Friday, December 16, 2016

Xử lý nợ xấu: Đừng đặt mình vào thế bị động!

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-12-16  
Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (phải) nói chuyện với Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam trong buổi lễ khai trương báo cáo Việt Nam 2035 tại Hà Nội ngày 23 tháng 2 năm 2016.
 Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (phải) nói chuyện với Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam trong buổi lễ khai trương báo cáo Việt Nam 2035 tại Hà Nội ngày 23 tháng 2 năm 2016.  AFP photo
Truyền thông trong nước trích dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ xấu là vấn đề nghiêm trọng và chính phủ Hà Nội mong muốn Ngân hàng thế giới và Tổ chức tài chính quốc tế giúp xử lý nợ xấu một cách thực chất. Điều này có phải là một giải pháp lâu dài và thích hợp cho thực tế của hệ thống ngân hàng hiện tại ở Việt Nam hay không?
Không còn tính độc lập
Nói về vấn đề này, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp quốc, ông Vũ Quang Việt, từ New York cho biết các tổ chức quốc tế đó luôn có những điều kiện và những đòi hỏi cần phải thực hiện:
Một trong những lý do mà nhà nước Việt Nam có nợ xấu là do tiêu quá nhiều. Nếu muốn mượn tiền từ IMF hay Worldbank thì việc mà họ sẽ đưa điều kiện là anh phải cắt giảm. Nếu không thì sẽ cắt ngay tiền vay. Tức là bản thân anh nằm trong cuộc khủng hoảng và như vậy, anh mất quyền chủ động, mất đi 1 số tính độc lập trong hệ thống của anh. Anh có muốn như vậy hay không? Hay anh tự giải quyết cho anh?
Một trong những lý do mà nhà nước Việt Nam có nợ xấu là do tiêu quá nhiều. Nếu muốn mượn tiền từ IMF hay Worldbank thì việc mà họ sẽ đưa điều kiện là anh phải cắt giảm.
- Ông Vũ Quang Việt
Trong cuộc khủng hoảng 1997 về tài chính ở Châu Á, các nước chịu ảnh hưởng gồm Indonesia, Thai Lan, Malaysia, thì Malaysia là nước không chấp nhận tiền tài trợ từ IMF. Kết quả dẫn đến là Malaysia là quốc gia chịu khủng hoảng ít nhất và phát triển trở lại nhanh nhất.
Dựa theo tình trạng hiện tại của hệ thống ngân hàng Việt Nam, chuyên gia Vũ Quang Việt khẳng định ông không nghĩ rằng mong muốn của chính phủ Hà Nội về việc Ngân hàng Thế giới và Tổ chức tài chính quốc tế IFC giúp xử lý nợ xấu sẽ là một giải pháp tốt. Vì theo ông,  không phải Việt Nam không có khả năng xử lý, mà vấn đề hoàn toàn nằm ở khung chính trị.
Chủ trương của ADB
Cũng tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam – VDF diễn ra ở Hà Nội ngày 12 tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số đối tác tư nhân trong nước đang có kế hoạch mua lại một số ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Đồng thời, thủ tướng Phúc cũng nói thêm là có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu cũng như các ngân hàng yếu kém.
000_C01X6-400.jpg
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB - Takehiko Nakao (phải) và Giám đốc ADB Eric Sidgwick trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 17 tháng 6 năm 2016. AFP photo
Tuy ngân hàng ADB chưa lên tiếng xác nhận vấn đề này, nhưng phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gây sự chú ý và bàn luận đối với những nhà kinh tế trong và ngoài nước. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khi trả lời phỏng vấn báo Doanh nghiệp trong nước đã bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch của ADB. Ông giải thích rằng “nếu Ngân hàng nhà nước bỏ tiền ra mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém với  giá 0 đồng thì nó sẽ trở thành một gánh nặng cho NHNN cũng như trở thành gánh nặng cho cả quốc gia”.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ADB không phải là ngân hàng thương mại, mà có cơ chế hoạt động như một cơ quan tài chính đại diện cho việc hỗ trợ nguồn vốn cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Thế nên ông cho rằng việc ADB có kế hoạch mua lại các ngân hàng yếu kém ở Việt Nam là một đề xuất tuyệt vời.
Có lẽ thông tin chưa có đầy đủ chưa chính xác, vai trò của ADB trong vấn đề giúp Việt Nam tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng ta phải chờ xem chứ chưa có ý kiến gì cả.
- Chuyên gia Bùi Kiến Thành 
Tuy nhiên, một ý kiến khác của ông Vũ Quang Việt cho rằng:
Tôi nghĩ cái này là đi ngược lại với chủ trương của ngân hàng ADB hoặc World Bank. World Bank hay ADB cũng như thế, là họ cho chính quyền vay. Và thương thường như vậy, người ta nhìn vào và người ta hành động trên cơ sở giúp các nền kinh tế của các nước đang phát triển và có thu nhập thấp phát triển lên để mọi người được hưởng, chứ bản thân những ngân hàng này không làm nhiệm vụ đi kinh doanh để tạo lãi.
Nhận định này tương đồng với ý kiến của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành khi trả lời Đài Á châu tự do trước đây:
Việc này chúng ta phải chờ xem cho chính xác và chi tiết chứ tôi không thấy ADB là một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ gì mà đi mua lại một ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Có lẽ thông tin chưa có đầy đủ chưa chính xác, vai trò của ADB trong vấn đề giúp Việt Nam tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng ta phải chờ xem chứ chưa có ý kiến gì cả.
Sai qui trình thực hiện
Ngân hàng nhà nước Việt Nam mua lại những ngân hàng yếu kém, có nợ xấu để tránh tình trạng ngân hàng bị phá sản là hoàn toàn đúng với hệ thống phổ quát của pháp luật ngân hàng, là việc bình thường đối với cách làm việc của các ngân hàng trên thế giới.
424cc947-0d4b-47b0-8b82-bec0faf13761-400.jpg
Giao dịch bên trong một ngân hàng ở Hà Nội. AFP photo
Tuy nhiên, ông Vũ Quang Việt đưa ra một vấn đề cho thấy rằng Việt Nam đã đi sai với qui trình thực hiện.
Có một ngân hàng được nhà nước mua với giá 0 đồng nhưng những người tổ chức của ngan hàng đó vẫn tiếp tục quản lý. Nghĩa là nhà nước giúp những anh tư nhân đó nên anh tư nhân đó lại được có lời, là nhà nước làm thay cho tư nhân. Điều đó hoàn toàn sai trái và đã xảy ra ở Việt Nam.”
Dựa theo cách phân tích của chuyên gia Vũ Quang Việt, nếu nhà nước đã mua lại ngân hàng yếu kém có nợ xấu với giá 0 đồng thì ngân hàng đó thuộc về nhà nướckhông còn một người nào ở ngân hàng đó có cổ phiếu nữa. Tất cả thuộc về nhà nước và nhà nước làm chủ, trở thành ngân hàng nhà nước.
“Tại sao nhà nước phải làm như vậy? Vì có nhiều người bỏ tiền vào ngân hàng, không lẽ ngân hàng đó phá sản thì những người gửi tiền sẽ mất sạch. Khi để xảy trường hợp như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến những ngân hàng khác nữa. Người dân sẽ chạy ra lấy hết tiền. Khi đó, hệ thống tài chính sẽ sụp đổ.
Theo truyền thống là có sự tách biệt giữa ngân hàng và công ty sản xuất phi tài chính. Còn ở Việt Nam, một công ty phi tài chính được lập ra ngân hàng.
- Chuyên gia Vũ Quang Việt 
Do đó qua Ngân hàng trung ương, nhà nước sẽ có hành động làm việc nhưng phải làm việc đúng. Trường hợp ở Việt Nam thì hoàn toàn sai trái.
Trong thời gian qua, để tránh trình trạng ngân hàng phá sản, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã mua lại ba ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng gồm Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank). Điều này được rất nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng nhận định rằng đó không phải là một phương cách giải quyết tốt.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn nói rằng tuy việc mua lại ngân hàng yếu kém có thể tạo hiệu ứng tốt trong thời gian ngắn nhưng “không phải là phương cách tốt nhất để giải quyết tình hình khủng hoảng của một số ngân hàng yếu kém mà cần một số giải pháp căn cơ hơn.”
Một trong những giải pháp khác mang tính vĩ mô hơn theo chuyên gia Vũ Quang Việt đó là Việt Nam cần thay đổi luật tín dụng, thay thế cho luật hiện hành mà theo ông, đã đưa đến tình trạng phá sản và yếu kém của nhiều ngân hàng hiện tại.
Theo truyền thống là có sự tách biệt giữa ngân hàng và công ty sản xuất phi tài chính. Còn ở Việt Nam, một công ty phi tài chính được lập ra ngân hàng. Một công ty xây dựng được lập ra ngân hàng. Và ngân hàng đó dùng đủ mọi cách để lấy tiền ký gửi để cho công ty an hem hoặc liên quan mượn tiền. Đưa đến nợ xấu là chuyện đương nhiên. Hệ thống ở Việt Nam nếu không thay đổi thì nếu không phá sản lần này sẽ phá sản lần khác.
Với những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên trong Diễn đàn phát triển Châu Á – ADB, có thể thấy tình trạng nợ xấu và các ngân hàng yếu kém đang là nỗi lo không chỉ của chính phủ mà sẽ là những khó khăn cho người dân trong nước. Hệ thống ngân hàng Việt Nam và cả luật tài chính hiện hành, như những chuyên gia ngân hàng nhận định, cần phải có sự cải tổ lớn để có thể thay đổi thực trạng mà vẫn không mất quyền kiểm soát.

No comments:

Post a Comment