Chân Như, RFA 2016-12-05
Ngư dân Lý Sơn đánh bắt hải sản ngoài khơi Biển Đông. RFA
Truyền thông Nhà nước thường loan tin về nhiều chương trình hỗ trợ cho ngư dân với mục tiêu bám biển giúp giữ chủ quyền đất nước.
Có thể kể đến những chương trình lớn như cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn hơn, tàu vỏ thép có thể chống chịu va đập cũng như trang bị những thiết bị mới, hiện đại… thay thế cho những tàu nhỏ, trang thiết bị thô sơ của đa số ngư dân Việt hiện nay.
Trò chuyện với phóng viên Đài Á Châu Tự Do RFA, một ngư dân trình bày về thực trạng của tàu cá Việt Nam khi so với tàu của phía ngư dân Trung Quốc:
“Tàu nó nói chung là trang thiết bị và to hơn mình nhiều, mình nói chung là (mình) không bằng. Tàu cá của mình công suất máy nhỏ, nó công suất lớn máy lớn. Nói chung thấy tàu nó lúc còn nhỏ xíu thôi là mình phải chạy rồi”.
Cũng theo lời kể của ngư dân, tàu Trung Quốc liên tục bắt nạt, ức hiếp tàu cá Việt Nam ở Biển Đông, bất cứ lúc nào:
“Mình thấy bực. Giờ mình là con kiến mà chống lại cái xe sao chống nổi. Tàu nó tàu lớn súng ống lớn, chúng ngang nhiên phá phá đập đập. Mình buông xuôi chứ giờ mình đâu chống lại được, mình sức yếu tàu nhỏ nữa, tàu nó tàu sắt nó cựa vô cái tàu mình bể”.
Hoạt động của Hải quân VN?
Mỗi khi có tin tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc đuổi bắt, đâm va, tịch thu ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt được; nhiều người nêu lên thắc mắc tàu tuần duyên, tàu Hải quân Việt Nam ở đâu mà không giúp cho ngư dân.
Anh Hải, một ngư dân cho biết đa phần những người đi biển như anh không rõ lắm về hoạt động giúp đỡ cứu hộ của các tuần duyên Việt Nam. Họ không có phương tiện hay số điện thoại nóng để liên lạc tuần duyên hay Hải quân Việt Nam.
Cũng theo anh Hải, mỗi khi gặp nạn trên biển, thông thường họ phải báo về cho nghiệp đoàn, từ đó nghiệp đòan mới thông tin cho chính quyền địa phương. Anh chia sẻ về sự giúp đỡ và cứu hộ của chính quyền khi ngư dân gặp nạn:
“Nói chung cũng gần thì họ nhanh, nếu đang ở xa cũng lâu”.
Theo anh Hải, việc đến gần Hoàng Sa để đánh bắt vào thời điểm như hiện nay thì ít ai còn dám làm mặc dù chính quyền luôn trấn an người dân việc họ đánh bắt đã được chính quyền bảo vệ:
“Chính quyền trên nhiều lúc nói suông miết mà…”.
Nhiều ngư dân cho rằng dường như họ phải đơn độc giữa biển khơi vì chẳng nhận được sự đồng hành nào từ các lực lượng chức năng của Nhà nước trên biển; cũng như hỗ trợ trên bờ.
No comments:
Post a Comment