Lê Việt Hà Theo VOA-29.12.2016
Ở bậc phổ thông, mọi người chúng ta đều đã học bài toán tính tỷ lệ phần trăm tăng (giảm), chẳng hạn một chủ tiệm phở nói:
Hôm qua tôi bán được 50 tô phở
Hôm nay tôi bán được 70 tô phở
Hôm nay tôi bán được 70 tô phở
Như vậy hôm nay số tô phở được bán đã tăng so với hôm qua 70 tô - 50 tô = 20 tô. Tỷ lệ số tô phở bán được tăng: 100% x (70 - 50)/50 = 40% (lấy số mới trừ số cũ chia cho số cũ, rồi tất cả nhân 100%). Ở đây các con số được khảo sát là 70, 50 và có đơn vị cụ thể là “tô”.
Một vấn đề nảy sinh là nếu các con số biến thiên vừa nêu không phải là các con số có đơn vị cụ thể, mà là các con số tỷ lệ phần trăm biến thiên thì chúng ta sẽ thể hiện chúng như thế nào?
Lấy thí dụ công ty nọ có 20% nhân viên là kỹ sư, sau 3 năm hoạt động công ty có 28% nhân viên là kỹ sư, vậy số kỹ sư tăng 28% - 20% = 8% ?
Nếu diễn tả con số 8% như vậy thì sẽ làm lộn xộn và dễ nhầm lẫn với phép toán 100%(28 - 20)/20 = 40%, phép toán này mới luôn luôn đích thị là phép toán tính tỷ lệ phần trăm biến thiên. Còn con số 8% vừa kể là con số viết sai và gây hiểu lầm khôn lường trong kinh tế. Đây là hậu quả của việc các giáo sư biên soạn sách giáo khoa về toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo VN trong suốt hơn một thế kỷ cho đến nay vẫn không hề nhận ra môn Toán thiếu sót một khái niệm đơn giản nhưng quan trọng, đó là khái niệm “điểm phần trăm”.
Ý nghĩa
Đã dùng ký hiệu phần trăm (%) là liên quan đến bài toán chia, bài toán tỷ lệ. Còn “điểm phần trăm” là nêu lên sự chênh lệch tuyệt đối giữa hai số phần trăm, nó chỉ có ở bài toán trừ. Hai khái niệm này cần phân biệt thật rõ ràng. Do đó trường hợp vừa nêu nếu chỉ mô tả biến thiên tuyệt đối (bài toán trừ) thì số kỹ sư tăng là 28 - 20 = 8 điểm phần trăm (chứ không phải 8%).
Tóm lại: Học sinh VN mới chỉ biết khái niệm % (percent) t= [(x2 - x1)/x1].100%], nhưng chưa biết khái niệm x2 - x1 gọi là điểm phần trăm (percentage point).
Ngày 14/12/2016 Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (the Federal Reserve System) tăng lãi suất từ 0,5% lên 0,75%, tức tăng 0,25 điểm phần trăm (CNN viết rõ : Fed officials raised its target for short-term interest rates by 0.25 percentage points to a range of 0.50% and 0.75%.), thì sáng hôm sau 15/12/2016 bản tin kinh tế trên tờ Tuổi Trẻ viết sai như sau: “Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên mức 0,75% vào rạng sáng ngày hôm nay” (đúng ra phải viết 0,25 điểm phần trăm) - xem hình dưới.
Từ "point de pourcentage" (trong tiếng Pháp) cũng như từ "percentage point" (trong tiếng Anh) là hai từ khá thông dụng trong tính toán đời thường, mậu dịch, tài chính, thống kê… (có thể tham khảo thêm cuốnOxford Dictionary of Weights, Measures, and Units, trang 216, của tác giả Donald Fenna, hoặc cuốn Oxford Study Mathematics Dictionary, trang 16). Nhưng sự hội nhập quá chậm chạp của Việt Nam với thế giới khiến chúng hoàn toàn bị bỏ rơi, chẳng được cuốn từ điển Việt Nam nào chú ý đến. Sự thiếu sót đó khiến ngay cả ngân hàng trung ương ở VN như Vietcombank đến các ngân hàng thương mại như ACB, OCB… vẫn thường viết sai!
Tỷ lệ phần trăm percent với điểm phần trăm percentage point (viết rời) rõ ràng khác nhau. Tỷ lệ phần trăm (percent) là một phân số mà mẫu số luôn luôn là con số 100, do đó nó luôn có ký hiệu % sau đuôi, trong khi đó điểm phần trăm (percentage point) lại là một con số thông thường (tử số), người ta thêm chữ “điểm” sau đuôi của nó để nhấn mạnh sự biến thiên tuyệt đối (absolute change) hai số tỷ lệ phần trăm, quan trọng nhất là để phân biệt với tỷ lệ phần trăm tăng / giảm (rate of increase / rate of decrease) trong các phép tính thống kê.
Vì sao cần đến điểm phần trăm?
Có những thứ ở ngoài xã hội, con số tỷ lệ phần trăm mô tả mặc dù chính xác nhưng không phản ảnh được bức tranh thật, đôi khi tạo ngộ nhận rất buồn cười! Trong những trường hợp đó, điểm phần trăm sẽ cho cái nhìn đúng thực tế.
Ví dụ 1:
Năm trước có 1 người thất nghiệp trong 1000 người (0,1%), năm nay có 2 người thất nghiệp trong 1000 người (0,2%), rõ ràng con số năm nay dù tăng cũng không đến nỗi gây bất an vì nhỏ. Nhưng bạn hãy hình dung một nhà chính trị đảng phái khác đang vận động kiếm phiếu trong năm nay tranh thủ tuyên bố “tấn công” với màu sắc mỵ dân: Thật là đáng buồn cho đảng cầm quyền khi họ đã “sản xuất thêm” cho xã hội ta một lượng người thất nghiệp mới, tỷ lệ tăng là 100%!
Rõ ràng về mặt tính toán toán học họ không hề sai [(2-1):1] x100% = 100%, nhưng về mặt logic thực tế là tạo ngộ nhận cho độc giả nếu không nhìn rõ nguồn cơn!
Ví dụ 2:
Giả sử năm ngoái trong 2000 ca phẫu thuật tim trẻ em có 1 trẻ tử vong (0,05%), năm nay số trẻ tử vong là 2 trong 2000 ca (0,1%). Rõ ràng tỷ lệ thất bại này không cao so với năm ngoái và có thể chấp nhận được, nhưng một cậu nhà báo vào nghe ngóng và giật tít: SỐ CA TRẺ TỬ VONG TRONG PHẪU THUẬT NĂM NAY TĂNG 100%! (cũng từ bài toán [( 2-1):1]x100% = 100%)
Rất nhiều nhà báo VN (kể cả báo chí Anh/Mỹ) hoặc do chưa hiểu hoặc do ...“cong ngòi”, hay các nhà chính trị trên thế giới ngày nay vẫn tiếp cận và đưa thông tin theo cách này, đặc biệt các đối thủ chính trị xã hội thích dùng thủ thuật chạy tít kiểu đó vì không ưa nhau (!).
Mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng và thực tế hơn nếu họ dùng biến thiên tuyệt đối:
Số người thất nghiệp trong năm nay tăng 0,2 - 0,1 = 0,1 điểm phần trăm;
Số trẻ tử vong do phẫu thuật thất bại tăng 0,1 - 0,05 = 0,05 điểm phần trăm.
Số trẻ tử vong do phẫu thuật thất bại tăng 0,1 - 0,05 = 0,05 điểm phần trăm.
Tuy tăng, nhưng chọn con số mô tả thích hợp sẽ không làm ai hoảng hồn.
Kết luận
Với các ý nghĩa sau khi lĩnh hội, chúng ta có thể thấy rằng để dùng đúng các khái niệm, không thể chỉ một người mà đòi hỏi rất nhiều người Việt Nam cùng hợp sức.
Một cái sai đơn giản và một cái đúng cũng đơn giản nhưng sửa sai thì lại rất không đơn giản vì nó đã thấm thành thói quen, nhưng nếu muốn hội nhập với nền kinh tế thế giới thì bắt buộc phải nhanh chóng sửa sai để tránh bị tụt hậu và lãnh những hậu quả không mong muốn khác (các vụ kiện có thể đáng tiếc hơn vụ Letard với Liên đoàn bóng đá VN hay vụ luật sư Maurizio Liberati với VN Airlines chẳng hạn).
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment