Theo NLDO-10/03/2016 22:37
Ven những dòng kênh tại TP HCM, từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống nhếch nhác, nguy hiểm trong các dãy nhà ổ chuột
Từ nhiều năm nay, 6 người của 3 thế hệ gia đình bà Bùi Thị Năm (73 tuổi) chen chúc trong căn nhà ọp ẹp rộng chừng 30 m2, nằm chênh vênh trên các cọc gỗ ven rạch Bùi Hữu Nghĩa (phường 2, quận Bình Thạnh, TP HCM). Thu nhập chính để nuôi cả gia đình là vợ chồng người con của bà đi làm công nhân và tạp vụ nhưng cũng chỉ đủ ăn từng ngày.
Khốn khổ nhiều đời
Ngồi khâu lại chiếc áo cũ, bà Năm cho biết gia đình bà đã sống ở đây được hơn 40 năm. Trước đây, vợ chồng bà không có công việc ổn định mà ai thuê gì làm nấy để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, nay đã già yếu nên bà chỉ quanh quẩn ở nhà, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào 2 người con. Căn nhà mà gia đình 3 thế hệ đang ở là do ông bà dựng cách đây mấy chục năm bằng gỗ tạp và tôn cũ lượm được hoặc mua của những người thu gom ve chai. “Trước đây, căn nhà rộng lắm nhưng do kinh tế khó khăn nên cứ cắt dần ra để bán và giờ teo tóp như thế này đây” - bà Năm chua chát.
Cảnh nhếch nhác tại khu ổ chuột ven rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh, TP HCM) Ảnh: GIA MINH
Theo bà Năm, phần lớn các hộ dân sống ở khu vực này đều là lao động nghèo, đã sinh sống từ hàng chục năm nay tại đây, đa số là dân nhập cư từ các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp… Nhà nào cũng 2-3 thế hệ sống chung và đều làm công nhân, thợ hồ nên thu nhập bấp bênh, đong gạo từng bữa. Nhiều người muốn xây nhà kiên cố hơn nhưng không đủ điều kiện và do khu vực này thuộc diện giải tỏa nên muốn xây cao cũng không được chính quyền cho phép. Do đó, đa số đều phải chắp vá tạm bợ bằng các tấm tôn, ván gỗ cũ để tránh nắng mưa. “Nhiều căn nhà ở khu vực này chỉ đủ làm chỗ chui ra chui vào, nhiều khi con cái lấy vợ, lấy chồng về ở chung mà chỉ có cái rèm ngăn phòng này với phòng kia. Bất tiện lắm nhưng riết cũng quen” - bà Năm nói.
Những căn nhà tạm bợ tại rạch Xáng, sát khu đô thị Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dọc con rạch Bùi Hữu Nghĩa thuộc phường 1, quận Bình Thạnh, hàng chục căn nhà ổ chuột cũng nằm chênh vênh trên các cọc bê-tông, thanh gỗ đã mục nát. Bên trong khu ổ chuột này là những lối đi ẩm thấp, những căn phòng lụp xụp, những chiếc xe đẩy chở hàng được dựng lộn xộn… Người dân không chịu được mùi xú uế từ dòng nước đen đặc quánh phía dưới nên nhà nào cũng đóng chặt cửa. Ông Nguyễn Văn Thành (62 tuổi; ngụ phường 1, quận Bình Thạnh) cho biết người dân khu vực này đi làm cả ngày và căn nhà chỉ là nơi để ngủ nên ít ai quan tâm đến việc xây kiên cố. “Nhiều người ở tỉnh lên TP dựng căn nhà tạm với vài tấm ván, mảnh chiếu cói, chẳng cần cửa nẻo gì. Họ làm đến tối về trải chiếu ra ngủ rồi sáng lại đi nên cần gì nhà kiên cố” - ông Thành lý giải.
Vừa ở vừa run
Dọc bờ kênh Đôi - kênh Tẻ (quận 8), những khu nhà ổ chuột cũng mọc lên chi chít trên những trụ gỗ mục nát, cột bê-tông mỏng manh mấp mé mặt nước khi triều cường. Các ngôi nhà ở đây chỉ được che chắn tạm bợ bằng những tấm tôn ọp ẹp, cũ kỹ, không nhà vệ sinh. Có những dãy nhà dựng bằng cọc gỗ, một phần gắn trong đất liền, còn 2/3 được cơi nới ra lòng kênh, lơ lửng trên mé nước, mỗi khi có tàu lớn chạy qua lại rung lên như muốn sập. Dù biết nguy hiểm nhưng người dân nơi đây vẫn cố bám vì không có tiền để mua một căn nhà mới, trong khi giá thuê trọ cũng quá đắt đỏ. “Mấy lần xem tivi thấy nhà ở dọc bờ kênh bị sụp xuống do mưa lớn. Nghĩ đến việc nhà mình cũng có thể bị cuốn trôi hay nước đánh sập vào giữa đêm, tôi rất sợ!” - bà Nguyễn Thị Lành (ngụ phường 4, quận 8) bộc bạch.
Ngoài nguy cơ về mưa bão, gió lốc thì việc sinh sống trong những căn nhà ở khu vực này còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa như cháy nổ và đặc biệt là nguy cơ về dịch bệnh do ô nhiễm môi trường. “Cuộc sống của người dân nơi đây khổ sở trăm bề. Nhà thủng chỗ nào thì chắp vá chỗ đó chứ không được phép xây dựng hay sửa chữa do đang trong diện giải tỏa. Trước đây, chính quyền địa phương tới vận động di dời và cho biết sẽ đền bù khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, với số tiền đó, chúng tôi không thể mua được 1 căn nhà mới” - bà Lành buồn bã.
Kỳ tới: Để dân có nhà đúng nghĩa
Ra đi rồi trở lại
Ở một số quận, huyện ngoại thành, dù không xuất hiện các khu lụp xụp nhưng rải rác trên nhiều dòng kênh, rạch nhỏ, vẫn có một số nhà xây cất hoặc cơi nới tạm bợ. Ghi nhận tại rạch Xáng, sát khu đô thị Trung Sơn (huyện Bình Chánh), vẫn còn nhiều nhà dân tạm bợ, cơi nới. Tại khu vực quận Bình Tân, trên đoạn kênh cầu Bà Bộ (giáp ranh quận Bình Tân và huyện Bình Chánh), một số nhà dân xây tự phát đơn sơ từ lâu bằng tôn với mục đích cho thuê. Trong khi đó, đoạn rạch chạy song song với đường Cầu Kinh (phường Tân Tạo A, huyện Bình Chánh) cũng có nhiều nơi xây cất tạm bợ.
Trước đây, bà Khưu Vang Khai, một trong những hộ dân ở ven con rạch này, sống ở quận 10. Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà đã bán nhà ra khu vực này sống được 3 năm nay. “Khu vực này hầu hết là dân lao động từ nhiều nơi đổ về. Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nên địa phương cũng chiếu cố, cấp cho số nhà tạm rồi điện, nước. Năm ngoái, địa phương còn hỗ trợ ít tiền để sửa chữa nhà đang xuống cấp. Mấy căn ven kênh đoạn này xây cất từ lâu rồi, sang tay qua rất nhiều người mới tới tôi” - bà Khai kể.
Người dân ở đây cho biết trước đây từng nghe về chủ trương di dời nhà tạm ven kênh rạch nhưng lâu lắm rồi mà không thấy động tĩnh gì. “Trước đây, một số hộ dân ven rạch bán nhà để mua nơi khác nhưng không có việc làm nên lại về đây thuê nhà kiếm sống” - bà Khai nói.
Gia Minh - Bạch Đằng
No comments:
Post a Comment