Theo NLDO-10/03/2016 22:45
Hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long làm hơn 300.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại nặng, hàng triệu nông dân khốn đốn.
Nắng nóng khốc liệt tại hầu hết các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khiến hàng trăm ngàn cây trồng cháy, úa; gần nửa triệu người quắt queo, nhiều đàn gia súc suy kiệt do thiếu nước uống trầm trọng. Những con số khô khốc ấy được liên tiếp đăng tải trên các phương tiện truyền thông những ngày qua nghe thấy thật xót xa!
Còn nhớ, chỉ mới 3 tháng trước đây thôi, hồi giữa tháng 12-2015, TP HCM phải hứng chịu cái nóng hầm hập, oi bức giữa mùa đông lẽ ra phải giá lạnh. Trước đó nữa, vào tháng 6, nhiều tỉnh - thành ở Trung Bộ, Nam Bộ lại bị sương mù bao phủ nhiều ngày liền. Quả là quá lạ lùng!
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu (COP21) được tổ chức ở Paris - Pháp vào tháng 12-2015 nhằm kêu gọi các nước cam kết giảm lượng khí thải, các chuyên gia về khí tượng, thiên văn cho rằng do hiện tượng El Nino đang trong giai đoạn nghiêm trọng nên hạn hán, nắng nóng xảy ra với cường độ khốc liệt. Điều này là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cứ đổ lỗi cho ông trời không chịu mưa thì e rằng con người cứ sẽ phải chấp nhận chuyện đã an bài mặc dù suy cho cùng, chính con người đã và đang là “thủ phạm” gây ra những hậu quả đó.
Vài chục năm trước làm gì xảy ra liên tiếp nạn hạn hán khốc liệt đến vậy. Thử nhìn vào “lá phổi xanh” của các tỉnh Tây Nguyên thì sẽ rõ. Hơn 20 năm qua, khu vực này đã mất đi ít nhất 1,5 triệu ha rừng, trong đó một phần do lâm tặc xâm hại nhưng so ra không thấm tháp gì với diện tích rừng bị bức tử để xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện và nhiều dự án khai thác khoáng sản. Rừng trồng thì ít nhưng rừng bị phá thì quá nhiều, vậy nên đến giờ, thành quả của cái gọi là “để phát triển” chưa đâu vào đâu nhưng sự tồi tệ của việc đối xử không sòng phẳng với thiên nhiên đã bày ra trước mắt, khi hàng triệu người phải lâm cảnh cơ hàn do mất mùa, đói kém.
Cũng hơn 20 năm trước, khi bắt đầu “thai nghén” những khu công nghiệp, khu đô thị mới ở các đô thị lớn như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ; thậm chí những tỉnh nghèo ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ cũng đua nhau xây dựng hạ tầng để được “bằng anh bằng chị”…, các nhà quy hoạch và giới chức trách duyệt xét giấy phép xây dựng có lưu ý đúng mức vấn đề khí thải, chất thải; đặc biệt là tác động của tiến trình “bê-tông hóa” ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu?!
Từ nạn hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp ở Nam Bộ; nắng nóng khốc liệt ở miền Trung, Tây Nguyên, chợt nghĩ đến cái gương nhãn tiền về việc chạy đua công nghiệp của Hàn Quốc vào thập niên 1960-1970 và vùng trời mù đen do khói bụi, khí thải ở Bắc Kinh - Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Và không đâu xa, đất nước láng giềng Thái Lan cũng đang đối mặt với sự biến đổi khí hậu khốc liệt sau thời gian dài bùng nổ đô thị hóa bằng các việc xây dựng san sát các tòa nhà cao tầng.
Vậy nên, thiên tai chung quy cũng bởi con người. Khi con người không sòng phẳng với thiên nhiên thì việc trả giá là điều không tránh khỏi!
Lê Trường
No comments:
Post a Comment