SÀI GÒN (NV) – Ðó là nhận định của Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn khi được yêu cầu báo cáo về tình trạng ô nhiễm của thành phố này.
Nhận định vừa kể không có gì mới. Ðiểm mới nằm ở chỗ tình trạng ô nhiễm của Sài Gòn càng ngày càng tồi tệ.
Trong thập niên vừa qua, tình trạng và mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nguồn nước ở Sài Gòn càng lúc càng nghiêm trọng.
Một báo cáo do Trung Tâm Quan Trắc và Phân Tích Môi Trường thuộc Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn công bố hồi cuối năm ngoái năm ngoái, nhấn mạnh, 50% giá trị quan trắc (theo dõi, đo đạc) không đạt quy chuẩn Việt Nam, nguy hại cao cho sức khỏe con người.
Nồng độ bụi trong không khí tại tất cả các trạm quan trắc đều vượt gấp đôi quy chuẩn Việt Nam. Tương tự, nồng độ carbon monoxide – một loại khí độc trong không khí tiếp tục tăng đều đặn. Mức độ ô nhiễm do tiếng ồn thì đã vượt xa giai đoạn 2010-2014. Ðó cũng là lý do sương mù ở Sài Gòn càng ngày càng thường xuyên. Có những thời điểm, sương mù dày đặc trùm lên Sài Gòn cho đến trưa. Ðài Khí Tượng-Thủy Văn khu vực Nam Bộ, cảnh báo, đó không phải là do thời tiết mà vì không khí bị ô nhiễm.
Chất lượng nước ở hệ thống sông rạch giảm đáng kể. Hàm lượng vi sinh vật, Coliform đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Chất lượng nước tại các điểm cấp nước cũng giảm. Những chỉ tiêu trong nước – đe dọa sức khỏe của người sử dụng – như: pH, COD, BOD, độ mặn… đều tăng từ 50% đến 83% các điểm quan trắc. Còn chỉ tiêu DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật trong nước) thì lại giảm tới 83%.
Trong bối cảnh như vừa kể, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn, bồi thêm rằng ô nhiễm sẽ trầm trọng hơn do rác. Lượng rác mà Sài Gòn thải ra khoảng 8,000 m3/ngày nhưng các trạm trung chuyển rác vừa thiếu, vừa không đạt yêu cầu. Chỉ có 5/31 trạm đạt chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo và 13 trạm tạm đều có vấn đề.
Bà Mỹ bảo rằng, mỗi năm, lượng rác phát sinh thêm khoảng 5%. Chôn lấp tới 76% là một tỉ lệ quá lớn và ảnh hưởng bất lợi cho môi trường (làm đất nhiễm độc, phát tán mùi hôi-ô nhiễm không khí), lãng phí đất. Do ô nhiễm hoặc đã đầy nên đã phải đóng một số bãi chôn lấp rác. Hai khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở Bình Chánh và Củ Chi thì hoạt động cầm chừng vì chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn chưa tổ chức được việc phân loại rác tại nguồn (phía thải rác tự phân loại rác trước khi rác được thu gom).
Cũng theo Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn thì ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp vẫn khó có thể ngăn chặn vì thiếu hệ thống xử lý nước thải cho cả các khu dân cư lẫn khu công nghiệp. Theo qui hoạch, lẽ ra Sài Gòn phải có 12 nhà máy xử lý nước thải nhưng vào lúc này chỉ mới có nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng hoạt động với công suất 141,000 m3/ngày. Tương tự chỉ mới có 30% trong số 830 nguồn thải công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment