VIỆT NAM (NV) – Miền Trung chìm sâu hơn trong nước. Những đợt mưa lớn liên tục trút nước xuống miền Trung cùng với thủy triều dâng cao khiến lũ chồng lũ và lụt trầm trọng hơn vì các hồ đồng loạt xả nước.
Một khối không khí lạnh nữa đang dịch chuyển từ Bắc vào Nam, kết hợp với nhiễu động của đới gió Ðông hiện diện ở miền Trung gây ra đợt mưa lớn thứ tư trong vòng chưa đầy một tháng. Chuyện này xảy ra khi dân chúng miền Trung chưa thể gượng dậy. Ba đợt mưa lớn từ hạ tuần tháng 11 đến đầu tuần này khiền lũ trở thành cực lớn, khiến các hồ chứa nước dành cho thủy lợi và thủy điện trên toàn miền Trung đồng loạt xả nước. Thiên tai có thêm sự góp sức của nhân họa đang tàn phá miền Trung.
Theo Ban Chỉ Ðạo Phòng-Chống Thiên Tai khu vực miền Trung, tính đến cuối ngày 14, có 12 hồ chứa nước dành cho thủy lợi và thủy điện ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh đang xả nước để tránh vỡ đập. Ðó là lý do khiến lũ quét xảy ra tại nhiều khu vực thuộc các tỉnh vừa kể. Vùng hạ du của tất cả các tỉnh này đang chìm sâu trong nước. Các khu vực bị cô lập giữa biển nước không còn ở phạm vi thôn, xã mà đã mở rộng đến cấp huyện.
Tuy nhiên số liệu vừa kể chưa chính xác. Các tin tường thuật về lũ lụt ở miền Trung cho thấy, những hồ dành cho thủy lợi và thủy điện ở Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng đang hối hả xả nước để tránh vỡ đập. Thậm chí dù bộ phận quản lý nhiều hồ tại khu vực miền Trung không xả nước thì nước trong các hồ vẫn ồ ạt tràn xuống khu vực hạ du với lưu lượng từ 400 khối/giây đến 600 khối/giây bởi lũ quá lớn, nước tự động tràn bờ.
Việc phê duyệt, cho phép xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đã hủy diệt hàng ngàn héc ta rừng đầu nguồn. Giờ song song với lụt là lũ quét, sạt lở đất. Lũ quét và sạt lở đất đã khiến đường sắt xuyên Việt tắc ở đoạn chạy ngang thành phố Nha Trang. Lũ quét và sạt lở đất còn cuốn trôi, vùi lấp hàng trăm căn nhà ở nhiều tỉnh. Nạn nhân mới nhất là một đứa trẻ 11 tuổi, ngụ tại phường Ðống Ða, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Ðình. Chiều ngày 15, đất, đá, bùn non từ núi Bà Hỏa đã vùi kín căn nhà của đứa trẻ này.
Do mưa lũ dồn dập, lụt, lũ quét, sạt lở xảy ra liên tục, tất cả các số liệu thống kê về thiệt hại nhân mạng, tài sản trở thành lạc hậu ngay khi vừa công bố. Trong ba đợt mưa lũ từ cuối tháng 11 đến đầu tuần này. Ban Chỉ Ðạo Phòng-Chống Thiên Tai khu vực miền Trung chỉ mới công bố thiệt hại nhân mạng của đợt mưa lũ thứ ba, từ 5 tháng 12 đến 11 tháng 12, theo đó có 12 người ở Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Ninh Thuận, Khánh Hòa thiệt mạng, 5 người bị thương. Tuy nhiên ngay sau đó, đợt mưa lũ thứ tư đổ đến, tạm tính thiệt hại nhân mạng theo tin tường thuật về đợt mưa lũ mới ở từng tỉnh thì ít nhất đã có thêm ba người dân miền Trung mất mạng, 6 người khác bị thương.
Vào lúc này rất khó có thể ước đoán thiệt hại về tài sản trong bốn đợt mưa lũ ở miền Trung Việt Nam vì diện tích ruộng vườn, số lượng gia súc, tài sản, nhà cửa, công trình công cộng bị chìm trong nước, bị sập, bị cuốn trôi, bị vùi lấp thay đổi liên tục. Dẫu không có con số cụ thể nhưng thiệt hại chắc chắn không dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Giữa lúc hàng chục ngàn dân cư trú tại nhiều nơi ở miền Trung đang dắt díu nhau chạy lũ, Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Việt Nam, cảnh báo đợt mưa lũ thứ tư sẽ kéo dài trong bốn ngày, từ 14 đến 18 tháng 12. Trời sẽ trút nước xuống một khu vực lớn, suốt từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Trong đó, khu vực từ Ðà Nẵng đến Phú Yên sẽ có mưa rất to, vũ lượng có thể lên đến 400mm. Tin này đến cùng lúc với bộ phạn quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy lợi và thủy điện thông báo sẽ tăng lưu lượng xả nước thêm hàng ngàn khối/giây.
Hôm 15 tháng 12, thủ tướng Việt Nam gửi một công điện cho chính quyền các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, yêu cầu “chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.” Người ta không rõ chính quyền các địa phương sẽ ứng phó thế nào, khắc phục ra sao khi không thể ngăn cả mưa to, lũ lớn và ngập lụt, lũ quét, sạt lở vốn đã trầm trọng do thiên tai lại còn trầm trọng hơn từ nhân họa do các hồ chứa nước dành cho thủy lợi, thủy điện xả ra. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment