Wednesday, June 1, 2016

Ý kiến: Sau cơn sốt Obama, cần ‘nối vòng tay lớn’

Angelina Trang Huỳnh 

Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Washington DC 6 giờ trước

Image copyrightGETTY IMAGES
Rời Việt Nam, Tổng thống Obama đã bày tỏ cảm xúc qua câu nói ấm lòng cho bất cứ ai là người Việt: “Sự thân thiện của người Việt chạm tới trái tim tôi.”
Và ngược lại, chính Tổng thống Obama đã chạm tới trái tim của biết bao người Việt Nam qua bài diễn văn, những chia sẻ và qua cung cách của ông. Dấu ấn quá mạnh mẽ này đã trở thành “cơn sốt Obama” trong tuần qua.
Như bao nhiêu diễn biến khác, cơn sốt Obama rồi cũng phải hạ nhiệt. Và chúng ta có thể nhận ra trong cơn sốt đó có những điều đáng suy gẫm.

Xã hội dân sự: Cuộc đối đấu giữa "lề trái" và "lề phải"?

Thành phần mà Tổng thống Obama để lại ấn tượng sâu sắc và có lẽ lâu dài nhất chính là giới trẻ đang hoạt động trong xã hội dân sự “lề phải" và các thành phần trẻ thuộc chương trình YSEALI mà Tổng thống Obama đã tiếp xúc.
Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) là chương trình do Tổng thống Obama đề xướng vào năm 2013 nhằm quy tụ giới trẻ có tiềm năng lãnh đạo trong vùng Đông Nam Á. Riêng Việt Nam, YSEALI có đến 13.000 thành viên.
Từ xã hội dân sự “lề phải" được tạm dùng ở đây, vì lâu nay đối với giới hoạt động dường như chỉ có một cách để mô tả xã hội dân sự tại Việt Nam.
Xã hội dân sự “lề trái", hay cũng thường gọi là xã hội dân sự độc lập được dùng để nói về phong trào dân chủ với những nhóm, hội được thành lập và tồn tại hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Trong khi đó xã hội dân sự “lề phải" là của nhà nước, bao gồm những đoàn thể, hội nhóm được nhà nước điều động.
Hình ảnh trắng đen đó được tô đậm khi chúng ta ít quan tâm đến những hoạt động của các nhóm xã hội dân sự ‘lề phải”, cho đến khi Tổng thống Obama có mặt tại Việt Nam.
Image copyrightJIM WATSON AFP GETTY IMAGES
Image captionMột số nhà hoạt động dân sự đã bị chặn, không cho tới dự cuộc họp với Tổng thống Obama tại Hà Nội
Theo dõi các tiếp xúc của Tổng thống Obama với những đại diện của các xã hội dân sự hôm 24/5 tại Hà Nội (rất tiếc những đại diện của xã hội dân sự độc lập đã bị nhà nước ngăn chặn) và với giới trẻ YSEALI tại Sài Gòn ngày 25/5, hình ảnh trắng đen đó đã trở nên đầy màu sắc đa dạng.
Nếu trên một biểu đồ về loại hình tổ chức, các tổ chức xã hội dân sự độc lập nằm ở một cực. Họ hoạt động độc lập và công khai đối đầu với guồng máy cai trị và vì vậy phải chịu nhiều trù dập.
Cũng chính vì thế nên thông điệp nhân quyền của phong trào rõ rệt và được quốc tế, trong đó có chính giới, các tổ chức nhân quyền quốc tế và truyền thông quan tâm và cổ võ. Họ thành công trong việc khai dụng mạng xã hội để vạch trần những sai trái về chính sách và những vi phạm nhân quyền của lãnh đạo Hà Nội.
Ở cực kia là những tổ chức khổng lồ thuộc Mặt Trận Tổ Quốc như Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Đoàn Thành Niên Cộng Sản, Hội Nông Dân Việt Nam v.v. Không thể coi đó là những xã hội dân sự, vì trên thực tế, nó là những công cụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam để kiểm soát xã hội.

Liệu có thể đi giữa hai lề?

Điều đáng chú ý là giữa hai cực đó ước tính có hàng chục ngàn nhóm dân sự và tổ chức hoạt động.
Image copyrightGETTY IMAGES
Image caption"Các câu trả lời của Tổng thống Obama cho các câu hỏi các bạn trẻ đặt ra đều hướng về những giải pháp chính trị"
Đây là thành phần có nhiều tiềm năng và không luôn luôn là công cụ của nhà nước.
Họ hoạt động trong nhiều lãnh vực như xoá giám đói nghèo, người đồng tính, người khuyết tật, môi trường, lao động trẻ em… và những hoạt động nhằm nâng cao sự tham gia của người dân. Đa số các nhóm đều mang tính cách cung cấp dịch vụ cho người dân ở cấp địa phương hay liên quan đến nghiên cứu, nhưng không mang tính cách ảnh hướng đến chính sách quốc gia.
Một số tổ chức hoạt động chặt chẽ và đăng ký theo pháp luật, nhưng cũng có nhiều hội nhóm hoạt động mang tính cách cộng đồng, lỏng lẻo và không đăng ký.
Nói chung là sinh hoạt của các nhóm, đoàn thể này đa dạng. Có những nhóm do chính người Việt Nam lập ra với nguồn tài trợ từ các địa phương tự lực đóng góp. Có những nhóm là chi nhánh của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, hoặc những nhóm Việt Nam hoạt động với nguồn tài trợ quốc tế.
Một trong những tổ chức gặp Tổng thống Obama là Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG). Đây là một ví dụ tiêu biểu của một tổ chức nằm ở khoảng giữa, chịu ảnh hưởng từ nhiều phía.
Theo trang mạng PPWG, tổ chức này là “một mạng lưới bao gồm các tổ chức và giới chuyên môn – ví dụ như các nhà tài trợ, đại diện của các cơ quan chính phủ, đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO), và các nhà nghiên cứu – cùng trao đổi thông tin và ý tưởng về các vấn đề liên quan đến sự tham gia của người dân, thể chế dân chủ và xã hội dân sự.” Được thành lập vào năm 1999, PPWG đóng vai trò cung cấp thông tin và tư vấn cho nhà nước Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế.
Dù PPWG phải chịu nhiều ràng buộc từ phía nhà nước, họ cũng được ảnh hưởng và ràng buộc không kém bởi các nhà tài trợ quốc tế. Họ được tiếp cận và huấn luyện về những phương cách làm việc từ giới quốc tế. Xem qua các tài liệu được PPWG và những nhóm như iSEE thực hiện, chúng ta thấy rõ khả năng, sự chuyên nghiệp và phần nào đó sự độc lập của giới này.
Image copyrightGETTY IMAGES
Theo dõi cuộc tiếp xúc của Tổng thống Obama với giới trẻ YSEALI, chúng ta nhìn thấy những người trẻ có khả năng và hơn hết, có tư duy độc lập.
Có dư luận chỉ trích những người trẻ này, coi họ chỉ là những “con rối” của chế độ, vì không quan tâm đến nhân quyền hoặc vụ việc đang nóng liên quan đến môi trường biển ô nhiễm làm cá chết hàng loạt.
Tuy nhiên, nếu để ý, những câu hỏi như làm sao tránh bị tình trạng chảy máu chất xám, làm sao để giới trẻ quan tâm và đóng góp cộng đồng, tầm quan trọng của việc một quốc gia khuyến khích sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật, vấn đề cứu Sơn Đoòng v.v. đều cho thấy đây là thành phần có tư duy độc lập và quan tâm.
Liên quan đến câu hỏi về hiểm hoạ môi trường tại miền Trung một thành viên YSEALI đã dự định đặt câu hỏi này, nhưng bị an ninh Việt Nam bắt đi khi xếp hàng để vào hội trường tham gia buổi hội luận với Tổng thống Obama.
Và hẳn nhiên, các câu trả lời của Tổng thống Obama cho các câu hỏi các bạn trẻ đặt ra đều hướng về những giải pháp chính trị. Những thông điệp mạnh mẽ từ Tổng thống Obama cũng như cung cách của ông đã để lại cho các bạn trẻ này những suy ngẫm đã được họ chia sẻ trên mạng xã hội.
Lướt qua các chia sẻ này, người ta sẽ thấy một thế hệ trẻ đang trăn trở với tình hình đất nước và những trăn trở đó đã được Tổng thống Obama tác động qua những trả lời rất tinh tế của ông.
Trở lại bức hình tổng thể về các hoạt động dân sự tại Việt Nam, thiết nghĩ ta cần nhìn thấy một số những tiềm năng đa dạng cần khai dụng. Nếu không, thật rất khó để ‘nối vòng tay lớn’ khi những bàn tay đang hết mình đóng góp cho xã hội và đất nước chưa có điều kiện để nắm chặt nhau.
Nói cách khác là Phong trào dân chủ cần nhìn xã hội dân sự “lề phải" qua làn kính muôn màu, công nhận những thành quả đáng kể của thành phần này, để nói lên nhu cầu liên kết giữ các thành phần quan tâm. Những nắm tay đó cần phải mở rộng.
Ngược lại, xã hội dân sự “lề phải" cũng cần nhìn sự sẵn sàng đối đầu trực diện của phong trào dân chủ như những bước cần thiết để nới rộng không gian chính trị cần thiết cho hoạt động dân sự và gạt bỏ những định kiến “phản động".
Tóm lại, Tổng thống Obama và người dân Việt Nam đã đến với nhau một cách thân thiện, không bị bất cứ lằn ranh nào cản trở. Sau cơn sốt Obama, làm sao chính người Việt Nam gạt bỏ định kiến với nhau để có những bước đi dài hơn, nhanh hơn tiến tới một đất nước tự do và tiến bộ.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà hoạt động nhân quyền và là thành viên của đảng Việt Tân, hiện đang sinh sống tại Washington DC.

No comments:

Post a Comment