Friday, December 30, 2016

Nhân một đám tang, giở lại gia phả tộc họ XHCN

Giang Nam-28-12-2016
(VNTB) - Cổ nhân Việt Nam trải qua nghìn năm văn hiến từng dặn con cháu sống đừng để “Ma chê cưới trách”. Bíết vậy nhưng con cháu khi lâm sự vẫn cứ sai lầm thiếu sót. Và thiên hạ vẫn đàm tiếu lai rai với những đám tang, đám cưới mắc nhiều sơ suất.
Nhân dịp năm 2016 họ tộc xã hội chủ nghĩa chúng ta có đám tang. Đám tang là dịp thành viên họ tộc gặp nhau chia buồn với tang chủ, đồng thời kiểm điểm sĩ số ai còn ai mất.
Lần giở cuốn gia phả họ tộc mang danh tính XHCN
Tính theo tuổi Đảng: các vị bô lão cao niên nhất trở xuống ngồi chiếu trên gồm có:
Thủ quân là Đảng CS Liên Xô, tiền thân là Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga /bolshevik sinh năm1912.
Thứ nhì là Đảng CS Trung Quốc sinh năm 1921.
Thứ ba là Đông Dương CS đảng (chủ chốt là Đảng CS Việt Nam) sinh năm 1930.
Số còn lại trong họ tộc 13 nước XHCN do Đảng CS cầm quyền đều sinh sau đẻ muộn so với ba bậc nguyên lão.
Đẻ muộn nhất, tức Em Út, là Đảng cộng sản Cu ba sinh năm 1965.
Hai Đảng lên cầm quyền muộn nhất là:
Đảng Cuba cầm quyền năm 1960.
Đảng Lào cầm quyền năm 1975 (mặc dù Lào có tuổi đảng sinh ba với Việt Nam và Campuchia: 3 thành viên Đông Dương cộng sản Đảng 1930) nhưng số phận long đong èo uột nhất.
Đảng CS Nam Tư từ bỏ họ tộc sớm nhất, tức từ bỏ hệ thống XHCN, khoảng năm 1974.
(Bộ máy tuyên truyền Việt cộng có ý bưng bít sự kiện này. Thông tin truyền thông đài báo, hội nghị học chính trị miền Bắc trước đây cố ý bỏ qua sự kiện “con chim bỏ đàn”. Ai biết được tin tức chỉ là do nghe lõm bõm từ đài radio BBC, VOA thường bị cấm nghe hoặc từ người nhà cán bộ cao cấp rò rỉ ra).

Đảng kế tiếp rời bỏ họ tộc là: Khmer Đỏ Campuchia, vào năm 1979.
Trải qua dâu bể tang thương, ngày nay còn sót 5 đảng cầm quyền tuyệt đối, ở 5 quốc gia Trung Hoa lục địa, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam.

Đặc biệt có hai đảng đặt tên sai trong “giấy khai sinh”: Đảng CS Trung Hoa và Đảng CS Việt Nam (gọi tắt là Trung cộng và Việt cộng). Tên khai sinh đúng như cha mẹ đặt phải là bản dịch chữ Hán và Việt của tiếng Đức - tiếng nói của ông tổ họ Các Mác “Der Kommunistischen Partei” hoặc chí ít “The Communist Party” (tiếng Anh), dịch đúng để ghi Giấy khai sinh phải là “Đảng cộng đồng”.

Bây giờ nhìn qua danh sách họ tộc theo thứ tự abc, theo trí nhớ của những người đồng tộc trước 1975, cái thời thỉnh thoảng họ tộc XHCN họp hội giao lưu tưng bừng.

Họ tộc XHCN 13 thành viên xếp theo thứ tự tên nước:
1. Albania  2. Ba Lan  3. Bắc Triều Tiên  4. Bulgaria  5. Cu ba 6. Đức (Đông Đức)
7. Hungary  8. Liên Xô  9. Mông Cổ  10. Nam Tư  11. Romania  12.Tiệp Khắc
13. Việt Nam (DCCH).

Có thể coi Lào là thành viên trẻ nhất gia nhập dòng tộc XHCN tới nay (không kể giai đoạn ban đầu) không phải thành viên 13 nước.

Có thực phe XHCN (và Cu ba) “ủng hộ to lớn” cho Việt Nam ?

Sử sách hiện đại Việt Nam nói như thế có đúng đắn không ?
Cuộc chiến tranh lạnh (The Cold War) giữa hai hệ thống XHCN và TBCN cũng gọi cuộc chiến Ý thức hệ, diễn ra trên diện rộng. Thực ra trong đó đã xảy ra chiến tranh nóng cục bộ, và nóng lạnh lẫn lộn. Đó là cuộc chiến tranh Đông Đương lần 2 chen vào và chồng lấn với cuộc NỘI CHIẾN Việt Nam 1954- 1975.

Trong cuộc chiến nóng, hai phe đã chọn Việt Nam là chiến trường. Các nước đồng minh đóng góp cho hai bên thì gọi là “góp phần trách nhiệm theo phân công”, không thể gọi là ủng hộ.
Việt Nam đã góp phần lớn nhấtxương máu nhân dân và tài nguyên đất nước.
(không kể một số rất ít chuyên gia Liên Xô và Trung Cộng thiệt mạng ở Việt Nam khi làm cố vấn quân sự).
12 thành viên họ tộc chỉ góp tài lực, vũ khí, trang bị, lương thực và tiền bạc.

12 nước trong họ tộc xhcn phải ghi nhận và biết ơn công lao hãn mã của Việt Nam mới đúng đạo lý [1]* nếu họ vẫn coi quá khứ là chính nghĩa.

Xét cho cùng, ai đóng góp nhiều nhất cho cuộc chiến Ý thức hệ ?
Ai cần biết ơn ai ?
Nhân dân Việt Nam có cần biết ơn các nước trong tộc họ XHCN hay không ?
Hai câu hỏi lịch sử của thế kỷ 20, chính người Việt có thể tự trả lời chính xác, công bằng và sòng phẳng.
Tuy nhiên nếu cần kể phần “đóng góp tài lực” to lớn nhất thì dễ biết đứng đầu danh sách là Liên Xô và Trung cộng.

Thời chiến tranh Việt Nam, hai nước Cuba và Việt Nam đều nhận viện trợ khủng kéo dài của Liên Xô. Cuba lấy đâu ra nhiều của cải mà ủng hộ VN ? Hẳn là Cuba phải nhín bớt phần viện trợ của Liên Xô để sớt cho Việt Nam thì có (lá rách ít đùm là rách nhiều ?).
Bây giờ, những người dân trưởng thành trước 1975 ở miền Bắc hẳn còn nhớ bản thân mình hưởng lợi gì từ viện trợ của họ tộc XHCN ?
Hầu như, câu trả lời sẽ là con số 0 to tướng.

- Lương thực do người dân xã viên hợp tác xã làm ra và được chia sau khi HTX giữ đóng thuế và chuyển ra chiến trường.

- Nghĩa vụ chăn nuôi: Mỗi hộ nông dân còn phải góp lợn, gà hàng năm bán giá rẻ cho nhà nước như một nghĩa vụ thuế (!) Nhà không nuôi được gà lợn thì phải đi mua để giao nghĩa vụ.

- Hàng công nghiệp tiêu dùng do nền công nghiệp nhẹ trong nước èo uột lạc hậu cung cấp cho dân sinh. Phần lớn đem phân phối theo sổ, ưu tiên công chức.

 - Chế độ tem phiếu, chủ yếu áp dụng cho công chức và dân thành thị.  Dân nông thôn  tự lo bươn chải, mua lại của công chức hoặc mua hàng lậu.

- Dân thường cũng có “chế độ ưu tiên” hạn chế như: đám cưới được mua 4 mét vải may đồ cưới,  đám tang  được mua 10 mét vải xô may khăn áo tang. Khi lâm sự, làm đơn ra xã phường lấy giấy của lãnh đạo đi xếp hàng mà mua.
- Công chức và dân thành thị ăn gạo sổ, gạo chất lượng kém, dành số chất lượng cao cho quân đội. Bột mỳ  từ Liên Xô Trung Quốc viện trợ, phân phối kèm thay một phần trong sổ gạo. Thường  xuyên là gạo mốc và mì mọt
- Chế độ tem phiếu: tùy thuộc vào vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệp mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như người dân lao động được phát tem phiếu mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng.

Cán bộ cao cấp (chóp bu) hưởng tiêu chuẩn đặc biệt A1; phiếu A dành cho bộ trưởng; thứ trưởng phiếu B; trưởng các cục, vụ, viện phiếu C và có các cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tông Đản, phố Nhà Thờ, phố Vân Hồ (Hà Nội) v.v..... Lúc bấy giờ dân gian Hà Nội có câu ca:
Tông Đản là của vua quan
Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân là của thương nhân
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.

- Đặc biệt gia đình cán bộ cao cấp nhất có cửa hàng phục vụ nhu yếu phẩm cao cấp không treo biến (?!) Dân Hà Nội ai cũng biết căn nhà số 4 phố Tông Đản dành cho phiếu A. Anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh từng kể trong một bài báo “gia đình anh hàng ngày mang cuốn sổ đến số 4 Tông Đản, lấy sữa tươi, bơ phó mát, đường trắng hạng nhất.vv…”*[2]. Trẻ em sơ sinh, bệnh nhân nằm trong bệnh viện không thèm biết đến mùi sữa bò Cu ba từ nông trường Ba Vì (Những thùng sữa ấy lẳng lặng tuồn về những cửa hàng nửa bí mật nửa công khai không treo biển).

- Hàng lậu: bày bán chợ đen. Hàng tiêu dùng trong nhà máy do công nhân “cầm nhầm” mang về nhà kiếm thêm. Hàng lặt vặt xách tay về từ các nước XHCN và hàng lậu biên giới Trung cộng nhỏ giọt.
- Một số lớn du học sinh Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu mà phần lớn là ưu tiên con quan chức, thứ yếu chọn theo chế độ chính sách ưu tiên con liệt sĩ thương binh, phần chót dành cho học lực.
Cuộc sống nhân dân cơ cực kể sao cho xiết.
Vậy mà tư  lệnh tối cao tuyên bố “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ”…
Nhân dân sợ lắm, ngán lắm chứ. Nhưng họ đâu có quyền lựa chọn khác.
Sống chết mặc bay, tầng  lớp cao cấp vẫn bình chân như vại. Theo lời lãnh tụ, chiến tranh kéo dài 100 năm nữa cũng chẳng sao.
Nhân Dân số đông với cuộc sống cơ cực bần tiện mắc mớ gì phải mang ơn các nước XHCN ?
Đài báo Việt Nam đã nêu lý do quốc tang ông Fidel Castro Ruz như thế nào ?
Thông cáo của nhà cầm quyền VN (ngắn gọn, xin lưu ý những từ khóa mà người viết gạch chân):

Đồng chí Fidel Castro là người bạn lớn, người đồng chí, anh em vô cùng gần gũi và thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi Cách mạng Cuba thành công, sau đó hai nước Cuba và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/12/1960, đồng chí Fidel Castro đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều thế hệ Lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, phát triển mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Đồng chí Fidel đã thăm chính thức Việt Nam ba lần vào tháng 9/1973, tháng 12/1995 và tháng 2/2003; đồng chí là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm vùng mới được giải phóng ở tỉnh Quảng Trị vào tháng 9 năm 1973 và cũng là nguyên thủ quốc gia đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp tái thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay…”
Đặc biệt đài báo ra rả nhắc “câu nói nổi tiếng” của Fidel: “vì Việt Nam Cu ba sẵn sàng hiến cả máu của mình”.

Bàn luận
Quốc tang - những lý do mơ hồ:
-          Cu ba ..vô cùng gần gũi và thân thiết
-          hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau
-          đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa …
Quốc tang- những lý do cụ thể nhưng rất nhẹ ký mang vẻ lãng mạn:
- Cuba và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/12/1960 ( nước khác thiết lập quan hệ sớm hơn nhiều thì sao?)
- Fidel ba lần đi thăm vùng giải phóng…
      - Cu ba sẵn sàng hiến cả máu của mình”(lời hứa Fidel, tuy nhiên chưa hiến giọt nào).

KẾT LUẬN

Quốc tang Fidel gây bất ngờ cho tất cả người dân trong, ngoài nước
Bởi vì đây là ngoại lệ độc nhất xưa nay ở Việt Nam.
Bộ máy Tuyên truyền cố gắng trưng ra mấy lý do như trên nghe rất là gượng gạo.
Người dân phản biện rất dễ dàng.
Thực chất toan tính của nhà cầm quyền qua vụ này là gì ?
Họ muốn gửi Thông điệp gì  tới nhân dân và quốc tế ?
Phải thế này chăng, theo logic loại trừ các lý do không ổn, khó thuyết phục.
Nhà cầm quyền muốn chứng tỏ lập trường kiên định, dù thế nào cũng DUY TRÌ HỌ TỘC XHCN ?
***
Thi hào Nguyễn Du tả cảnh Vương Thúy Kiều buồn rầu viếng mộ Lưu Đạm Tiên. Nàng Thúy Vân trách chị ruột:
“Vân rằng chị cũng nực cười
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”.
Vẫn biết lời trách của Thúy Vân có chút thiếu nhân tình. Những người mê tín thì bảo Thúy Kiều tự rước cái xui xẻo vào mình, để sau này lại phải theo gót Đạm Tiên.


*[1] . Công lao hãn mã. Hãn mã: mồ hôi ngựa. Ý nói người lính chiến gian khổ.
[2]* . Tôi có người anh là cựu chiến binh trở về nhà sau 1975. Lĩnh lương phục viên một cục rồi theo đít trâu ra đồng cày ruộng. May mắn anh có đứa con gái lọt vào làm nhân viên ở Thành ủy Hà Nội. Hôm rồi tôi kể chuyện cửa hàng số 4 Tông Đản…Anh lầm bầm “chẳng thế thì thế nào !”. Nghĩa là, anh ta cho rằng bọn họ giành ưu tiên cho cán bộ cao cấp ăn trên ngôi trốc như vậy là đúng đạo lý. Chẳng có gì phải phàn nàn.
Than ôi não trạng đầy tớ của một bộ phận không nhỏ cựu chiến binh anh hùng là như thế đấy. Bó tay !
--------------------
Bài viết trên mục Diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả

No comments:

Post a Comment