháng Năm 2015” khoe rằng về tình hình kinh tế vĩ mô “Nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây: tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước; tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm đạt 6.5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước.”
Trước thực trang “mất cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm,” ngày càng nguy ngập hơn, người ta không khỏi ngạc nhiên khi chế độ Hà Nội vẫn đưa ra những dự án đòi hỏi những ngân khoản khổng lồ.
Cuối Tháng Tám vừa qua, chế độ Hà Nội loan báo “Tái khởi động nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc” có thể lên trăm tỷ đô la. Tháng trước, Bộ Giao Thông Vận Tải của chế độ đệ trình dự án đường lộ cao tốc bắc nam với ước tính bây giờ khoảng 230,000 tỷ đồng hay hơn chục tỷ đô la.
Đó là chưa kể đến dự án phi trường Long Thành và một số dự án khác nhỏ hơn mà người ta biết, chế độ Hà Nội phải đi vay nước ngoài để thực hiện trong khi tình trạng nợ công đã ngập đầu, năm nào cũng phải vay thêm nợ mới để “đảo nợ.” (TN)

No comments:

Post a Comment