Tuesday, December 6, 2016

Hai lãnh đạo báo Thanh Niên bị ‘rút thẻ’ vì ‘nước mắm’

Báo Thanh Niên xin lỗi và gỡ bỏ loạt bài “đánh” nước mắm truyền thống. (Hình: NV cắt từ Internet)
HÀ NỘI (NV) – Hai lãnh đạo của tờ Thanh Niên vừa bị rút thẻ nhà báo sau khi bị cách chức vì vụ báo này tiếp tay cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Vinastas “đánh” nước mắm truyền thống làm dư luận hoang mang.
Infonet, báo chính thống của Bộ Thông Tin và Truyền Thông (4T) loan báo tin này về “quyết định” của ông Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn và được một số báo trong nước loan theo. Nội dung “quyết định” này nói rằng ông Tuấn thi hành “Luật Báo Chí” để rút thẻ hành nghề của ông Ðặng Ngọc Hoa, phó tổng biên tập và ông Võ Văn Khối, tổng thư ký tòa soạn báo in báo Thanh niên, mà không kể rõ tội trạng.
Tuy nhiên, người ta biết hai ông này đã bị rút thẻ nhà báo vì liên quan đến loạt bài hồi tháng 10 của báo Thanh Niên viết về nước mắm truyền thống nhiễm thạch tín dựa theo cuộc khảo sát của tổ chức người tiêu dùng Vinastas. Thấy đề tài hấp dẫn, có đến 50 tờ báo ở Việt Nam nhào vào khai thác.
Ngày 21 tháng 11, 2016, Bộ 4T loan báo phạt tất cả 50 cơ quan báo chí mà tờ Thanh Niên bị phạt nặng nhất với số tiền phạt là 200 triệu đồng. Bộ 4T kể tội rằng “trên cơ sở khảo sát độc lập bằng cách thu mua 106 mẫu nước mắm thành phẩm bày bán trên thị trường gửi đi xét nghiệm, ngày 12, 10, Báo Thanh Niên đăng bài “Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín,” đưa ra nhận định nước mắm có nồng độ đạm càng cao thì khả năng tỉ lệ nhiễm thạch tín càng cao và công bố kết quả: “80/106 mẫu vượt ngưỡng thạch tín.”
Tờ Thanh Niên “cầm đèn chạy trước ô tô” rồi đến ngày 17 tháng 10, 2016, Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam (Vinastas) mới công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu được sản xuất tại các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và 1 mẫu của Thái Lan. Trong đó. Vinastas kết luận “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95.65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định,” đưa ra kết luận: 101/150 mẫu khảo sát không đạt quy định theo quy chuẩn của Bộ Y Tế.
Bộ 4T cáo buộc rằng, “Kết quả công bố của báo Thanh Niên cũng như Vinastas là mập mờ, không giải thích giữa 2 loại asen hữu cơ và asen vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại. Ðặc biệt, nhấn mạnh các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. Trong khi đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm được ban hành theo thông tư số 02/2011 của Bộ Y Tế chỉ quy định giới hạn đối với asen vô cơ, còn asen hữu cơ không quy định giới hạn,” theo sự tường thuật của tờ Người Lao Ðộng.
Từ kết quả khảo sát của báo Thanh Niên và Vinastas, tờ Người Lao Ðộng thuật lại cáo buộc của Bộ 4T là “nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt đăng tải thông tin sai sự thật, được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ bài viết; trên mạng xã hội loan truyền thông tin lo ngại về sức khỏe cộng đồng khi dùng nước mắm truyền thống. Danh sách 67 loại nước mắm vượt ngưỡng asen được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội bởi các nghệ sĩ, diễn viên, người dùng.”
Theo sự kiểm đếm của Bộ 4T, “Từ ngày 12 đến 23 tháng 10, truyền thông xã hội có trên 44,000 bài viết, 95,000 lượt chia sẻ, 108,000 thảo luận, trên 63,000 bình luận. “Ðỉnh điểm là ngày 18 tháng 10, sau khi Vinastas công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu, trên mạng xã hội có trên 42,275 thảo luận.”
Bộ 4T cáo buộc, “50 cơ quan báo chí đã cho đăng gần 560 tin, bài (170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật từ Báo Thanh Niên và Vinastas; 390 tin, bài thông tin kết quả công bố từ Bộ Y tế và các cơ quan chức năng).”
Nhiều phần, trước áp lực của nhà cầm quyền, Vinastas ngày 28 tháng 11, 2016 chính thức gửi lời xin lỗi gửi tới người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm và nhà cầm quyền về kết quả khảo sát nước mắm mà hiệp hội này đã thực hiện và công bố vào tháng 10 vừa qua. Tổ chức này khai ra rằng họ nhận được tiền tài trợ từ công ty TNHH liên doanh T&A Ogilvy.
Công ty T&A Ogilvy là một công ty dịch vụ quảng cáo chi tiền cho Vinastas khảo sát nước mắm làm gì, và cho ai hưởng lợi khi nước mắm truyền thống bị tẩy chay, hiện giờ vẫn là câu hỏi chưa được trả lời.
Mới tuần trước, cả tổng biên tập và một ký giả của tờ “Nhà Báo và Công Luận” đều bị “đình chỉ” với những tội trạng bị cáo buộc khác nhau nhưng có thể liên quan đến nhau. Tổng biên tập tờ Nhà Báo và Công Luận là Nguyễn Ngọc Niên đã bị cơ quan chủ quản là “Hội Nhà Báo Việt Nam” đình chỉ công tác 1 tháng vì có nhiều sai phạm về quản lý, điều hành báo “Nhà Báo và Công Luận.”
Một ký giả của báo này và cũng là người đại diện phía Nam của tờ “Nhà Báo và Công Luận” đã bị cách chức và đình chỉ công tác chỉ vì ông ta viết trên trang facebook cá nhân những lời đả kích Fidel Castro độc tài, di sản mà ông ta để lại là một nước Cuba nghèo nàn lạc hậu và cô lập, trong khi nhà cầm quyền Việt Nam buộc toàn dân để tang một ngày.
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều xếp Việt Nam ở cuối bảng về tự do báo chí, thông tin cùng với các nước độc tài Cộng Sản hay quân phiệt và tôn giáo cuồng tín như Trung Quốc, Iran, Cuba, Bắc Hàn, Lào,… (TN)

No comments:

Post a Comment