Friday, December 16, 2016

Có đổi tiền hay không, tại sao?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-12-16  
Giao dịch bên trong một ngân hàng ở Hà Nội.
  Giao dịch bên trong một ngân hàng ở Hà Nội.  AFP photo
Tin đồn đổi tiền từ ba tuần qua vẫn âm ỉ trên thị trường và dân chúng Việt Nam bất kể chính phủ đã từng rất nhiều lần khẳng định đây chỉ là tin đồn nhảm và không có cơ sở.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từ Hoa Kỳ và hiện là cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc và Kinh tế trưởng (Chief Economist) của Vietbank (Ngân hàng Việt Nam Thương Tín) tại Sài Gòn để tìm hiểu thêm chi tiết về tin đồn này có thể thành hiện thực hay không, trước tiên TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết nhận xét của ông:
Thứ nhất không phải chỉ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng về tin đồn đổi tiến đâu mà rất nhiều người dân họ nói chuyện với tôi thì họ cũng hỏi tôi cái việc đổi tiền đó thực hư như thế nào. Một vài người bạn của tôi cũng đã bỏ tiền đi mua vàng nhưng rõ ràng giá vàng ngày hôm nay rớt xuống như thế này mà chuyện đổi tiển chưa thấy xảy ra.
... tôi đã trực tiếp hỏi viên chức Ngân hàng Nhà nước là có đổi tiền hay không và viên chức này cho biết rằng chuyện đó không có.
- TS Nguyễn Trí Hiếu
Theo tôi thì việc đổi tiền có lẽ không có cơ sở. Thứ nhất, nếu đặt vấn đề mục đích của đổi tiền trong lúc này chúng ta có thể tự hỏi tại sao phải đổi tiền trong lúc này? Nếu đổi tiền để chống tham nhũng thì cũng có thể là một lý do. Hay đổi tiền để điều chỉnh mệnh giá như một vài quốc gia đang làm.
Có những mệnh giá quá nhỏ thì phải đổi cho nó phù hợp, ngược lại có những quốc gia có đồng tiền mệnh giá quá lớn, hàng triệu đồng bây giờ phải đổi lại một đơn vị cho nó hợp lý. Cũng có người đặt ra vấn đề liệu rằng đồng tiền lúc này có phải như là những năm 80 khi mà chính phủ bắt đổi tiền nhưng lại hạn chế số tiền có thể đổi giống như kiểu tịch thu tài sản hay không?
Với tất cả những lý do đó thử nhìn lại trong thời gian hiện tại thì tôi thấy không có lý do gì để có thể đổi tiền. Thứ nhất là về vấn đề tham nhũng thì thật ra ngày hôm nay người ta tham nhũng với nhiều hình thức tinh vi hơn thay vì giữ tiền mặt. Ngày hôm nay họ có bất động sản, họ có thể có ngoại tệ, họ có thể có chứng khoán hay các loại tài sản khác chứ không phải chỉ có tiền mặt thành ra biện pháp đổi tiền để chống tham nhũng thì tôi nghĩ rằng không phải.
Thứ hai nữa đổi tiền vì mệnh giá thì hiện tại tôi thấy mệnh giá của tiền Việt Nam có những tiền xu thì chẳng ai dùng cái tiền xu nữa mặc dù nó vẫn còn lưu hành đâu đó trên đất nước Việt Nam. Đồng tiền giấy với mệnh giá như hiện nay tôi thấy không có vấn đề gì cần phải thay đổi mệnh giá cả. Thành ra vấn đề thay đổi tiền vì mệnh giá không có cơ sở.
Rồi bảo là dùng tiền đó để có thể quốc hữu hóa tài sản thì tôi nghĩ rằng hiện tại Việt Nam không cần quốc hữu hóa vì Việt Nam đi vào kinh tế thị trường và chấp nhận người giàu, khuyến khích người dân có tài sản và giữ tài sản thành ra tôi thấy lý do đổi tiền tại thời điểm này không có cơ sở.
Cuối tuần vừa rồi tôi có tham dự cuộc hội thảo tại Thanh Hóa trong đó người tham dự, diễn giả có cả đại diện Ngân hàng Nhà nước tôi đã trực tiếp hỏi viên chức Ngân hàng Nhà nước là có đổi tiền hay không và viên chức này cho biết rằng chuyện đó không có.
Sống trong tin đồn
Mặc Lâm: Thưa TS chắc ông còn nhớ trước đây Bộ trưởng công an Tô Lâm và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lên tiếng cho rằng cần huy động vàng trong dân chúng để phát triển. Điều này gây hoang mang cho nhiều người và phải chăng có nguyên nhân xa gần nào đó trong tin đồn đổi tiền lần này?
000_SAHK980714282390-400.jpg
Chợ đổi đô la vỉa hè ở Huế. AFP photo
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không nghĩ là có sự liên quan. Tôi không nghe những người lo lắng việc đổi tiền có nhắc tới vấn đề vàng và tôi không thấy có sự tương quan. Đúng là chính phủ cũng quan tâm tới vấn đề làm sao kéo được hàng nghìn tấn vàng trong dân chúng. Nó được chôn dưới gầm giường, trong sân nhà hay nằm trong tủ sắt của người dân. Nều số vàng đó nó nằm một cách im lặng như vậy thì đúng là một sự lãng phí trong khi có thể dùng số vàng đó để vay vốn của nước ngoài bằng cách dùng số vàng đó để bảo đảm hay cũng có thể đi vào sản xuất kinh doanh.
Chính phủ rất quan tâm làm sao có được số vàng này và trong thời gian vừa qua chính tôi cũng là người đóng góp trong vấn đề làm sao kéo được hàng trăm tấn vàng đó ra để sử dụng. Tôi dã đề nghị số vàng đó được huy động nếu Ngân hàng Trung ương đứng ra phát hành tín chỉ vàng huy động và trả lãi trên số vàng đó.
Bên cạnh đó lập ra một sàn giao dịch vàng để tất cả các hoạt động giao dịch vàng được thông thoáng, minh bạch trên thị trường vàng thì đó là đề nghị của tôi. Nhưng bảo rằng vì chính phủ lo lắng làm sao kéo được số vàng ra khỏi dân nên bây giờ có vấn đề đổi tiền thì tôi không nghe nói gì ở trong nước là có sự tương quan đó và tôi không nhìn thấy sự tương quan làm sao kéo được số vàng đó bằng cách đổi tiền.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục có một chính sách tuyên truyền rộng rãi để cho người dân hiểu được việc đổi tiền là không có cơ sở và không xảy ra trong lúc này.
- TS Nguyễn Trí Hiếu
Mặc Lâm: Với sự hiểu biết của TS, nếu người dân tiếp tục sống trong tin đồn như thế này thì chắc chắn một ngày nào đó kinh tế sẽ gặp phản ứng một cách tiêu cực, theo ông chính phủ cần có biện pháp nào làm cho người dân tin rằng không có chuyện đổi tiền xảy ra thay vì lo bắt giữ, bịt miệng tin đồn?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trở lại vấn đề làm sao chính phủ có thể ngăn chặn điều này hoặc là triệt tiêu tin đồn này thì tôi nghĩ hành động như chính phủ Việt Nam đã làm và ngay Thủ tướng cũng đã ra mặt để nói vấn đề đổi tiền là không căn cứ. Rồi Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã lên tiếng chuyện này và trên báo chí Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông điệp là chuyện đổi tiền là không căn cứ.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục có một chính sách tuyên truyền rộng rãi để cho người dân hiểu được việc đổi tiền là không có cơ sở và không xảy ra trong lúc này.
Ngoài ra vấn đề chính cho người dân an tâm không những lúc này là lúc có tin đồn mà những lúc khác nó sẽ xảy ra. Vấn đề chính là làm sao tạo cho người dân tin tưởng vào tiền đồng Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment