Thursday, September 15, 2016

Khi nào bỏ đảng mới trở thành phong trào?



Phạm Chí Dũng
Theo VOA-15.09.2016
Khách quan mà nói, đảng cầm quyền ở Việt Nam đã thành công còn nước còn tát trong việc níu chân đảng viên bất mãn chế độ cho tới thời điểm này, ngoại trừ vụ Trịnh Xuân Thanh chủ động ra đảng vì “không còn tin cậy đồng chí Tổng bí thư” như một trường hợp ngoại lệ.
Thành công còn nước còn tát
Nếu lấy mốc thời gian từ đầu năm 2013 là lúc bùng nổ phong trào Kiến nghị 72 với khá nhiều nhân sĩ, trí thức xuất thân từ lòng đảng đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp để chuyển sang đa đảng, một số ít người dám công khai từ bỏ đảng đã chỉ làm nên một bức tranh ly khai phơn phớt. Con số từ bỏ quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng đã phản ánh tâm thế e ngại và e sợ vẫn bao phủ trong tâm não tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù nhiều người còn giữ thẻ đảng thừa nhận đã quá chán ngán chế độ chính trị và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Đợt từ bỏ đảng đồng loạt và ấn tượng nhất đã chỉ diễn ra vào cuối năm 2013 với 3 đảng viên, sau đó là rời rạc từng người. Rất nhiều văn bản chỉ thị và công văn lẻ chỉ đạo lẫn “vận động” của các cấp ủy đảng từ trung ương xuống địa phương đã bó chân những đảng viên chỉ chực chờ thoát khỏi vòng kim cô.
Thậm chí còn xuất hiện một hiện tượng khó tưởng tượng nếu xảy ra cách đây mười năm: bất chấp một quy định của Điều lệ đảng về việc đảng viên sẽ bị khai trừ nếu không đóng đảng phí trong 3 tháng liên tiếp, một số chi bộ địa phương sẵn sàng “tạm ứng” hoặc đóng luôn đảng phí của đảng viên, chỉ với điều kiện là đảng viên không đòi rút tên khỏi danh sách sinh hoạt đảng nơi cư trú.
Cho tới nay, công tác “vận động” vẫn tỏ ra hiệu quả tương đối với một số đảng viên “không biết nên ra hay nên ở”. Cứ thấy đảng viên nào có biểu hiện “dao động tư tưởng” cấp ủy cơ quan hoặc cấp ủy địa phương lại tổ chức một đoàn đại biểu, có thể cả với thành phần “ủy viên” là công an, đến “làm việc” theo phương châm “vừa đấm vừa xoa”. Thể loại răn đe vừa kín đáo vừa lộ liễu luôn theo cách “Ông rút tên thì không sao, nhưng cũng phải biết nghĩ cho tương lai con cái mình chứ!”.
Có những đảng viên chẳng mấy quan tâm đến sổ hưu (vì trong thực tế chẳng có quy định nào tước sổ hưu của những người bỏ đảng, và cũng bởi những đảng viên này đã có cuộc sống đủ sung túc sau thời làm quan), nhưng cứ nghe đến chuyện “con cái chúng ta” là lập tức từ bỏ ngay ý định từ bỏ đảng.
Hiển nhiên, một trong những lý do chính mà nhiều đảng viên không dám công khai, kể cả âm thầm từ bỏ đảng là lo sợ bị chính quyền gây áp lực hoặc trả thù. Khi thấy kết quả thuyết phục và “giáo dục tư tưởng” không ăn thua, cấp ủy đảng và cơ quan chính quyền liền gây áp lực bằng cách đe dọa cắt bớt chế độ hưu trí, gây khó khăn về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chế độ hộ khẩu… Nhưng thường nhất là chính quyền và công an gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng, đặc biệt về công ăn việc làm. Đó là nguyên do chủ yếu để những người muốn bỏ đảng phải chấp nhận bỏ đảng trong âm thầm, bị khai trừ hoặc chưa dám ra đảng.
Cũng bởi thế, từ đầu năm 2016 đến nay mới có hai trường hợp công khai bỏ đảng là giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội và cựu giám đốc Sở Tư pháp TP HCM là ông Võ Văn Thôn.
Trong khi đó, “Nhóm 61” - một nhóm đa phần là đảng viên đã một số lần gửi kiến nghị về “chỉnh đảng” cho Bộ Chính trị và yêu cầu được gặp để đối thoại, nhưng lại chưa hề được các nhân vật tai to mặt lớn như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng (thời còn là thủ tướng), Trương Tấn Sang (thời còn là chủ tịch nước)… hồi âm lần nào - vẫn chưa thể hiện thái độ dứt khoát rời xa bến cũ dù đã có vài lần dự tính “làm một cuộc ra đảng tập thể”.
Đủ cách thoái đảng và bất lực của chính quyền
Khá tương đồng với hiện tình đảng viên cộng sản Trung Quốc, tình trạng xa rời đảng ở Việt Nam không phải chủ yếu là công khai tuyên bố bỏ đảng, mà nằm ở dạng “thoái đảng”. Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí khi âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về chi bộ nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy được “nhắc nhở” thì coi như không sinh hoạt đảng và tự nhiên “ra đảng”.
Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngoài cùng gia đình, đã tha thiết và nằng nặc xin đảng xóa tên mình…
Năm 2013, con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn trước đây nhiều và còn chưa tới đáy.
Tỷ lệ trên cũng khá tương đồng với hiện tình Trung Quốc. Vào năm 2013, một phụ trương của tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - đã báo động về thực trạng có đến 30 triệu trong tổng số hơn 80 triệu đảng viên nước này “suy thoái tư tưởng” và cảnh cáo “sẽ không giữ”.
Tuy nhiên, những câu chuyện truyền miệng của nhiều đảng viên hưu trí và cả đảng viên đương chức cho biết càng về sau này, hậu quả đến với những người bỏ đảng hoặc muốn bỏ đảng càng nhỏ. Nếu trước đây chỉ mới manh nha ý tưởng ra đảng thì đã bị cấp ủy hoặc thi hành khiển trách hoặc cảnh cáo đảng, gần đây áp lực tấn công người bỏ đảng đã giảm đi khá nhiều.
Tổng hợp tình trạng của những người công khai bỏ đảng trước đây, chẳng hạn như nhà báo Kha Lương Ngãi ở TP HCM - nguyên Phó tổng biên tập tờ báo đảng Sài Gòn Giải Phóng - có thể thấy áp lực của chính quyền và công an chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nếu người bỏ đảng tỏ ra cương quyết và không sợ sệt. Khi đó, những thủ đoạn gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng cũng giảm dần và sau đó mất hẳn, theo đúng phương châm “mềm nắn rắn buông”.
Cũng gần đây, phản ánh của một số trường hợp bỏ đảng cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân đã giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an cũng muốn công khai bỏ đảng. Còn với nhiều người thoái đảng, chính quyền gần như bất lực.
Một trong những phương cách hữu hiệu cuối cùng của đảng để răn đe đảng viên chỉ còn dựa vào một thứ luật bất thành văn của đảng: không có đảng viên ra đảng, chỉ có đảng viên bị khai trừ.
Theo đó, những trường hợp đảng viên tỏ ý kiên quyết ra đảng, và nếu đảng không “giáo dục” được thì sẽ được đối xử bằng một quyết định khai trừ đảng.
Khi nào bỏ đảng trở thành phong trào?
Căn cứ vào thực tế tâm lý đảng viên ở Việt Nam, một làn sóng bỏ đảng có thể phát triển thành tính phong trào có thể chỉ diễn ra trong hai trường hợp chủ yếu:
Hoặc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng và kéo theo sự sụp đổ của các quỹ an sinh xã hội như Quỹ hưu trí, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Khi đó, chẳng cần ai phải vận động, hàng triệu đảng viên về hưu cũng sẽ “xuống đường”. Cho tới nay, khả năng vỡ các quỹ này đang lớn dần khi trong những năm qua Chính phủ đã phải vay mượn tiền từ các quỹ an sinh để “bù đắp khó khăn ngân sách”, mà thực chất là để trám vào lỗ hổng bội chi toang hoác do tham nhũng và lãng phí gây ra. Nếu trong tương lai vài ba năm tới mà Chính phủ không có đủ tiền, hoặc không in đủ tiền, để trả nợ cho các quỹ an sinh xã hội, hậu quả sẽ hiện thực hóa: nhiều cán bộ hưu trí bước vào phòng phát lương hưu ở ủy ban nhân dân phường xã và tận mắt chứng kiến két sắt trống rỗng. Do vậy, không quá quắt để dân gian chuyển vè từ “còn đảng còn tiền” thành “còn tiền còn đảng”.
Hoặc diễn ra một cuộc tự tách đảng Cộng sản, có thể trở về tên gọi cũ là đảng Lao động hoặc thậm chí lấy lại hai cái tên từng bị đảng Cộng sản kỳ thị là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Khi đó, nhiều đảng viên sẽ “nhân cơ hội” để tự nhiên ra khỏi đảng Cộng sản, trong khi một số khác, có lẽ không nhiều, sẽ “xin nghỉ” sinh hoạt trong đảng Cộng sản để chuyển sang đầu quân cho đảng mới hoặc những đảng mới. Cho tới nay, khả năng này đã bắt đầu mang mầm mống và không loại trừ đang kết tụ bằng một lực lượng nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền.
Vụ Trịnh Xuân Thanh “trở cờ” ra đảng vào năm 2016 và thậm chí còn có hơi hướng nhảy sang “dân chủ nhân quyền” có thể được xem như một chỉ dấu đặc biệt cho xu hướng “tách đảng” - có thể bất ngờ phát ra trong năm 2017.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment