Monday, March 14, 2016

Tới lượt Sài Gòn bị hạn hán đe dọa

SÀI GÒN (NV) - Hạn hán không chỉ đe dọa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên, mà còn ảnh hưởng tới thành phố Sài Gòn.


(Hình minh họa: STR/AFP/Getty Images)

Do mực nước trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn tụt sâu, nước mặn từ biển tràn vào, độ mặn trong nước sông vượt quá mức 25 gram/lít khiến hoạt động của hàng loạt nhà máy lọc và cung cấp nước cho thành phố Sài Gòn như Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức,... liên tục bị gián đoạn, cuối tuần vừa qua, bộ phận điều hành hồ chứa nước Dầu Tiếng ở Tây Ninh đã phải xả nước suốt ba ngày với lưu lượng lên tới 30 mét khối/giây để đẩy nước mặn ra xa.

Từ đầu năm đến nay, bộ phận điều hành hồ chứa nước Dầu Tiếng đã phải xả nước đẩy mặn như vừa kể tới năm lần và chắc chắn bộ phận điều hành hồ chứa nước Dầu Tiếng sẽ còn phải làm như thế nhiều lần nữa, nếu không sinh hoạt tại thành phố Sài Gòn sẽ tê liệt vì thiếu nước.

Chi Cục Thủy Lợi và Phòng Chống Lụt Bão của thành phố Sài Gòn cho biết, độ mặn của sông rạch tại Nhà Bè tăng khoảng 80% so với những năm trước và tình trạng này sẽ còn kéo dài ít nhất là đến cuối Tháng Tư.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thiệt hại do hạn hán khiến mực nước trên hệ thống sông rạch tụt sâu và nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tiếp tục gia tăng. Không chỉ có hàng trăm ngàn héc ta lúa và các loại cây trồng chết khô vì thiếu nước hoặc vì độ mặn trong nước quá cao mà còn hàng triệu người khốn khổ do thiếu nước ăn uống.

Cuối tuần vừa qua, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu giới hữu trách ở tỉnh này phải đắp ngay một con đập để chặn kênh Xuân Hòa - Cầu Ngang đoạn chảy qua huyện Gò Công Đông, vét nước bơm vào kênh Trần Văn Dõng và kênh Sampo, cứu 4,000 héc ta lúa.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi và Phòng Chống Lụt Bão của tỉnh Tiền Giang, thì đó là cách duy nhất để cứu 4,000 héc ta lúa vì các kênh chính của dự án ngọt hóa Gò Công đã cạn, các kênh nội đồng đã hết nước để bơm vào ruộng, còn nước ngoài sông Tiền quá mặn.

Cũng vào cuối tuần qua, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã chi tiền thuê một sà lan chở nước cho cù lao Tân Phú Đông để “cứu khát” cho dân chúng tại đó. Sà lan này sẽ tiếp tục hoạt động suốt mùa khô năm nay để “cứu khát” cho 3,000 gia đình.

Ngoài Tiền Giang, “khát” giữa hệ thống sông rạch chằng chịt và cần được cứu bằng nước ngọt chuyển từ nơi khác về đang xảy ra tại nhiều nơi ở Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang. Người ta ước đoán, tình trạng này có thể sẽ kéo dài hơn hai tháng nữa.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn và thủy lợi của Việt Nam thì tình trạng khô hạn và nước mặn xâm nhập đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng trầm trọng là do hai nguyên nhân: (1) Vì tác động của El Nino (trời khô nóng nhiều ngày, ít mưa, lưu lượng nước trong vùng giảm từ 30% đến 60%) kéo dài từ 2014 đến nay và (2) Do Trung Quốc trữ nước để vận hành các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Cửu Long, nước vốn đã thiếu lại còn thiếu trầm trọng hơn nên nước biển ồ ạt tràn vào thế chỗ.

Trong một công hàm vừa gửi cho chính phủ Trung Quốc hồi cuối tuần qua, chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc yêu cầu bộ phận điều hành các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Cửu Long xả khoảng 43 tỷ khối nước để giảm thiệt hại do khô hạn tại đồng bằng sông này.


Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã hứa “sẽ làm việc ngay với các cơ quan hữu trách của Trung Quốc” nhưng không biết “các cơ quan hữu trách của Trung Quốc” có đáp ứng hay không (?). (G.Đ.)

03-13-2016 3:27:29 PM 

No comments:

Post a Comment