Rất nhiều báo cáo, bài báo và phát ngôn của giới quan chức CSVN đã luôn cho rằng Việt Nam là một quốc gia tự do báo chí và tự do Internet. Những báo cáo và phát ngôn này được ra rả đọc và nói tại các diễn đàn quốc tế, và ngay tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc – tổ chức mà giới lãnh đạo CSVN tham gia từ tháng 11/2013 đến nay.
Sự thật là thế nào?
Gần đây, Tổ chức Phóng viên không biên giới một lần nữa phải đề cập đến “Kẻ thù của Internet” nhắm đến giới lãnh đạo CSVN. Còn trong báo cáo năm 2016, tổ chức Freedom House – Hoa Kỳ xếp hạng Việt Nam không có tự do Internet và được liệt vào hạng thấp nhất của Đông Nam Á.
Nếu chỉ nhìn trên bề mặt, tỷ lệ người tham gia Internet ở Việt Nam là rất cao so với một số nước trong khu vực. Chỉ trong năm 2015 tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam tăng từ 48% lên 53%. Trong khi Campuchia chỉ có 19%, Myanmar chỉ có 22%, ngay cả nước được cho là hơn hẳn Việt Nam về kinh tế như Thái lan cũng mới được 39%, hay 22% ở Indonesia.
Ở Việt Nam người có điện thoại thông minh xài 3G tăng trưởng nhanh kể từ năm 2009 và năm 2015 có đến 29.3 triệu người sử dụng mạng 3G, truy cập internet với tốc độ 5Mbps, sắp tới sẽ có cả mạng 4G. Campuchia chưa có 3G phổ biến; Indonesia chỉ có tốc độ truy cập 3,0 Mbps kém xa Việt Nam; Myanmar còn chưa có 3G và vẫn dùng mạng cố định, tốc độ internet chậm chạp và rất đắt đỏ. Thái lan có nhỉnh hơn Việt Nam với tốc độ truyền tải là 20Mbps.
Tuy nhiên, chính quyền và công an chỉ mở Internet cho các mục đích vô thưởng vô phạt như chơi game online. Thậm chí, trong nhiều năm qua họ còn “buông” cơ chế quản lý hình ảnh và nội dung khiêu dâm trên mạng. Nhưng với các tin tức, bài bình luận có tính phản biện và phản kháng đối với chế độ cầm quyền thì bị siết rất gắt gao.
Năm 2013, một văn bản gọi là Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã đặt ngoài vòng pháp luật việc sử dụng blog và các trang mạng xã hội để chia sẻ thông tin về tình hình thời sự. Nghị định này đánh dấu một bước lùi mới trong chiến dịch mà nhà cầm quyền nhằm vào việc sử dụng tiện ích Internet hiện đại như một công cụ thông tin độc lập và như một đối trọng gây phiền toái cho các phương tiện truyền thông truyền thống ở Việt Nam, vốn bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng.
Từ trước khi Nghị định 72 ra đời, công an CSVN đã thiết lập chế độ tường lửa để ngăn chặn đến mức tối đa các trang web và blog bị coi là “độc hại”. Về sau này, không chỉ web và blog mà cả một số trang facebook cá nhân cũng bị ngăn chặn.
Những trang báo mạng và blog thường bị công an ngăn chặn mạnh tay nhất và thường xuyên nhất là Việt Nam Thời Báo (Hội Nhà báo độc lập Việt Nam), Bauxite…
Thậm chí vào những thời điểm nổ ra các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường ở Hà Nội và Sài Gòn vào tháng 5/2016, hay cuộc biểu tình của giáo dân – ngư dân miền Trung phản đối Formosa, mạng facebook đã bị đóng thẳng tay trong một khoảng thời gian nhất định.
Giới quan chức và công an CSVN thường ngụy biện rằng tự do Internet là tự do trong khuôn khổ pháp luật”. Nhưng các tổ chức nhân quyền quốc tế lại thừa hiểu rằng đó là sự tự do của một kẻ chuyên áp chế quyền con người.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment