Wednesday, June 1, 2016

Bốn lý do khiến ông Obama bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam

Thụy My 
Theo RFI- 01-06-2016 16:03 
media
Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội ngày 24/05/2016. REUTERS/Kham
 Trong chuyến viếng thăm Việt Nam ba ngày từ ngày 23 đến 25/05/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama đã loan báo việc bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, hơn bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc và 20 năm sau khi Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ.
Điều gì đã dẫn đến việc siết chặt quan hệ như thế đối với một cựu thù của Mỹ, vẫn tiếp tục là một chế độ độc đảng và bị chỉ trích về nhân quyền ? Chuyên gia Scott Warren Harold, phó giám đốc Trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức phi chính phủ RAND có trụ sở ở Hoa Kỳ nhận định, có ít nhất bốn yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của ông Obama.
Trước hết, dấu ấn trong chính sách đối ngoại của ông Obama là sáng kiến « xoay trục » sang châu Á-Thái Bình Dương. Chủ trương này là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng cho việc siết chặt hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Chính sách « tái cân bằng » chiếm toàn bộ nỗ lực của chính phủ, trong việc tìm kiếm mối quan hệ sâu rộng hơn với các đồng minh và đối tác châu Á, trong đó có các cường quốc bậc trung mới nổi như Việt Nam.
Trên con đường thực hiện « tái cân bằng », bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã đến thăm vịnh Cam Ranh của Việt Nam năm 2012 để ký kết thỏa thuận về cung ứng, hậu cần và dịch vụ sửa chữa. Tiếp đến, năm 2015, tổng thống Hoa Kỳ Obama đã tiếp đón tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng. Về cơ bản, chính quyền Obama đang tìm cách cải thiện quan hệ với Việt Nam, như là một phần trong nỗ lực vói tay đến khu vực này.
Thứ hai, quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam đi kèm với các cố gắng của Mỹ, nhằm cổ vũ Hà Nội nới lỏng những hạn chế về các quyền tự do dân sự. Bên cạnh đó là việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tiến hành các cải cách kinh tế mới (và hy vọng rốt cuộc dẫn đến cải cách chính trị) hướng về tính minh bạch, trách nhiệm và tôn trọng nhân quyền hơn.
Những bước đi này trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự, không chỉ giúp con đường dẫn đến quan hệ chính trị gần gũi với Washington trở nên êm ái hơn. Nó còn tạo điều kiện cho sự tham gia của Việt Nam, thích ứng với Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ và Việt Nam đã thương lượng với 10 nước thành viên Pacific Rim.
Một Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ về ngoại giao và các vấn đề an ninh, là một Việt Nam ít cảm thấy lo âu hơn về các mối đe dọa đối với chế độ, từ đó có thể bắt nguồn cho tự do hóa về kinh tế hay chính trị.
Thứ ba, chiến lược của Mỹ về cải thiện quan hệ chính trị với các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả các nỗ lực để xây dựng năng lực đối tác trong lãnh vực quân sự.
Theo truyền thống, quân đội của hầu hết các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, vốn chủ yếu là lục quân. Có nghĩa là họ thường thiếu khả năng giám sát một cách tinh vi những gì xảy ra trên mặt biển và trên không phận của mình.
Năm 2015, Lầu Năm Góc đã đưa ra sáng kiến hỗ trợ Việt Nam và Philippines 425 triệu đô la trong lãnh vực thông tin hàng hải (MDA) và tuần duyên. Điều này cho thấy những thiết bị quân sự đầu tiên sẽ được Hoa Kỳ bán cho Việt Nam có thể gồm các loại tàu, radar ven biển, các công cụ thông minh để giám sát và thám sát, kể cả thiết bị không người lái, có thể giúp Hà Nội có được những hình ảnh chính xác và nhanh chóng hơn về những gì xảy ra trên vùng biển mà mình đòi hỏi chủ quyền.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ có khuynh hướng sử dụng việc bán vũ khí không chỉ đơn thuần để có thêm thu nhập ; nhưng còn nhằm thiết lập dần mối quan hệ hợp tác an ninh, bao gồm việc bán phụ tùng và sửa chữa, cũng như cơ hội để trao đổi về giáo dục, huấn luyện và thực tập.
Tuy quan hệ có thể khởi đầu với việc bán hạn chế vũ khí ; nhưng theo với thời gian, có thể dẫn đến mối quan hệ quốc phòng rộng rãi hơn, cho dù Mỹ chưa bán các thiết bị quân sự quan trọng.
Cuối cùng, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí một phần còn do môi trường an ninh tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách hơn trong những năm gần đây, do láng giềng Trung Quốc dòm ngó đến Biển Đông. Đó là điều mà Hoa Kỳ ghi nhận và cảm thấy quan ngại, khiến Washington và Hà Nội cùng chia sẻ nhận thức về mối đe dọa.
Việc Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận những chỉ trích về hành động đưa giàn khoan đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam năm 2014, nhanh chóng xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa đã gây sốc cho Hà Nội, tạo nỗi lo sợ Trung Quốc có thể chuẩn bị cho các động thái khác, khiến Việt Nam phải trả giá.
Trong đó có thể kể nguy cơ Bắc Kinh loan báo thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, và trục xuất các lực lượng Việt Nam trên các thực thể đang trấn giữ ở Trường Sa.
Tuy việc Mỹ bán vũ khí dường như không nhằm răn đe Trung Quốc không nên tiến hành những biện pháp trên, nhưng rốt cuộc có thể giúp Việt Nam cải thiện công tác tình báo, nhanh chóng triển khai khi có sự kiện đột xuất, tăng cường quyết tâm và năng lực tự vươn dậy.
Chuyên gia Scott Warren Harold kết luận, quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí cần được hiểu như một phần của tiến trình lâu dài về bình thường hóa quan hệ với một cựu thù của Mỹ, xây dựng mối quan hệ hợp tác, năng động hơn về kinh tế và chiến lược hướng về tương lai.
Trong khi vấn đề nhân quyền vẫn còn tồn tại, việc bỏ cấm vận có thể khuyến khích cải cách thêm về kinh tế, và ngay cả về chính trị, thông qua việc nhấn mạnh đến hợp tác an ninh, là tiền đề của lợi ích khu vực và nhận thức chung về mối đe dọa từ các động thái của Trung Quốc.
Về lâu về dài, việc Mỹ bán vũ khí có thể giúp cải thiện quan hệ với Hà Nội, và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

No comments:

Post a Comment