Thursday, September 15, 2016

Ngành thuế 'trịch thượng', 'cần được giáo dục lại'

Nhiều viên chức ngành thuế vẫn hành xử như “ông.” (Hình: TBKTSG)
ÐỒNG NAI (NV) – Ðề nghị ‘giáo dục lại nhân viên’ ngành thuế được nêu ra tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ðồng Nai với đại diện 500 doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh này để nghe góp ý về ngành thuế.
Ðại diện công ty Việt Ðức nhận định, thái độ và cách hành xử của viên chức ngành thuế với đối tượng nộp thuế vẫn “rất tệ” và vì vậy, ngành thuế cần phải “giáo dục lại cán bộ nhiều hơn nữa.” Ðại diện của công ty Hải Nam, tiếp lời rằng, đây là chuyện đã được nêu ra từ lâu nhưng vẫn chẳng có thay đổi nào cả.
Ðại diện nhiều doanh nghiệp tiếp tục than phiền về sự trịch thượng của viên chức ngành thuế, luôn luôn bắt đại diện doanh nghiệp đến tận nơi để “hầu” chứ không chịu giải đáp thắc mắc qua điện thoại. Khi cần gặp gỡ, trao đổi trực tiếp thì đi lại năm, bảy lần mà vẫn chưa xong việc.
Cục trưởng Cục Thuế Ðồng Nai thú thật rằng, đúng là vẫn còn nhiều thuộc cấp của mình hành xử như “ông.” Những so sánh giữa ngành thuế Ðồng Nai và ngành thuế Ðà Nẵng, thắc mắc tại sao ngành thuế Ðà Nẵng hoạt động hiệu quả hơn, tôn trọng đối tượng nộp thuế hơn được cục trưởng Cục Thuế Ðồng Nai giải thích là vì Ðà Nẵng ít doanh nghiệp hơn và vì chính quyền Ðà Nẵng hỗ trợ tốt cho cả ngành thuế lẫn doanh giới tốt hơn.
Cần nhắc lại rằng, tuy đã thực hiện “cải cách thủ tục hành chính” suốt hai thập niên nhưng cuối năm 2014, khi công bố “Doing Business 2015” (khảo sát thường niên về môi trường kinh doanh toàn cầu) Ngân Hàng Thế Giới xác định, tại Việt Nam, mỗi năm, doanh nghiệp mất đến 872 tiếng cho chuyện nộp thuế. Ðiểm cho “nộp thuế” (một trong tám yếu được WB chọn làm tiêu chí để xếp hạng môi trường kinh doanh) của Việt Nam tiếp tục giảm, bởi nhiều yếu tố quan trọng khác (vay vốn, khởi nghiệp, bảo vệ giới đầu tư thiểu số, giao thương xuyên biên giới) cũng giảm nên thứ hạng của Việt Nam trong “Doing Business” tiếp tục tụt từ 78/189 hồi năm 2014 xuống 93/189 trong năm 2015.
Vào thời điểm đó, ông Olin McGill – một chuyên gia của USAID (Cơ quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ) được cử đến Việt Nam để hỗ trợ dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện,” từng công bố một thống kê, theo đó, do thủ tục rườm rà về thuế và xuất cảng, mỗi năm, Việt Nam thất thu thương mại khoảng 17 tỉ Mỹ kim, trong xuất cảng, Việt Nam bị thất thu hơn 19 tỉ Mỹ kim. Tổng cộng thất thu thương mại do Việt Nam muốn trở thành “vô địch về những yêu cầu liên quan tới giấy tờ” khoảng 37 tỉ Mỹ kim.
Ðến năm 2015, Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Việt Nam (VCCI) thực hiện một cuộc khảo sát riêng về ngành thuế của Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát này cho người ta thấy mọi thứ vẫn thế. Có nghĩa là vẫn còn ít nhất khoảng 1/3 doanh nghiệp tại Việt Nam phải dùng tiền lót tay cho các viên chức ngành thuế khi họ… nộp thuế.
Theo kết quả cuộc khảo sát vừa kể thì 32% trong số 2,542 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát, xác nhận họ vẫn tiếp tục phải “trả chi phí không chính thức” cho viên chức ngành thuế khi… nộp thuế. Có tới 40% doanh nghiệp tin rằng, nếu không lót tay, họ sẽ bị làm khó dễ.
Gần đây, WB công bố “Doing Business 2016,” theo đó, thứ hạng của Việt Nam từ 93/189 năm 2015 tăng lên ba bậc thành 90/189. Tuy nhiên đó là vì môi trường kinh doanh của một số quốc gia khác tệ hơn chứ không phải do môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. WB cảnh báo, dẫu Việt Nam đã dẫn đầu Châu Á về tỉ trọng thuế/lợi nhuận nhưng trong vài năm nay, nhiều sắc thuế tại Việt Nam đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã phải đóng cho nhà nước đến 40% lợi nhuận.
Tuy chính quyền Việt Nam liên tục thề thốt, hứa hẹn cải thiện môi trường kinh doanh song môi trường kinh doanh tại Việt Nam không những không có chuyển biến nào tích cực mà càng ngày càng tồi tệ. (G.Ð)

No comments:

Post a Comment