Thu Hằng
Theo RFI- 01-06-2016 12:06
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cảnh báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông, 06/10/2015. REUTERS/David Gray/Files
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung sẽ diễn ra từ ngày 05 đến 07/06/2016 tại Bắc Kinh. Theo một cơ quan ngôn luận của nhà nước, Trung Quốc sẽ gây sức ép với Hoa Kỳ về các vấn đề hàng hải do quân đội Mỹ ngày càng tăng cường hiện diện trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo ra ngày 31/05/2016 trích dẫn nhiều quan chức giấu tên cho biết : « Bắc Kinh sẽ gây sức ép với Washington về các vấn đề hàng hải trong cuộc đối thoại sắp tới, vì sự tăng cường hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông là mối bận tâm lớn của Trung Quốc ». Ngoài ra, theo Reuters, nhiều chủ đề khác cũng sẽ đưa vào chương trình nghị sự của Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung.
Về phía Mỹ, bản thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, được AFP trích dẫn, cho biết : « Cuộc đối thoại sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội mà hai nước đang đối mặt » trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều khu vực. Cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung diễn ra dưới sự chủ trì của ngoại trưởng Mỹ John Kerry, bộ trưởng Tài Chính Jacob Lew và hai quan chức Trung Quốc là phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang) và ông Dương Khiết Trì (Yang Jie Chi).
Cuộc họp cấp cao sắp tới diễn ra vào đúng lúc mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng ở mức đỉnh điểm, đặc biệt do các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhân dịp này, ngoại trưởng Kerry cũng sẽ tham dự một cuộc họp thường niên nhằm tăng cường mối quan hệ Mỹ-Trung trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và thể thao.
Vấn đề Biển Đông cũng có thể là chủ đề nghị sự tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức vào ngày 03-05/06/2016 tại Singapore. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 31/05 thông báo, tướng Tôn Kiến Quốc (Sun Jian Guo), Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này tham dự Đối thoại Shangri-La.
Bắc Kinh đòi hỏi gần như hầu hết vùng Biển Đông, bất chấp các nước khác cũng có tranh chấp trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Từ nhiều tháng nay, Hoa Kỳ đã điều nhiều chiến hạm đến các khu vực gần các đảo đang nằm trong tầm kiểm soát của Trung quốc để đảm bảo « quyền tự do lưu thông hàng hải » trước việc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa trong khu vực.
No comments:
Post a Comment