Monday, November 21, 2016

Hàng không quốc tế không hài lòng về ‘kiểu Việt Nam’


Một góc phi trường Tân Sơn Nhất. Do phi trường này quá tải. Hồi đầu tháng 9, thủ tướng Việt Nam đồng ý mở phi trường Tân Sơn Nhất rộng gấp đôi so với hiện nay. (Hình: VN Economy)

VIỆT NAM – Phí cao, thiết bị kém, thủ tục phiền hà, lo ngại việc tu sửa-mở rộng các phi trường chính như Tân Sơn Nhất, Nội Bài thiếu khoa học, không hợp lý,…
Đó là những điểm chính mà đại diện các hãng hàng không quốc tế có đường bay đến Việt Nam cùng nêu ra khi đối thoại với Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam hồi cuối tuần vừa qua.
Hiện có 55 hãng hàng không ngoại quốc thiết lập khoảng 100 đường bay đến hoặc đi từ Việt Nam.
Đại diện các hãng hàng không quốc tế cùng than phiền là phí mà họ phải trả cho Việt Nam quá cao trong khi hạ tầng quá tệ. Những thiết bị tối thiểu như máy soi hành lý vừa thiếu, vừa nhỏ nên thường bị nghẽn vào lúc cao điểm, ảnh hưởng tới hoạt động của các hãng hàng không. Đó là chưa kể đến những phiền hà, mất nhiều thời gian do thủ tục về các chuyến bay quá rườm rà.
Hiệp hội các hãng hàng không khai thác hoạt động hàng không tại Việt Nam (AOC) khuyến nghị nên thành lập ủy ban phối hợp ra quyết định điều hành bay tại phi trường (CDM) để giảm tình trạng các chuyến bay bị trễ, thậm chí bị hủy chỉ vì việc điều hành bay trục trặc.
Đại diện các hãng hàng không quốc tế cũng đã bày tỏ sự âu lo khi Việt Nam có ý định tu sửa-mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Với cung cách điều hành như hiện nay, họ sợ rằng, hoạt động của họ sẽ bị vạ lây.
Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng Không Dân Dụng thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam, phân bua, phí mà Việt Nam đang thu được tính toán theo hướng dẫn của Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế (ICAO). Tuy nhiên ông Thanh hứa sẽ xem lại và sẽ minh bạch hóa về phí. Tuy nhiên việc điều chỉnh phí cần có thời gian để hai bên: Bên thu và bên trả thương lượng với nhau.
Ông Thanh thừa nhận, hạ tầng ở các phi trường, kể cả Tân Sơn Nhất và Nội Bài chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng, đặc biệt là các hãng hàng không chuyên vận tải. Đó cũng là lý do để ông Thanh biện bạch tại sao phải tu sửa – mở rộng hai phi trường Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Ông Trịnh Ngọc Thành, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, lưu ý, việc sửa chữa phi đạo ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài có thể mất bốn tháng/mỗi phi trường. Do đó, nếu không sớm thông báo về kế hoạch tu sửa thì việc tu sửa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các hãng hàng không.
Đối với đề nghị thành lập CDM, ông Thanh cho biết, tổng công ty quản lý bay đã thành lập trung tâm quản lý luồng không lưu. CDM sẽ là một phần quan trọng trong việc quản lý luồng không lưu, phối hợp ra quyết định cho phi cơ cất cánh tại phi trường liên quan đến cơ quan cấp phép bay, điều hành bay, phi trường và hãng hàng không. Tuy nhiên ông Thanh không cho biết lúc nào thì thực hiện “phần quan trọng” này. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment