Friday, February 19, 2016

Giá dầu giảm: Việt Nam thiệt hại nặng nhất Châu Á

VIỆT NAM - Đó là nhận định của Fitch Ratings - tổ chức chuyên xếp hạng về mức độ tín nhiệm. Trong khi thu từ xuất cảng dầu của Việt Nam giảm liên tục thì chi phí nhập cảng ròng về dầu lại tăng.

Giá xăng tại Việt Nam giảm ít và chậm dù giảm giá xăng dầu được xem như cách để kích thích tăng trưởng kinh tế. (Hình: Người Lao Động) 

Hồi đầu năm 2015, Việt Nam từng thú nhận, nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mỗi thùng 1 Mỹ kim, ngân sách của Việt Nam sẽ thâm hụt khoảng 1,000 tỷ đồng. Sự thú nhận đó được đưa ra khi giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức khoảng 100 Mỹ kim/thùng. Nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới chỉ còn khoảng 26 Mỹ kim/thùng.

Nay, khi mức độ chênh lệch khoảng 74 Mỹ kim/thùng, mức độ thâm hụt tương ứng đối với ngân sách Việt Nam đã lên tới 74,000 tỷ đồng. Chưa kể ngoài chuyện bị thâm hụt nặng vì giá dầu xuất cảng giảm, ngân sách Việt Nam còn mất luôn các khoản thu nội địa liên quan đến dầu thô.

Để bù đắp sự thiếu hụt này, Việt Nam quyết định tăng mức xuất cảng dầu thô (khai thác nhiều hơn) bất chấp điều đó sẽ khiến tài nguyên cạn kiệt nhanh hơn. Đến tháng 8 năm ngoái, dựa trên những số liệu do Tổng Cục Thống kê Việt Nam công bố, người ta thấy tương quan dầu - ngân sách của Việt Nam trong nửa đầu năm 2015 hết sức thảm hại: Số lượng dầu thô xuất cảng tăng khoảng 20% nhưng kim ngạch xuất cảng dầu vẫn chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2014.

Cũng tới lúc đó, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam mới thật sự tính tới việc cắt giảm sản lượng dầu thô (hạ mức khai thác) vì chi phí sản xuất quá cao, khai thác càng nhiều, lỗ càng nặng.

Theo thống kê, đến cuối năm 2015, số lượng dầu thô xuất cảng của Việt Nam giảm 1.2% nhưng giá trị của lượng ngoại tệ thu về từ xuất cảng dầu thô giảm đến 49% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu so với đầu năm 2014 mức độ sụt giảm về giá trị của lượng ngoại tệ thu về từ xuất cảng dầu thô còn tệ hại hơn!

Tuy giới lãnh đạo Việt Nam liên tục khẳng định kinh tế Việt Nam đang hồi phục nhưng họ không thể phủ nhận các nguồn thu cho ngân sách giảm nhanh và sâu còn chi tiêu tăng mạnh nên phải vay nhiều hơn. Từ giữa năm ngoái đến nay đã xuất hiện tình trạng chính quyền một số địa phương không còn tiền trả lương hoặc để chi các khoản thiết yếu.

Gần đây, khi trò chuyện với báo giới Việt Nam, ông Lương Văn Khôi, chuyên gia cao cấp của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, nhận định, năm nay, GDP của Việt Nam có thể giảm mạnh vì chi tiêu của chính phủ giảm do nguồn thu từ xuất cảng dầu thô giảm, tiền đồng tăng giá. Nhân vật này ước đoán, GDP 2016 của Việt Nam có thể giảm 2.3% và tình trạng GDP liên tục sụt giảm có thể sẽ còn kéo dài đến 2020.

Ông Khôi cho rằng, khi kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng giảm phát nặng, chính quyền Việt Nam nên nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế, trong đó bao gồm có giảm giá xăng dầu để giúp doanh giới giảm chi phí. Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, cũng cho rằng, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm có thể là cơ hội để Việt Nam cân bằng hai biến số vĩ mô quan trọng là tỷ giá và lãi suất nhằm hỗ trợ cho doanh giới mà không gây sốc.


Từ giữa năm 2015 đến nay, giá xăng dầu tại Việt Nam đã giảm 16 lần nhưng mức độ không đáng kể (chỉ có 7,000 đồng, tương đương 32 cents). Mức bán xăng loại phổ biến tại Việt Nam hiện là 13,750 đồng/lít, cao hơn giá xăng trung bình tại Hoa Kỳ khoảng 3,750 đồng/lít. Chính quyền Việt Nam trì hoãn việc giảm giá xăng, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí để tăng khả năng cạnh tranh vì vẫn muốn thu thêm tiền qua thuế nhập cảng xăng dầu và đủ loại phí. Người ta ước đoán, tại Việt Nam, mỗi lít xăng phải “cõng” khoảng 8,000 đồng các loại thuế, phí. (G.Đ)

02-19-2016 2:47:08 PM

No comments:

Post a Comment