Friday, February 19, 2016

Tên lửa ở Hoàng Sa: Trung Quốc ‘ngụy biện’ về nguyên do gây căng thẳng

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-19-02-2016 16:04 
media
Sinh viên Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc triển khai tên lửa ở Hoàng Sa. Manila, 19/02/2016. Reuters
Trang mạng thông tin quốc tế Quartz, trụ sở tại New York, vào hôm nay, 19/02/2016 đã ghi nhận như sau : « Láng giềng của Trung Quốc cho là việc triển khai tên lửa là hành động làm căng thẳng leo thang, nhưng Bắc Kinh thì không nghĩ vậy. Họ cho rằng nguyên nhân chính là việc các nước khác nói đến hành động đó ».
Đối với mạng thông tin Quartz, hai bài xã luận mới đây trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, và một bài của Tân Hoa Xã đã nêu bật sách lược « ngụy biện » đó. Tờ báo hung hăng này đã cảnh cáo Mỹ và Úc là không nên làm « bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho hòa bình khu vực », như chỉ trích Trung Quốc tăng gia số lượng vũ khí chết người ở Biển Đông chẳng hạn.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã dẫn lời bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm 17/02, tố cáo « hành vi thổi phồng của một số phương tiện truyền thông phương Tây, nhai lại cái gọi là ‘hiểm họa Trung Quốc’ ».
Tuyên bố của bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không khác gì phát biểu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó khi ông phủ nhận những cáo buộc của Mỹ và Đài Loan về việc Bắc Kinh cắm tên lửa tại Hoàng Sa, cho rằng đó là những tin bịa đặt « của một số phương tiện truyền thông phương Tây ».
Luận điểm kể trên đã được giới chức ngoại giao Trung Quốc tiếp tục triển khai sau đó. Trước ngày ngoại trưởng Úc Julie Bishop ghé thăm Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đánh phủ đầu : « Úc nên có lập trường khách quan và vô tư, tránh gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực ».
Điều mà theo Bắc Kinh có thể gây hại cho nền hòa bình của khu vực chính là một ý định được tuyên bố trước của ngoại trưởng Úc là sẽ chất vấn Bắc Kinh về vấn đề xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng như lập trường của Úc ủng hộ việc Philippines nhờ một tòa án trọng tài quốc tế phán xét về tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Điều đáng nói là sách lược ngụy biện của Bắc Kinh không chỉ dừng ở đấy. Sau khi chối là không có chuyện đưa tên lửa ra Hoàng Sa, trước những bằng chứng hiển nhiên cho thấy bãi biển Phú Lâm không có giàn phóng tên lửa Hồng Kỳ HQ-9 trước ngày 14/02, những lại thấy có vào ngày đó, Bắc Kinh lập tức đổi lập luận, cho rằng các phương tiện để tự vệ đã được chuyến đến đó từ trước đây.
Giải thích của Trung Quốc về mục tiêu của việc triển khai vũ khí đó rất rõ ràng : đó chỉ là để phòng thủ một vùng lãnh thổ thuộc về Trung Quốc « từ ngàn xưa », và việc võ trang để tự vệ là một điều được luật pháp quốc tế cho phép. Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi, điều đó không liên quan gì đến việc quân sự hóa.
Đối với trang mạng Quartz, quan điểm được ông Hồng Lỗi nhấn mạnh trong phát biểu nói trên là Bắc Kinh xem Hoàng Sa trước hết là lãnh thổ Trung Quốc, rồi sau đó mới là lãnh thổ có tranh chấp. Điều đó có thể giúp giải thích vì sao mà Trung Quốc lại có thể cho rằng nói về các vụ triển khai vũ khí gây mất ổn định nhiều hơn là bản thân việc triển khai này.

No comments:

Post a Comment