Wednesday, November 9, 2016

Sếp đường sắt kháng cáo kêu oan

(BĐT) - Ngày 7/11/2016, Tòa cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. 
Bị cáo Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tháng 10/2015. Ảnh: Doãn Tấn
Bị cáo Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tháng 10/2015. Ảnh: Doãn Tấn
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo đã có hành vi vòi vĩnh, sách nhiễm, yêu cầu nhà thầu nhiều lần đưa tiền trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Sử dụng bừa bãi 11 tỷ đồng hỗ trợ
Trước đó, vào tháng 10/2015, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo bản án sơ thẩm, ngày 31/10/2008, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1. Ngày 26/11/2008, Tổng công ty Đường sắt có quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư quản lý Dự án cho RPMU. Tháng 1/2009, RPMU thành lập Tổ dự án Tuyến đường sắt số 01 gồm 21 thành viên, trong đó Phạm Hải Bằng - Phó Giám đốc RPMU làm Chủ nhiệm Dự án; Phạm Quang Duy - Trưởng phòng Dự án 3 làm Điều phối viên; Nguyễn Nam Thái - Phó Trưởng phòng Dự án là chuyên viên kỹ thuật dự án.
Ngày 9/9//2009, RPMU ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật Dự án với Liên danh do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu. Liên danh này còn gồm một số doanh nghiệp Nhật Bản như Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS), Công ty Tư vấn đường sắt miền Đông Nhật Bản (JRC)… Hợp đồng trị giá hơn 2,9 tỷ Yên Nhật và hơn 320 tỷ đồng Việt Nam (tương đương hơn 4,6 tỷ Yên Nhật).
Sau khi hợp đồng được ký kết, ngay khi Liên danh các nhà tư vấn của Nhật (gọi tắt là JKT) bắt đầu triển khai công việc thì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án và các tổ thẩm định chuyên ngành kỹ thuật cho Dự án. Do tăng khối lượng công việc thiết kế cơ bản và thiết kế kỹ thuật, Liên danh nhà thầu JKT đã nghiên cứu đề xuất thay đổi một số thông số và nội dung của Dự án để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, có thêm và bớt một số thông số. Căn cứ vào phê duyệt của JICA, Bộ GTVT và ủy quyền của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, RPMU và JKT tiến hành thương thảo và ký Hợp đồng điều chỉnh. Hợp đồng này cũng đã được JICA và Bộ Tài chính thẩm định. Sau khi điều chỉnh, giá trị hợp đồng đã tăng thêm 7,68% (tương ứng hơn 700 nghìn Yên và hơn 84 tỷ đồng) thành hơn 3,6 tỷ Yên và hơn 236 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, từ tháng 10/2009 đến 11/2013, RPMU đã thanh toán khối lượng hoàn thành theo 19 hóa đơn của nhà thầu với tổng giá trị là hơn 2,8 tỷ Yên và 163 tỷ đồng bằng vốn ODA và thanh toán hơn 85 tỷ đồng bằng vốn đối ứng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, bị can Phạm Hải Bằng, Giám đốc RPMU nêu khó khăn về chi phí thực hiện triển khai Dự án nên được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ. Thực tế JTC đã hỗ trợ khoảng 11 tỷ đồng. Số tiền này các bị can sử dụng vào các hoạt động như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, chi phí chung cho Tổ dự án và Ban Quản lý như chi nghỉ mát, thưởng ngày lễ, Tết cho cán bộ nhân viên, hỗ trợ công đoàn, thanh niên…
Trong số 11 tỷ đồng nhận được, Phạm Hải Bằng quản lý và sử dụng 4,8 tỷ đồng. Phần còn lại do Duy và Thái quản lý, sử dụng. Việc nhận và sử dụng tiền của JTC các bị cáo không mở sổ sách, không ghi chép theo dõi tại RPMU hay Tổ Dự án và không báo cáo ai tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, qua các thời kỳ Phạm Hải Bằng có báo cáo Giám đốc RPMU gồm Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu, nhưng 3 vị giám đốc này đều không có chỉ đạo gì để chấm dứt việc tiếp nhận, sử dụng trái phép các khoản tiền từ JTC, mà để mặc cho Bằng nhận tiền trong thời gian dài. 
Vi phạm nghiêm trọng
Bản án nhận định hành vi của các bị cáo xâm hại đến tài sản người khác, làm chậm tiến độ Dự án, làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay và sử dụng vốn ODA.
Theo bản án sơ thẩm, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng bởi lẽ cả 6 bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, vì động cơ vụ lợi cá nhân và lợi ích nhóm trong PRMU, các bị cáo đã có hành vi vòi vĩnh, sách nhiễm trong quá trình thực hiện hợp đồng, yêu cầu nhà thầu nhiều lần đưa tiền.
Quá trình thực hiện thanh toán, các bị cáo không thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết, chưa kiểm soát chặt chẽ về số lượng, chất lượng, tiến độ sản phẩm, chưa có đầy đủ chứng từ theo yêu cầu giải ngân. Mặc dù tiến độ thực hiện chậm, mới đạt 47% theo hợp đồng, sản phẩm báo cáo chưa hoàn thành chiếm 45% hợp đồng, nhưng các bị cáo vẫn tiến hành giải ngân cho nhà thầu lên tới hơn 80% giá trị ngoại tệ và 69% giá trị nội tệ... Tất cả hành vi này được thực hiện sau khi phía nhà thầu Nhật Bản đã chi tiền ngoài (lại quả) cho RPMU.
Bản án nhận định hành vi của các bị cáo xâm hại đến tài sản người khác, làm chậm tiến độ Dự án, làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay và sử dụng vốn ODA. Tại phiên tòa sơ thẩm, Bằng nhận án 12 năm tù, Thái 11 năm tù, Duy 8 năm 6 tháng tù, Lục 5 năm 6 tháng tù, Đông và Hiếu cùng nhận 7 năm 6 tháng tù.
Sau phiên tòa, các bị cáo Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU) kháng cáo kêu oan. Bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng Thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU) kháng án xin giảm nhẹ hình phạt.
Thúy Nguyễn

No comments:

Post a Comment