Thục Quyên (Danlambao) - "Đừng mất thời giờ và năng lượng vào những gì không/chưa thể thực hiện được. Phải tập trung vào những gì có thể làm (ngay lúc này và nơi này). Hãy nghiên cứu những thí dụ thành công trong lịch sử và dựa vào đó, cải thiện những nỗ lực của mình để đạt thêm hiệu qủa. Ước lượng đúng khả năng của mình, tìm những điểm yếu cố hữu của chế độ toàn trị, và tập trung sức đối kháng dân sự vào những điểm này để thúc đẩy tác động". - Gene Sharp.
*
Quan sát xuyên qua nhiều thế kỷ cho thấy một số lớn các cuộc xung đột không thể giải quyết trực tiếp bằng thỏa hiệp, mà chỉ được giải quyết thông qua sự đấu tranh. Xung đột xảy ra khi những mâu thuẫn xuất phát từ tham vọng của cá nhân hay phe nhóm đối chọi nhau.
Theo ý niệm thông thường, quyền lực đến từ bạo lực và chỉ có thể được kiểm soát bởi bạo lực lớn hơn. Do đó lịch sử của loài người là một chuỗi chiến tranh vẫn tiếp diễn.
Bản chất của đấu tranh bất bạo động
Trong thực tế, theo TS Gene Sharp - một giáo sư khoa học chính trị Mỹ, tác giả của tư tưởng "Cách mạng bất bạo động", nổi tiếng đã làm thay đổi thế giới hiện đại và được công nhận là người có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc lật đổ chính phủ Ai Cập và những "cuộc cách mạng màu" tại Đông Âu- quyền lực xuất phát từ lòng xã hội, do đó mọi người có thể hạn chế hoặc cắt đứt những nguồn gốc của quyền lực bằng cách từ chối hợp tác. Quyền lực chính trị của các chính phủ thực sự có thể rất mong manh. Ngay cả sức mạnh của chế độ độc tài có thể bị phá hủy khi mất sự đóng góp của con người, điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của bất cứ chế độ nào. (2)
Nói cách khác, theo ông, "nguồn sức mạnh của người cai trị phụ thuộc vào sự vâng phục và hợp tác của các đối tượng của họ. Thiếu sự hỗ trợ tích cực hay tùng phục và thụ động của các đối tượng thì họ sẽ mất quyền lực và mất nền tảng để cai trị.
Tuy nhiên cố gắng thoát khỏi một chế độ độc tài bằng bạo lực là một chiến lược thiếu khôn ngoan.
Những chế độ quân sự đã được đào tạo và trang bị để dùng bạo lực đối phó bạo lực. Khi phải đối phó với một sức chống đối không dùng bạo lực nhưng vững vàng và có kỷ luật, họ mới bị trật "bài bản" và "mất thế chủ động."
Đó chính là bản chất của "Cách mạng màu", một cụm từ chỉ những phong trào chính trị đầu thế kỷ 21 trong một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay thuộc vùng Balkan, lấy tên cây cối, bông hoa, màu sắc làm tiêu biểu. Đặc điểm chung của những cuộc cách mạng này là dùng đấu tranh bất bạo động để đối phó với các chính quyền mà đa số dân chúng coi là tham ô hay độc đoán. Nổi bật trong những phong trào này là sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhóm Xã hội dân sự, giới sinh viên, với những sáng tạo đấu tranh bất bạo động.
G.S Sharp định nghĩa "hành động bất bạo động" như một kỹ thuật chính trị được chọn lựa để đạt tới mục đích mà không gây nguy hại, hoặc đe dọa gây nguy hại sức khoẻ, thương tích cho đối thủ. Định nghĩa như vậy thì "chủ thuyết đấu tranh bất bạo động" không đồng nghĩa với "chủ thuyết hòa bình" hoặc cũng không giống hệt với các hệ thống tôn giáo hay triết học nhấn mạnh "không bạo lực" như là một nguyên tắc đạo đức.
Đấu tranh bất bạo động là một hình thức chống cự tích cực, mạnh mẽ và quyết tâm. Trong khi thái độ luôn luôn chấp nhận bằng sự thờ ơ hay trốn chạy, kể cả những tấn công bằng lời nói từ xa, không có khả năng gây khó khăn cho đối phương, chỉ là những trạng thái thụ động, "bất động" trong chiều hướng chống đỡ.
Điều kiện thành công: một kiến thức sâu rộng và một sự hoạch định chiến lược vững vàng
Trong cuốn "Từ Độc Tài đến Dân Chủ", G.S Sharp đã phác thảo 198 phương pháp bất bạo động, viết để gợi ý cho những người sống dưới sự cai trị của một nhà độc tài hoặc một hệ thống toàn trị. Tuy nhiên ông nhấn mạnh điều kiện cơ bản để thành công của mỗi cuộc đấu tranh áp dụng "bất bạo động" là một kiến thức sâu rộng và một sự hoạch định chiến lược vững vàng.
"Cảm hứng chẳng đưa chúng ta tới đâu cả! Nếu bạn chỉ có nhiều ý tưởng hay, thì có gì là ích lợi cho ai? Rất nhiều người có những ý tưởng vĩ đại đã làm những điều tai hại khủng khiếp.
Cảm hứng không quan trọng bằng việc có kiến thức và hiểu biết về những gì có thể được thực hiện đểthay đổi những cái sai cũng như biết những gì là cần thiết để làm cho mọi việc tốt hơn. Điều này đòi hỏi suy nghĩ và phân tích."
Trong một buổi nói chuyện với các sinh viên luật khoa tại trường đại học Harvard tháng tư năm 2011, GS Sharp đã đưa ra một khía cạnh rất thực về tình trạng mà những người có ý muốn tranh đấu bất bạo động thường rơi vào: "trong một thế giới đầy rẫy những áp bức, độc tài, diệt chủng và bóc lột, chúng ta rất dễ dàng cảm thấy kiệt quệ và bất lực" .
Và lời khuyên của Sharp là: "Đừng mất thời giờ và năng lượng vào những gì không/chưa thể thực hiện được. Phải tập trung vào những gì có thể làm (ngay lúc này và nơi này). Hãy nghiên cứu những thí dụ thành công trong lịch sử và dựa vào đó, cải thiện những nỗ lực của mình để đạt thêm hiệu qủa. Ước lượng đúng khả năng của mình, tìm những điểm yếu cố hữu của chế độ toàn trị, và tập trung sức đối kháng dân sự vào những điểm này để thúc đẩy tác động".
Những hành động thực tế khởi đầu cho mọi cuộc đấu tranh bất bạo động là nhằmchế ngự nỗi sợ hãi và tính tùng phục. Những chế độ độc tài ngày nay thường không cai trị bằng bạo lực tuyệt đối, màdựa trên một hỗn hợp độc hại của tuyên truyền, bảo hộ, tính hợp pháp chính trị (giả tạo), cũng như sự thờ ơ của đám đông. Thêm vào đó là sự sử dụng có hiệu chuẩn của bạo lực, công khai hay kín đáo, để bao trùm tất cả bằng một tấm màn sợ hãi.
Sự thật là cả nỗi sợ hãi lẫn thờ ơ đều có khả năng bị rạn nứt. Những người bất đồng chính kiến có thể gây ra những vết nứt đầu tiên bằng cách sáng tạo những phương pháp liên lạc đoàn kết với nhau giữa những người dân trong việc từ chối chế độ.
Từ Mahatma Ghandi tới Gene Sharp
Gene Sharp thường được mô tả là người đã hệ thống hóa "di sản" đấu tranh bất bạo động của Ghandi. (Hai cuốn sách đầu của Sharp về đề tài này đều có tựa mang tên Gandhi, cuốn thứ ba do Qũy Hoà bình Ghandi xuất bản).
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng có một sự khác biệt lớn:
Trong khi Gandhi nhấn mạnh khía cạnh xây dựng (vun trồng những hình thức tốt đẹp hơn trong các mối quan hệ xã hội và kinh tế) và xem nhẹ vai trò của chiến dịch bất tuân dân sự, Sharp tập trung vào hình thức huy động mạnh mẽ làn sóng hành động chung của đám đông để trực tiếp chống lại các chính phủ thiếu dân chủ, mà không chủ trương góp phần chuyển hóa cá nhân, hoặc chuyển hóa những mối tương quan, xã hội cũng như toàn cầu.
Bất bạo động có gốc rễ trong hầu hết các tôn giáo. Hiện nay, những nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng trên thế giới xiển dương những khía cạnh tinh thần và thực tiễn của bất bạo động thường được nhắc tới là (3) Lev N. Tolstoy, Albert Einstein, Mohandas Karamchand Gandhi, Khan Abdul Ghaffar Khan, Martin Luther King jr., Thích Nhất Hạnh, Daniel Berrigan, Lech Walesa, Petra Kelly, César Chavez...Tinh thần Bất bạo động được họ giới thiệu và áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Theo tác giả Barry Gan (4) có 3 hình thức:
- hoàn toàn hoặc chủ yếu như một chiến lược chính trị (Gene Sharp);
- hoàn toàn hoặc chủ yếu như là một cách sống hay một nguyên tắc đạo đức (Lev Tolstoy, Thích Nhất Hạnh);
- đồng thời là một cách sống, một nguyên tắc đạo đức và một chiến lược chính trị (Mahatma Gandhi, Martin Luther King Jr.)
Cụ thể nào cho Việt Nam
Tranh đấu bất bạo động như một chiến lược chính trị theo Sharp, với những thành qủa vào đầu thế kỷ 21 trên toàn cầu, đang có khuynh hướng được lựa chọn tại Việt Nam vì có vẻ thích nghi với tâm lý và cách suy nghĩ của thời đại. Cần xét lại những điều kiện để thành công của Sharp (một kiến thức sâu rộng, một sự hoạch định chiến lược vững vàng, và khả năng kết nối để hành động chung) đòi hỏi dân trí cao và sự đồng nhất trong xã hội, liệu có thích hợp thật sự với xã hội Việt Nam hiện nay? Hay Việt Nam với dân trí chưa phát triển cao, cần theo phương thức đấu tranh bất bạo động á đông gần gũi hơn của Gandhi, chú trọng trước tiên đến củng cố lại cách sống dựa vào một nguyên tắc đạo đức?
Vì cùng có gốc rễ tôn giáo, Gandhi và Thích Nhất Hạnh cùng chủ trương: "Bản chất của kỹ thuật phi bạo lực là thanh lý tình trạng đối lập nhưng không tiêu diệt người đối lập" (Ghandi) hoặc "Kẻ thù của ta là vô minh, là bạo động, là tham tàn, là cố chấp, kẻ thù của ta không phải là con người." (Thích nhất Hạnh)
Gandhi dùng nguyên tắc tôn giáo ahimsa (không làm gì hại) chung của Phật giáo, Ấn Độ giáo và Jaingiáo và biến nó thành một công cụ không bạo lực cho hành động đại chúng. Ông đã sử dụng nó để chiến đấu không chỉ chống lại thực dân cai trị mà còn dùng để xoá bỏ những tệ nạn xã hội như phân biệt chủng tộc, chia rẽ đẳng cấp (thành phần tiện dân).
Barry Gan cho rằng Gandhi không chỉ phổ biến một cách sống, một nguyên tắc đạo đức như Thích Nhất Hạnh, mà còn có một chiến lược chính trị rõ ràng. Điều này rất đúng và phản ảnh sự hoạt động của hai nhà tư tưởng này tuy cùng chung bản chất nhưng trong hai hoàn cảnh và thời điểm xung đột khác nhau.
Mahatma Gandhi đấu tranh trong một đất nước bị đô hộ nhưng đang không có chiến tranh. Ông lập chiến lược hành động gọi là "Chấp trì chân lý" (satyagraha) mà không bị điều kiện thời gian giới hạn, lấy sự kiên trì và chuyển hóa làm sức mạnh của đám đông. Trong khi Thiền sư Nhất Hạnh trong khoảng 10 năm đầu của cuộc tranh đấu bất bạo động, phải đứng trong thế đối đầu với chiến tranh, giữa hai làn bom đạn của Mỹ (và thế giới Tự do) và của thế giới Cộng sản (Nga/ Trung cộng). Cuộc tranh đấu của ông mới chỉ nằm trong giai đọan đầu của một cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do dân chủ, theo định nghĩa 3 điểm của Liên Hiệp Quốc đưa ra khi lập "Ngày Quốc tế Bất bạo động" năm 2008 vào ngày sinh nhật của Gandhi (2 tháng 10). Đó là:
1/ Lên tiếng và thuyết phục
2/ Bất hợp tác
3/ Can thiệp.
Có lẽ phong trào tranh đấu bất bạo động tại Việt Nam hiện nay chưa qua khỏi thời kỳ 1 (lên tiếng và thuyết phục) thì người Việt nên theo lời khuyên của GS Sharp, nghiên cứu kỹ những thí dụ trong lịch sử, mà cận đại nhất là cuộc tranh đấu của Thiền sư Nhất Hạnh, một người Việt Nam. Môi trường Việt Nam đã không thay đổi mà có thể còn xấu hơn những năm 60/70.
Vốn liếng của mọi phong trào đấu tranh bất bạo động là dân trí cao và sự gắn bó keo sơn giữa những người (dân) cùng tranh đấu, Việt Nam vẫn chưa có.
Tuy chiến tranh bom đạn đã dứt nhưng chiến tranh ý thức hệ và kinh tế vẫn còn. Vì ảnh hưởng và sự áp bức của ngoại bang vẫn đè nặng, dân Việt không chỉ đối đầu với một nhà cầm quyền bản xứ mà thực ra đang đối đầu với một bạo lực đô hộ từ bên ngoài. Do đó ngay cả dân trí cao và sự thống nhất sức đề kháng của toàn dân dù có (nhưng đừng quên là chưa có) vẫn cần sự trợ giúp của đồng minh. Mà nếu tìm đồng minh nơi các nước tự do thì cần tìm hiểu sự suy nghĩ của họ, và mảng quan trọng là tìm hiểu tại sao Thiền sư Nhất Hạnh lại không là một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng như Đức Đa Lai La Ma, mà lại được tôn sùng như một nhà lãnh đạo tư tưởng "Bất bạo động"?
Trong cuốn "Hoa Sen trong biển lửa" (5) Thiền sư Nhất Hạnh nêu rõ ý muốn của một người con dân Việt nam sáng suốt "Phải tìm được một giải pháp khác, ngoài giải pháp tiếp tục chiến tranh hay đầu hàng Cộng sản". Do đó khi ông rời đất nước đi tìm đồng minh, ông đã qua những nước tự do: Mỹ và Âu Châu. Là một tu sĩ và một nhà văn hóa, đồng minh của ông hiển nhiên trước hết là những nhà tôn giáo: Mục sư Martin Luther King Jr, Đức giáo hoàng Paul VI, linh mục dòng Tên Daniel Berrigan, linh mục dòng Trappist Thomas Merton...
Nhưng sức mạnh tôn giáo chỉ có ảnh hưởng đủ để đánh động lương tâm thế giới, áp lực đòi hỏi ngưng chiến. Không có một sức mạnh quần chúng có tổ chức từ dân tộc (đang có xung đột) nên các nhà lãnh đạo các phe tham chiến đã xử dụng ngay sự ngưng chiến cho những tham vọng của mình. Từ đó, nhà tranh đấu bất bạo động Thích Nhất Hạnh chưa bao giờ có dịp trở về sống trong lòng dân tộc mình, để phát triển một chiến lược xây dựng, vun trồng (một xã hội lành mạnh) thích hợp với tình trạng và khả năng của con người Việt Nam hiện tại.
Người được thế giới tôn sùng ngày hôm nay là một Thiền sư Nhất Hạnh sống tại môi trường Tây phương đã có tự do dân chủ tương đối, nên những đóng góp của ông ít mang tính chất hướng dẫn "bất tuân dân sự" mà hầu như chỉ chú trọng vào phần chuyển hóa cá nhân, chuyển hóa và xây dựng những mối tương quan trong xã hội và toàn cầu. Nhìn bằng con mắt tương tức của đạo Phật, có thể thấy đây là sự vun trồng tinh thần trách nhiệm của con người đối với bản thân mình, với gia đình, với môi trường sống của mình và toàn cầu (6). Phải mang tinh thần trách nhiệm này, người dân những nước giàu có, đầy đủ tự do dân chủ, mới sẵn sàng dấn thân như những đồng minh thực sự ủng hộ và giúp đỡ không vụ lợi người dân những nước chưa có tự do dân chủ.
Mỗi cuộc tranh đấu bất bạo động cho Tự do, Dân chủ có một sắc thái riêng
Trở lại lời khuyên của GS Sharp, thành công tùy thuộc ở sự nghiêm túc ước lượng khả năng của mình, những yếu điểm của đối phương, trau dồi một kiến thức sâu rộng về những thành công trong lịch sử để hoạch định một chiến lược vững vàng.
Do đó mỗi cuộc tranh đấu bất bạo động cho Tự do, Dân chủ của mỗi dân tộc phải có một sắc thái đặc thù. Nhưng nền tảng của tất cả là sức mạnh của đám đông có hướng dẫn (thí dụ như bằng những quy luật đạo đức như theo Gandhi) một điều luôn phải nhớ khi bắt tay vào việc, với phương châm: Tập trung vào những gì có thể làm ngay lúc này và nơi này.
__________________________________________________
(1) Bài viết dựa trên những tư tưởng đã được kiểm chứng bằng hành động của:
- Mahatma Ghandi (Mohandas Karamchand Gandhi) người nêu ra thuyết "Chấp trì chân lí" (satyāgraha/ insistence on truth ) đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động tại Ấn Độ cũng như trên thế giới cho đến ngày nay, như phong trào Vận động Quyền công dân tại Hoa Kỳ (American Civil Rights Movement) được dẫn đầu bởi mục sư Martin Luther King, Jr.
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho môi sinh và hòa bình. Ông là người đưa ra khái niệm và xiển dương "Phật giáo dấn thân" (Engaged Buddhism), được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử nhận giải Nobel Hoà Bình 1967, và được Hội đồng Công giáo Liên đới chủng tộc Davenport /Iowa (Davenport Catholic Interracial Council) trao giải thưởng "Hoà bình dưới thế" (Pacem in Terris Award) 2015.
- Gene Sharp, giáo sư khoa học chính trị Mỹ. Ông là người sáng lập tổ chức Albert Einstein, là tác giả của tư tưởng "Cách mạng bất bạo động" nổi tiếng làm thay đổi thế giới hiện đại và được công nhận là người có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc lật đổ chính phủ Ai Cập và những "cuộc cách mạng màu" tại Đông Âu.
No comments:
Post a Comment