Monday, March 14, 2016

Cuộc sống của những cựu binh Gạc Ma hiện nay ra sao?

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-03-14  
000_8Q3VV.jpg
Một cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 14 Tháng Ba năm 2016 nhằm đánh dấu kỷ niệm trận chiến Gạc Ma năm 1988 tại quần đảo Trường Sa.  AFP PHOTO
Ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc đã bất ngờ dùng vũ lực để cưỡng chiếm các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong trận chiến này phía Việt Nam mất 3 tàu vận tải, 64 chiến sĩ đã thiệt mạng và có 9 người bị bắt làm tù binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm được đảo Gạc Ma của Việt Nam.
Hồi ức lại trận đánh Gạc Ma năm xưa, từ Quảng trị cựu binh Trần Thiên Phụng nói với chúng tôi:
“Tôi là Trần Thiên Phụng, người đã tham gia trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Trận chiến Gạc Ma đó tôi thấy phía bên kia (Trung Quốc) có hỏa lực quá mạnh, trong lúc phía Việt Nam trong tay tấc sắt không có, vì thế anh em đồng đội của tôi đã hy sinh quá nhiều. Lúc ấy nhìn quân thù xả súng bắn vào đồng đội của mình, nhưng mình không được bắn trả, nên bây giờ vẫn bức xúc lắm.”
Trận chiến Gạc Ma đó tôi thấy phía bên kia (Trung Quốc) có hỏa lực quá mạnh, trong lúc phía Việt Nam trong tay tấc sắt không có, vì thế anh em đồng đội của tôi đã hy sinh quá  nhiều.
- cựu binh Trần Thiên Phụng
Sau khi được giải ngũ, những cựu binh anh hùng Gạc Ma ngày ấy đã trở về với cuộc sống đời thường, tùy theo số phận mà mỗi người có một cuộc sống khác nhau. Từ Hà tĩnh, nói về cuộc sống của những cựu binh Gạc Ma hiện nay, cựu binh Lê Hữu Thảo cho biết:
“Chỉ có một số ít gia đình có cuộc sống đầy đủ, còn hầu hết cuộc sống của anh em tôi hiện nay hết sức khó khăn. Về sức khỏe thì có rất nhiều người bị bệnh tật, có một số đã chết, người còn sống thì một số mắc bệnh hiểm nghèo và số còn lại thì sức khỏe cũng đã yếu. Gia đình các liệt sĩ thì bố mẹ cũng đã rất già yếu, rất là thương.”
Từ Quảng Bình, cựu binh Nguyễn Văn Thống, một thương binh trong trận đánh Gạc Ma, sau đó bị Trung Quốc bắt làm tù binh và đến tháng 8/1991 khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ thì được trả tự do. Nói về cuộc sống hiện tại và sự quan tâm của chính quyền, ông cho biết:
“Tôi là Nguyễn Văn Thống, người đã tham gia trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, tôi là một thương binh nặng ¼. Hiện nay cuộc sống của gia đình tôi nhận được 5 triệu đồng trợ cấp của nhà nước, nói chung cũng tạm ổn, song vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài phần nhà nước trợ cấp ra thì chính quyền địa phương họ cũng chả quan tâm mấy, cũng như những người khác thôi.”
Cuộc sống của cựu binh Trần Thiên Phụng cũng không khá hơn cuộc sống của những đồng đội của mình. Ông cho biết:
“Tôi bây giờ ở nhà phụ cho vợ bán bún, điều kiện như thế thì cuộc sống đủ sao được? Hiện tại bây giờ 2 vợ chồng làm nồi bún bán, nuôi 3 đứa con đi học. Tôi và gia đình không nhận được gì từ sự giúp đỡ của địa phương cả.”
Theo VNN online cho biết, ngày 13 tháng 3 năm 2015, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hoà. Điều này phần nào cũng đã đáp ứng được phần nào các ý nguyện của các cựu binh Gạc Ma.
Khi được hỏi về các ước nguyện của cá nhân mình.
000_8Q3VR.jpg
Mọi người thắp nhang tỏ lòng tôn kính với 64 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Trung-Việt tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Cựu binh Lê Hữu Thảo bày tỏ:
“Chúng tôi có nguyện vọng muốn nhận được sự quan tâm của xã hội về sự hy sinh và đóng góp của đồng đội chúng tôi, đồng thời dư luận xã hội cũng như thế hệ mai sau cần được biết nhiều hơn về sự hy sinh đó. Đây là sự hy sinh vì đất nước, vì tổ quốc. Vì thế mong muốn các chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ thực tế, như giúp cho con em họ có công ăn việc làm hoặc giúp đỡ cho thân nhân các gia đình đã có đóng góp.”
Cựu binh Trần Thiên Phụng cho biết nguyện vọng của mình. Ông nói:
“Tôi cũng như các đồng đội của tôi chỉ mong muốn một ngày nào đó, được trở lại chiến trường xưa. Đó là nguyện vọng lớn lao nhất. Hơn nữa để cho thế hệ sau họ biết mình đã bảo vệ tổ quốc thế nào, để họ biết bảo vệ tổ quốc của mình. Ngoài ra cũng mong khi tượng đài kỷ niệm Gạc Ma được xây dựng xong, thì chúng tôi được vào thắp hương tưởng niệm đồng đội của mình.”
Trước thực tế, lâu nay các thông tin về cuộc chiến tranh Biên giới Phía Bắc năm 1979 nói chung và cuộc chiến Gạc Ma nói riêng là những thông tin có tính chất nhạy cảm và bị lãng quên. Bày tỏ suy nghĩ của cá nhân về vấn đề này, cựu binh Lê Hữu Thảo chia sẻ:
“Chúng tôi thấy cần phải nói ra các sự thật, sau gần 30 năm thì bây giờ (sự kiện Gạc Ma) mới được dư luận xã hội biết đến rộng rãi hơn. Bản thân tôi không dám suy nghĩ gì nhiều, ngoài việc có chút tủi thân. Tôi nghĩ, hàng năm sự kiện này không được mọi người nhắc đến hay tưởng niệm cho đồng đội tôi thì tôi thấy rất buồn.”
Chúng tôi thấy cần phải nói ra các sự thật, sau gần 30 năm thì bây giờ (sự kiện Gạc Ma) mới được dư luận xã hội biết đến rộng rãi hơn.
- cựu binh Lê Hữu Thảo
Theo báo Dân trí, các gia đình thân nhân liệt sỹ Gạc Ma, có người thân là cha, mẹ, vợ hoặc con cái của họ mặc dù đã được Nhà nước quan tâm bằng các chế độ chính sách nhưng với các chi phí khi đau ốm và nuôi con cái học hành thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, có nhiều gia đình ở các địa phương khó khăn còn chưa được hỗ trợ làm nhà tình nghĩa.
Để tri ân cũng như chia sẻ bớt những mất mát, khó khăn với những gia đình liệt sỹ Trường Sa - Hoàng Sa , Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, nhằm vận động kinh phí xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma và hỗ trợ thân nhân gia đình của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Trường Sa - Hoàng Sa đang gặp khó khăn. Được biết hiện nay cũng đã có những nhóm thiện nguyện khác do các nhà hảo tâm tham gia công tác này.
Nói về sự giúp đỡ từ các tổ chức nhà nước và xã hội, cựu binh Nguyễn Văn Thống cho biết:
“Kể từ khi rời đơn vị về với gia đình, thì vừa rồi lần đầu tiên tôi mới được nhận mấy chục triệu hỗ trợ của Tổng Công đoàn, thế thôi. Chứ anh em chúng tôi hầu như chưa ai nhận được sự ủng hộ nào, kể cả của địa phương. Các (tổ chức XH) anh ấy nói giúp đỡ, xong đến nay cũng chưa thấy cho gia đình tôi cái gì, có lẽ chỉ có một anh ở xã khác thôi.”
Dẫu cuộc sống của những cựu binh Gạc Ma hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn, song nghĩa tình của họ vẫn gắn bó keo sơn, mặn nồng tình đồng đội. Cựu binh Nguyễn Văn Thống chia sẻ:
“Vừa rồi anh em có tổ chức Ban liên lạc của tàu HQ-604, nhưng cũng chả có điều kiện gặp nhau thường xuyên, vì điều kiện mỗi người mỗi khó nên không có điều kiện đi xa để gặp.”
Như phát biểu của Thiếu tướng Lê Mã Lương – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới đây đã khẳng định: “Chúng ta không thể và không được phép quên đi sự cống hiến xương máu cùng tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của 64 anh em cán bộ, chiến sĩ hải quân trên 2 tàu vận tải 604 và 605 trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Đó là sự thật lịch sử và cần được tuyên truyền rộng rãi tới mọi người dân để biết.”

No comments:

Post a Comment