Friday, June 24, 2016

Khai thác titan hủy diệt miền Trung vẫn được cấp phép

HÀ NỘI (NV) - Giới hữu trách tại Việt Nam vừa kết luận công ty Tân Quang Cường, chủ đầu tư mỏ titan Suối Nhum không có sai phạm nào vì toàn bộ hoạt động khai thác đều đúng với giấy phép được cấp.

Kiểm tra hậu quả của chuyện vỡ hồ hồ chứa nước tuyển quặng titan của công ty Tân Quang Cường. (Hình: Báo Bình Thuận)

Tuy nhiên hậu quả của việc hồ chứa nước tuyển quặng titan của công ty Tân Quang Cường thì vẫn còn đó. Do hồ này nằm trên một đồi cát cao 50 mét, khi vỡ nước đã khoét ngọn đồi thành một khe rộng ba mét, sâu 2.5 mét, dài 350 mét. Nước bẩn và bùn không chỉ làm hư hại nhiều căn nhà mà còn phủ kín một khu vực rộng lớn, khiến một đoạn bờ biển dài bị vẩn đục...

Trong vòng năm năm gần đây, riêng tại Bình Thuận có năm vụ hồ chứa nước tuyển quặng titan bị vỡ. Ngoài những thiệt hại như đã kể, khai thác titan tại các tỉnh phía Nam miền Trung Việt Nam (Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định) đang kéo theo vô số hậu quả khôn lường.

Chẳng hạn tại Bình Thuận - nơi trữ lượng titan được xác định là khoảng 600 triệu tấn. Tuy chỉ mới khai thác chừng một triệu tấn nhưng theo các chuyên gia, hoạt động khai thác titan đã hủy hoại nghiêm trọng cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp và kinh tế-xã hội.

Viện Khoa Học và Công Nghệ Mỏ-Luyện Kim của Việt Nam từng kết luận, các dự án khai thác titan ở một số tỉnh ven biển miền Trung đã hủy diệt các rừng phòng hộ ven biển, làm địa hình các cồn cát bị biến đổi, tạo thành các hố sâu và đụn cát mới mà do tơi xốp nên xuất hiện hiện tượng cát bay (giống như bão cát nhưng qui mô nhỏ), phủ lấp thảm thực vật, sa mạc hóa ruộng vườn.

Khai thác titan cũng là một trong những lý do khiến nhiều đoạn bờ biển bị xói lở, nhiều ngôi làng ven biển bị đe dọa xóa sổ. Chỉ trong năm nay đã có 70 gia đình bị mất nhà vì biển xâm thực.

Khai thác titan cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm suy giảm khiến sinh hoạt của dân cư bị xáo trộn. Chưa kể, khai thác - chế biến - vận chuyển titan còn phát tán các chất phóng xạ, nguy hại cho sức khỏe con người. Kết quả đo đạc phóng xạ tại một số mỏ titan ở Bình Thuận và Bình Định cho thấy, cường độ phóng xạ trong cát thải ra sau khi tuyển quặng vượt ngưỡng cho phép so với tiêu chuẩn an toàn phóng xạ từ 4 đến... 70 lần!

Đáng nói là các doanh nghiệp khai thác titan không thực hiện cam kết hoàn thổ, trả lại thảm thực vật nhưng chẳng sao cả.

Chẳng riêng các chuyên gia mà nhiều viên chức của chính quyền các tỉnh phía Nam miền Trung Việt Nam đều đã nhiều lần khuyến cáo nên ngưng cấp giấy phép khai thác titan song Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam và giới lãnh đạo các tỉnh này vẫn làm ngơ.

Mới đây, trong một cuộc trò chuyện vời tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Sơn, cựu chuyên gia của Tập Đoàn Than - Khoáng Sản Việt Nam, lưu ý thêm, giá titan đang tiếp tục giảm. Với giá đó, không thể thực hiện các biện pháp song hành với khai thác titan để giảm thiểu tác động nguy hại cho môi trường.

Tuy nhiên đó không phải là vấn đề mà những cá nhân tham gia vào tiến trình cấp giấy phép khai thác titian quan tâm. Đó cũng là lý do khiến nhiều vùng tại Bình Thuận tan hoang.

Hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát ở Bình Định - vốn trù phú vì vừa vừa đánh cá vừa làm ruộng, trở thành xơ xác, tiêu điều. Cho dù hồi đầu năm 2014, hàng ngàn nông dân xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận biểu tình liên tục trong cả tuần để phản đối chính quyền tỉnh Ninh Thuận cho một công ty có tên là Quang Thuận - Ninh Thuận khai thác titan trở lại, đánh trả lực lượng trấn áp, khiến 6 sĩ quan công an bị trọng thương.


Sợ một cuộc bạo động tương tự, một viên phó chủ tịch tỉnh Bình Định, tuyên bố: “Sẽ không gia hạn cho bất cứ doanh nghiệp nào tiếp tục khai thác titan vì dân kêu ca nhiều lắm. Tỉnh đã chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thổ và trồng rừng. Phải phục hồi toàn bộ rừng phòng hộ ven biển để khôi phục môi trường, có như vậy mới an dân!” (G.Đ)

24-06-2016 5:24:27 PM 

No comments:

Post a Comment